Vụ việc 9 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình đã ra tòa án xử khá lâu. Vụ án gây ra khá nhiều tranh cãi về tội danh của các bị cáo. Cái duy nhất mà ai cũng đồng ý là nguồn nước chạy thận bị nhiễm độc, xuất phát từ việc ông Quốc- người sửa chữa đã dùng các hóa chất chưa được cho phép để sục rửa máy lọc nước.
Cụ thể là HF-HCl. HF là axit hydrofluoric, còn HCl là axit hydrochloric. Hai loại axit này đều có độc tính cao, có thể gây ra những tổn thương cực kỳ nghiêm trọng. Trong đó HF được xem như là tử thần giết người cực kì đau đớn. Giới hóa học - các kĩ sư hóa và các nhà hóa học nghe tên HF là run cầm cập.
Khi cơ thể con người tiếp xúc với HF thì sẽ không cảm thấy đau. HF sẽ len lỏi vào cơ thể và phá hủy xương và các nơi có canxi, và lúc này thì sẽ thấy đau. Cách duy nhất để giải độc là tiêm một loại hóa chất có nhiều canxi vào cơ thể. Axit hydrofluoric sẽ kéo tới dưới móng tay móng chân, nơi có nhiều canxi, và để "tiêu diệt" chúng thì sẽ phải... khoan qua móng tay móng chân để tiêm hóa chất giải độc vào. Quá trình này phải làm mà không có thuốc giảm đau, vì cơ thể phải có khả năng cảm nhận đau trong quá trình điều trị. Khi nào cơ thể bớt đau sau khi tiêm thuốc giải độc thì mới biết là có hiệu quả.
HF đáng sợ tới mức ở những nơi phải dùng HF người ta sẽ pha trộn nitric axit - vốn cực độc nhưng sẽ gây đau ngay khi chạm vào da. Vì vậy nếu bị trúng axit thì biết ngay mà can thiệp.
>> Xem thêm: Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội nếu được giao nhiệm vụ 'bằng miệng'?
Sau khi dùng HF hay bất kỳ loại axit nào để rửa bất kì dụng cụ gì thì phải dùng giấy thử đổi màu (giấy quỳ tím) để kiểm tra độ pH, pH phải bằng 7 thì mới tốt. Khi pH đã bằng 7 rồi thì phải rửa lại thêm 3 lần bằng nước và kiểm tra bằng giấy thử mỗi lần. Đó là quy trình dùng cho các loại dụng cụ sản xuất hóa chất công nghiệp, những thứ mà không ai sờ tới mà không đeo găng tay.
Dùng các axit này để rửa màng lọc nước chạy thận thì cũng tương tự dùng axit mà rửa chén bát xong chảo trong nhà hàng. Trách nhiệm của ông Quốc khi dùng các loại axit để sục rửa là đã rõ. Vì sao việc bảo quản các loại thiết bị y tế có ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh lại được thả lỏng nghiêm trọng lại là chuyện khác. Các nhân vật lãnh đạo bệnh viện và phòng vật tư cũng đã bị truy cứu trách nhiệm trong việc thả lỏng này.
Cái đáng nói hơn là ai sẽ được phép tham gia quy trình bảo dưỡng thiết bị y tế? Trong thời đại mà các thiết bị y tế ngày càng quan trọng và can thiệp trực tiếp vào cơ thể người bệnh thì sự an toàn của các thiết bị này là tối quan trọng. Nhưng các bác sĩ không thể chịu trách nhiệm và cũng không có chuyên môn bảo quản các thiết bị này.
Ở Việt Nam, có các khóa đào tạo những người tham gia bảo trì các thiết bị y tế không? Mỗi loại thiết bị y tế có quy trình bảo trì riêng, làm sai có thể gây chết người. Nhưng ông Quốc là do ai đào tạo, học hành thế nào?
>> Xem thêm: Căn cứ nào buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương vi phạm khi ra y lệnh?
Thật khó hiểu khi một người làm công việc quan trọng như vậy lại có thể được một công ty hợp đồng mà không rõ đã được huấn luyện thế nào? Thậm chí bây giờ người ta hỏi rằng ở Việt Nam thì những ai đủ điều kiện để tham gia sửa chữa các thiết bị đó, chắc là cũng không có câu trả lời.
Trách nhiệm mà bác sĩ Lương bị truy tố chỉ nằm ở một điều: liệu ông Lương có cẩu thả khi chỉ nghe báo cáo của điều dưỡng là sửa chữa xong mà đã ra y lệnh chạy thận không?
Thực tế thì cho dù ông Quốc có trực tiếp báo cáo và làm văn bản bàn giao máy thì cũng y chang như vậy, HF và HCl sẽ vẫn có mặt trong đó. HF và HCl đã được sử dụng không phải chỉ một lần, nhưng lần này mới bị tồn dư, có thể là do quá trình dùng các axit này nhiều lần, hay cũng có thể là do axit đã không được rửa bỏ kỹ lưỡng sau khi sục rửa.
Tội lỗi của các bị cáo thì sẽ do tòa án quyết định, nhưng nếu các "kỹ thuật viên" không rõ trình độ cứ tiếp tục tham gia quá trình sửa chữa, bảo trì thiết bị y tế thì sẽ còn nhiều người chết oan.
>>Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.