Cách đây mấy tháng, nhân dịp rảnh rỗi tôi có đi theo nhóm thợ của một công ty cơ khí trong một dự án khá lớn. May mắn là nhóm thợ chúng tôi đã hoàn thành một dự án quan trọng này. Đó là dự án sửa chữa, bảo dưỡng máy sàng, lọc than của một nhà máy khai thác than lớn. Còn mới đây thì chúng tôi đã hoàn thành việc bảo dưỡng một thiết bị của một con tàu vận tải hơn một nghìn tấn.
Trong niềm vui vừa hoàn thành một công việc phức tạp, bên ấm trà, anh nhóm trưởng của nhóm công nhân chúng tôi, người có tay nghề rất cao, người đã từng thi công những công trình mang tầm quốc gia như thủy điện Sơn La, hầm đèo Cả... tâm sự:
"Những người công nhân là những người đắm đuối nhất với công việc, là những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, mang lại giá trị thiết thực cho đời nhưng công nhân, người lao động trực tiếp lại thường là những người không được coi trọng, có thứ hạng thấp trong nhà máy, xí nghiệp hay ở ngoài xã hội".
Có thời kỳ dư luận xôn xao khi người giảng viên đi bán xôi vì coi đó là hạ thấp nghề nghiệp của mình, chẳng thấy ai đặt lại vấn đề là người bán xôi có thể trở thành giảng viên, có thể mọi người nghĩ điều này là không thể, nghĩa là người lao động không hề được coi trọng một chút nào.
Việc đáng buồn này đã xảy ra vài năm nhưng tình hình hiện nay chưa có nhiều thay đổi bởi mấy tháng trước dư luận dậy sóng khi một shipper nói tiếng Pháp. Đa số luồng ý kiến đều cho rằng: chỉ không có trình độ mới đi làm shipper, chẳng mấy ai coi đi giao hàng cũng là công việc.
Chuyện này cũng giống như tâm sự của anh nhóm trưởng của nhóm thợ chúng tôi ở trên đây về một thực trạng đáng buồn. Chính vì không được tôn trọng nên nhiều người không muốn làm công nhân, chỉ muốn làm bàn giấy; những trường dạy nghề dù học viên ra trường là có việc ngay thì không có thí sinh đăng ký, trong khi thí sinh lại đua nhau đăng ký vào các trường đại học dù ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, làm công nhân đầy rẫy.
Điều đáng nói ở đây là nếu như thí sinh đăng ký rồi đỗ và được đào tạo ở những trường đại học có chất lượng đào tạo tốt thì không nói làm gì, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều trường đại học; viện nọ, viện kia tên có thể rất hay nhưng thực chất chỉ là hình thức, chất lượng đào tạo không ra gì; thí sinh đăng ký rồi đi học ở đó chỉ được mỗi cái mác là học đại học.
Học hành ở những trường như vậy vừa mất tiền lại mất bao nhiêu thời gian quý giá nhất của đời người khi mài đũng quần trên những giảng đường vô bổ. Bất cập như vậy nhưng nhiều người trẻ vẫn chọn học những trường này đấy vì họ muốn làm bàn giấy hơn làm công nhân.
Thừa thầy, thiếu thợ, tiến sĩ giấy đầy là từ đây chứ đâu xa. Giờ đây thợ xây lương cao nhưng khó lấy vợ hơn nhân viên văn phòng cũng một phần là do hình thức, màu mè.
Tôi có một người bạn làm giáo viên, anh tâm sự rằng: một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được khi là người giáo viên đó chính là sự tôn trọng. Bí quyết để có được những giờ lên lớp hiệu quả, để có được những mối quan hệ vui vẻ đôi khi lại rất đơn giản, đó chính là sự tôn trọng: Hãy để mọi người được là chính mình.
Khi người giáo viên tôn trọng học sinh thì các em sẽ tự tin hơn, lúc đó mọi tiềm năng của học sinh có thể sẽ được đánh thức, lúc đó giờ học có thể có hiệu quả cao, giúp thầy trò cùng vui vẻ, góp phần làm cho trường học trở thành "trường học hạnh phúc".
Cần phải bỏ ngay những suy nghĩ không coi trọng người lao động càng sớm càng tốt. Công nhân, nông dân, shipper... thì đã sao? Những người lao động như công nhân, nông dân, shipper, người lao động tự do làm việc vất vả nhưng họ kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Họ không xin ai, nếu phải vay nợ thì họ cũng phải trả chứ không thể không được, nợ ai tình cảm thì họ phải mang ơn và trả ơn.
Lẽ ra họ phải "ngạo nghễ; bước đi dõng dạc đường hoàng" chứ không phải sợ hãi, tự ti. Có người sinh ra đã làm nông dân hay công nhân nhưng có những người họ chỉ muốn làm nông dân, công nhân dù có thể có cơ hội làm công việc khác.
Giờ đây có những người nông dân, công nhân có tri thức do được học hành bài bản hoặc do tự học, họ có hoài bão, bản lĩnh... những người này đã và đang cống hiến cho đời bằng những hành động thiết thực như lao động để tạo ra sản phẩm, hay làm dịch vụ...
Có những người nông dân, công nhân còn là những nhà sáng chế, những doanh nhân tạo việc làm cho rất nhiều người. Họ chính là những công nhân, nông dân thời 4.0.
Hãy học những đất nước phát triển như Hàn Quốc chẳng hạn ở điều quan trọng này. Anh bạn tôi đi lao động ở Hàn Quốc có kể lại rằng: ở Hàn Quốc, cụ thể là ở công ty anh đang làm việc thì những người công nhân trong công ty như anh luôn là những người được coi trọng, nhân viên văn phòng đôi khi phải cúi chào công nhân.
Theo guồng quay công việc, những người công nhân như anh trong tuần phải làm việc hết mình, cả người chủ cũng vậy. Làm việc vất vả như vậy nhưng thường cuối tuần công ty sẽ đài thọ một bữa ăn thịnh soạn, người lao động sẽ được nghỉ ngơi thoải mái để tái tạo sức lao động, chuẩn bị một tuần làm việc mới.
Một đất nước muốn thịnh vượng thì mọi công dân từ những tầng lớp tinh hoa đến tầng lớp yếu thế đều phải được tôn trọng, bình đẳng như nhau. Chỉ khi đó mỗi cá nhân mới có thể có cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, phát huy được hết khả năng của bản thân để trở thành người bản thân có thể là. Đó cũng là chiến lược phát triển của nhiều quốc gia hiện nay.
Trong cuốn Thế giới phẳng, nhà báo Thomas Friedman có viết, đại ý: Trước đây chiến lược phát triển của mỗi quốc gia là trở thành quốc gia hùng mạnh, ngày nay chiến lược của mỗi quốc gia là làm sao để mỗi công dân của quốc gia mình trở nên hùng mạnh - khi mỗi công dân có thể trở nên hùng mạnh thì đất nước sẽ hùng mạnh.
Hãy đặt người người lao động ở vị trí xứng đáng. Hiếm có người nào không yêu lao động, không quý trọng người lao động mà lại giàu có và chắc không có quốc gia nào không quý trọng người lao động mà lại trở lên giàu có, thịnh vượng.
Khi những người lao động được thực sự trân trọng thì sự phát triển mới dần đi vào thực chất, đất nước mới phát triển để có thể trở nên hùng cường.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.