Nói về việc giáo viên dạy thêm, tôi có nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm đó là việc cô giáo dạy Vật Lý năm lớp 12, đã dùng chiêu "rung cây doạ khỉ" với học sinh.
Chuyện là sau khi dạy lớp tôi được ba tiết, cô giáo Vật Lý nói cả lớp lấy giấy làm bài kiểm tra để lấy điểm miệng (mới đầu năm, học được 3 buổi đã làm kiểm tra).
Thật bất ngờ, để kiểm tra chỉ có một câu nhưng cả lớp tôi hầu như không ai giải được vì câu hỏi trích ra từ đề thi đại học những năm trước. Duy nhất, chỉ một bạn chịu khó học thêm trước trong dịp hè năm lớp 11, đã đọc qua dạng bài này nên biết làm và được cô cho 5 điểm. Số còn lại thì lấy rổ đựng "hột vịt" mang về nhà.
Cùng lúc đó, thông tin cô có mở lớp dạy thêm buổi tối được truyền đến tai và các bạn lớp tôi nô nức đi đăng ký học thêm cô, trong đó có tôi. Lý do bao gồm trong chữ sợ. Phụ huynh sau khi biết bài kiểm tra đầu năm điểm quá thấp, lại tưởng con mình dở và muốn có một chỗ học thêm. Học sinh chúng tôi thì cũng muốn học thêm để bồi dưỡng những kiến thức mà trên lớp, "giáo viên không có thời gian truyền đạt" để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, đại học.
>> 'Sợ thua kém, nhiều phụ huynh đã biến con mình thành robot học thêm'
Thật lạ là cũng một bài giảng, trên lớp chúng tôi không hiểu nhưng khi đến lớp học thêm thì bỗng dưng được truyền đạt gãy gọn, đơn giản lạ kỳ và thỉnh thoảng lại được cũng cấp thêm những "công thức bí mật". Những bạn không đi học thêm là hầu như không nắm được bài và thường bị điểm thấp trong những kỳ kiểm tra. Những bạn này cũng bị giáo viên chú ý hơn.
Vì có thâm niên nên thu nhập của cô cao hơn so với mặt bằng chung giáo viên trong trường. Nhưng nhờ dạy thêm, cô đã xây được một căn nhà hai tấm ở trung tâm huyện, trong khi các giáo viên khác còn đang ở tập thể.
Hôm nay, quốc hội thảo luận, chất vấn lãnh đạo Bộ Giáo dục về việc dạy thêm. Tôi thấy một số ý kiến cho rằng giáo viên dạy thêm là do thu nhập, tiền lương quá thấp. Nếu không cho giáo viên dạy thêm, họ đi làm việc khác và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Thậm chí, có người cho rằng "cứ tăng thu nhập giáo viên 30-40 triệu đồng một tháng thì sẽ không ai đi dạy thêm".
Gốc rễ của việc dạy thêm không chỉ nằm ở bản thân giáo viên. Học thêm đến từ nhu cầu của phụ huynh luôn muốn con mình giỏi giang, nắm vững kiến thức. Học thêm đến từ nhu cầu của học sinh khi không thoả mãn kiến thức thu lượm trên lớp học.
>> Trẻ em bị tước đoạt tuổi thơ vì phải học thêm lúc nghỉ hè
Ngay trong chính đội ngũ giáo viên cũng có sự phân hóa. Đâu phải môn nào cũng dạy thêm được? Như vậy, nếu giả sử ngân sách có thừa để tăng lương giáo viên trên cả nước lên mức 30-40 triệu đồng như nhiều người nghĩ, thì một giáo viên môn phụ có thu nhập bằng với một giáo viên môn chính. Khi đó, các giáo viên lại có nhu cầu thu nhập cao hơn mặt bằng chung. Những giáo viên bộ môn có thể dạy thêm sẽ chịu "chê tiền" không?
Trung Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.