Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97 chốt tăng học phí đại học. Theo đó, trần học phí đại học công lập chưa tự chủ từ năm học này là 1,2-2,4 triệu đồng một tháng, cao hơn mức 0,98-1,43 triệu đồng trước đó. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.
Tôi cho rằng, tăng học phí đại học là điều cần thiết, vì học phí thấp sẽ không thể có chất lượng đào tạo cao được. Thay vào đó, chúng ta cần cho các trường đại học tự chủ tài chính hoàn toàn. Rồi sau đó, mỗi năm, ngân sách Nhà nước có thể dành một khoản nhất định làm học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Chứ không nên cào bằng khống chế mức học phí như hiện nay.
Ngay cả quan cơm bình dân cũng thế, khi tất cả nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá, mà cơ quan quản lý không cho người kinh doanh tăng giá bán, thì hiển nhiên họ sẽ phải cắt giảm chất lượng, chẳng có cách nào khác.
Đi học nghề cũng phải bỏ tiền học phí, vậy cớ sao lại cứ đòi hỏi học đại học phải thật rẻ, phải miễn phí? Muốn học phí đại học giá rẻ, chúng ta sẽ phải lấy ngân sách để bù lỗ, rồi lại phải tăng thuế của các ngành nghề khác để gánh cho giáo dục, vậy liệu có công bằng?
Nói thẳng ra, giờ vào đại học dễ hơn thời trước rất nhiều, tỷ lệ đỗ đại học cũng ngày càng tăng. Thời tôi đi học, mỗi năm cả làng chỉ có vài người đỗ đại học, đến mức nhà nào đỗ còn làm cỗ ăn khao. Còn giờ đây, mỗi năm vài ba chục cháu đỗ đại học, hiếm lắm mới có cháu không đỗ. Nên việc đỗ đại học bây giờ không phản ánh chính xác năng lực của người học để mà nói phải có chế độ ưu ái này kia.
Chưa kể việc học đại học giờ cũng dễ dàng hơn nhiều với các sinh viên khó khăn. Thời chúng tôi đi học, làm gì được vay vốn ưu đãi để đi học như bây giờ? Bố mẹ tôi ở nhà toàn phải đi vay nặng lãi bên ngoài để có tiền cho con nộp học phí. Lên Hà Nội, tôi phải lao đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng cũng đâu có nhiều việc để làm, chỉ loanh quanh đi gia sư, rửa bát, ai có sức khỏe thì đi là phụ hồ kiếm thêm chút tiền ăn và tiền nhà.
Còn thời nay, em nào nhà nghèo, không có tiền đóng học phí thì có thể vay vốn ưu đãi một cách dễ dàng, học xong đi làm rồi trả nợ dần. Việc làm thêm với sinh viên bây giờ cũng không thiếu, quan trọng là bạn có chăm chỉ hay không, chứ muốn làm bao nhiêu việc cũng có.
Việc học xong ra trường không có việc làm là lỗi của người học, chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho trường đại học được. Trước khi chọn trường, thí sinh và gia đình có quyền và nghĩa vụ tìm hiểu danh tiếng, uy tín của trường, cơ hội việc làm ngành học sau khi ra trường trước khi quyết định đăng ký. Nếu bạn cố tình bỏ qua quyền đó thì không thể trách ai?
Cứ nhìn các sinh viên tốt nghiệp các trường top đầu như Bách Khoa, Xây Dựng, Kinh Tế, Ngoại Thương... xem có mấy ai phải giấu bằng đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ không? Hay những sinh viên không có việc làm toàn là tốt nghiệp các trường chưa nộp đơn ứng tuyển đã đỗ? Biết trước điều đó, tại sao vẫn chọn trường top cuối rồi than vãn chất lượng đào tạo kém, ra trường không có việc làm, rồi phản đối tăng học phí.
Tóm lại, tôi cho rằng, học đại học cũng là một bài toán kinh doanh với mỗi sinh viên, mỗi gia đình. Nếu không có năng lực mà cố đua đòi vào đại học, thì thua lỗ là chuyện đương nhiên, đừng đổ tại học phí cao.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.