Sau bài viết Vào đại học độc giả Giang Dam chia sẻ câu chuyện lệch pha giữa đào tạo đại học và nhu cầu của thị trường việc làm:
Tôi đã từng học thạc sĩ ở Anh vào năm 1998-1999. Tại thời điểm đó rất nhiều bạn bè cùng lớp người Hy Lạp đã nói với tôi rằng ở Hy Lạp một thợ điện, thợ hàn giỏi tìm việc rất dễ dàng, lương khá tốt trong khi các tiến sĩ, thạc sĩ kể cả học từ Anh và Mỹ đều rất khó kiếm việc.
Một việc rất cũ và dường như ai cũng biết là chúng ta thiếu rất nhiều trường dạy nghề tốt và đào tạo những cái xã hội cần trong khi thừa trường đại học dạy những điều lạc hậu, thậm chí giáo điều. Không thay đổi gì nhiều trong hai chục năm qua.
Độc giả Nguyễn Thanh Tùng cùng quan điểm:
Đây chẳng phải là điều các nhà quản lý giáo dục đại học không nhận ra, thế nhưng phải làm gì để cải thiện điều đó, ai làm và bắt đầu từ đâu thì hầu như tất cả họ không có lời giải. Hoặc không chịu khó để cởi nút thắt cho số đông sinh viên Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua, hoặc họ giả ngơ để mọi việc cứ tiếp diễn cho một nghịch lý: Cái xã hội cần thì trường đại học không có, điều mà trường đại học dạy cho sinh viên để có tấm bằng thì xã hội không cần.
Và cuối cùng, tuy biết rằng đào tạo ra biết bao sản phẩm lỗi và không lỗi (nhưng chẳng đáp ứng yêu cầu của xã hội), các trường đại học vẫn cứ cắm đầu đào tạo để đảm bảo không mất thu nhập - quyền lợi.
Độc giả la dieuquan đưa ra lý do khiến giáo dục đại học vẫn ở trong vòng luẩn quẩn đào tạo những "sản phẩm" mà thị trường việc làm không cần:
Tại sao nhiều người vẫn tập trung vào việc có bằng cấp thay vì thu nhận các kỹ năng thị trường việc làm đang cần? Vì không biết các kỹ năng thị trường việc làm đang cần nên đi học cái mình thích.
Tại sao các trường vẫn cung cấp bằng cho ngành mà người tốt nghiệp của họ sẽ khó kiếm việc? Vì các trường đào tạo theo nhu cầu người học.
Tại sao gia đình cho con cái vào cuộc hành trình giáo dục mà không có kế hoạch, đích đến rõ ràng? Cũng vì không hiểu, không có kế hoạch, đích đến nên vẫn đi học cái mình thích. Các kỹ năng thị trường việc làm đang cần là gì rất ít người nắm được, nếu ai cũng biết thì lại đổ xô vào học, khi học xong lại chẳng ai cần nữa.
Độc giả Lien cho rằng ngoài kiến thức học được từ giảng đường, mỗi người cần học kỹ năng thích nghi với sự thay đổi của xã hội để dễ tìm được việc làm:
Theo tôi kỹ năng quan trọng nhất của mỗi người trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng là thích nghi (adaptation). Và để có thể thích nghi thì cần có trải nghiệm càng đa dạng càng tốt.
Tôi ở phổ thông học chuyên môn tự nhiên, vào đại học học Quan hệ kinh tế quốc tế, rồi ra trường làm nhiều nghề. Từ giảng viên đại học, nhân viên ngân hàng đến quản lý chương trình/ dự án và bây giờ là thiết kế dự án phát triển. Chưa tính đến các việc bán thời gian như tư vấn doanh nghiệp và dịch sách.
Tôi chưa bao giờ tiếc bất kỳ thời gian nào, vì mỗi một thứ đều có thể dạy cho tôi nhiều điều để thành công trong công việc hiện tại, chỉ cần có tâm thức học hỏi. Việc đặt ra một mẫu hẹp nghề nghiệp cho thành công quá sớm có thể hạn chế bạn phát huy sở trường thực sự của mình (mà không phải ai cũng biết sớm).
Tôi hơi e ngại với những lời kêu gọi học một số nghề đang hot trong thời điểm hiện tại như công nghệ thông tin, bởi không ai chắc các nghề đó còn hot đến bao giờ (giống việc học kinh tế trước đây của tôi cũng được coi là hot và giờ thì thị trường đã no nê với nghề này). Hãy có nhiều thứ hơn để dự phòng, hãy tự hỏi ví dụ nếu mình không làm coding nữa thì mình có thể làm gì.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp