"Tôi thuộc thế hệ X. Thời mới đi làm, tôi luôn có mục tiêu sẽ cống hiến hết mình cho công việc. Để cống hiến được nhiều nhất, chúng tôi làm mọi việc được giao với hết khả năng của mình, sẵn sàng hộ trợ đồng nghiệp trong mọi công việc và tính huống. Về phần thu nhập (hưởng thụ, chúng tôi được tập thể đánh giá và quyết định thỏa đáng.
Trong khi đó, làm việc với Gen Z bây giờ, tôi thấy có một sự khác biệt rất lớn trong tư tưởng. Các bạn trẻ thế hệ Z đi làm với mục tiêu hưởng thụ là chính. Họ chỉ hoàn thành đúng công việc chuyên môn như trong hợp đồng ban đầu và đòi hỏi được trả lương đầy đủ. Thực tế, nhiều bạn có năng lực tốt, có thể làm được nhiều việc hơn nữa, nhưng họ nhất quyết không chịu cống hiến thêm".
Đó là chia sẻ của độc giả Cường Trần xung quanh câu chuyện 'xung đột thế hệ' vì Gen Z. Theo một khảo sát được thực hiện từ tháng 4-9, với sự tham gia của gần 64.000 người đi làm, 752 doanh nghiệp và 150 lãnh đạo, 75% người đi làm cảm thấy "xung đột thế hệ" tại nơi làm việc, đặc biệt mạnh mẽ là giữa các thế hệ trước gồm Baby Boomers (sinh từ 1946 đến 1964), X (1965 đến 1980), Y (1981 đến 1996) đối với Gen Z.
Đồng quan điểm về thái độ làm việc của thế hệ Z, bạn đọc Đô Nguyễn nhận định: "Gen Z có một đặc điểm là nhiều bạn hay bỏ ngang dự án với lý do rất buồn cười là 'em thấy không thích'. Với tôi, đó là thiếu trách nhiệm trong công việc. Các bạn đều biết rõ công việc mình sẽ làm từ trước khi ứng tuyển thông qua Job Description (bản mô tả công việc), vậy nên dù thích hay không, khi tham gia dự án, các bạn cũng nên hoàn tất công việc rồi hãy nghỉ.
Tất nhiên, do tư duy mỗi thời mỗi khác, nên cũng không thể yêu cầu các bạn trẻ phải trung thành ở một chỗ mãi, hay cống hiến hết mình được, nhưng ít nhất cũng phải có trách nhiệm với tập thể. Các bạn Gen Z sống sung sướng từ nhỏ nên nhu cầu giải trí, hưởng thụ nhiều hơn các thế hệ trước cũng là điều dễ hiểu".
>> Cuộc chiến với nhân viên Gen Z 'lắm tài nhiều tật'
Làm gì để dung hòa những khác biệt trong thế hệ giữa nhân viên Gen Z và các thế hệ trước? Độc giả Lezardvn cho rằng: "Một trong các vấn đề lớn nhất của Gen Z thực ra là khả năng giao tiếp hạn chế. Họ lớn lên trong thời đại thông tin bùng nổ, khả năng tìm kiếm bạn bè qua mạng dễ dàng, nên khả năng giao tiếp trực tiếp bị suy giảm.
Rất nhiều bạn trẻ chỉ luẩn quẩn trong cái vòng bạn bè mà mình ưa thích, chứ ít chịu giao tiếp với đa dạng nhóm người ngoài xã hội. Những cộng đồng này có tiêu chuẩn, chuẩn mực, thậm chí là ngôn ngữ riêng nên bên ngoài, thậm chí là ngay chính giữa các Gen Z với nhau cũng rất khó để có thể hiểu và giao tiếp với nhau.
Đi làm thì phải giao tiếp nhiều người, nhiều thế hệ, khả năng giao tiếp của Gen Z thấp thì lại co mình lại, thậm chí chơi với những người có tiếng nói như mình và mong muốn 'vũ trụ cũng quay quanh mình'. Muốn giải quyết vấn đề này, theo tôi các thế hệ trước cần tìm cách lôi kéo các bạn Gen Z giao tiếp nhiều hơn, vị tha với họ hơn, giải thích cho họ kỹ hơn một chút, tôi tin các bạn trẻ cũng sẽ sớm hòa nhập".
Với cái nhìn lạc quan hơn về thế hệ Z, bạn đọc Tiến sỹ Gàn nhấn mạnh: "Hiện tại, Gen Z thể hiện nhu cầu 'muốn tạo ra giá trị xã hội' nhưng dựa trên cái tôi cá nhân khá nhiều. Họ coi nhu cầu của chính bản thân là giá trị, tiêu chí cho xã hội. Trong khi đó, số đông Gen Z lại chưa thực sự hoàn thiện đủ đầy về bản lĩnh, chưa có độ chín về tư duy xã hội, cũng như ý thức về sự phát triển của chính mình, thế nên, tiêu chí xã hội đặt ra ở họ có phần lệch lạc, quay quanh nhu cầu của cá nhân khi họ đặt bản thân làm trung tâm của xã hội. Điều này khiến cho Gen Z dễ trở thành đối tượng hỗn loạn hơn.
Dĩ nhiên, cũng vẫn có những bạn Gen Z giỏi nắm bắt và nhận thức tốt, tạo sức bật. Sự phát triển của công nghệ, của thông tin khiến các ảnh hưởng càng rõ nét và dễ tác động. Ngày trước, ai đó gây ra hỗn loạn chỉ trong phạm vi gia đình, công việc của cá nhân họ, thì giờ mạng xã hội, công nghệ thông tin góp phần truyền đi rộng hơn. Nhưng tôi tin, trong vòng 10 năm nữa, Gen Z sẽ trưởng thành và ổn định để thực sự trở thành thế hệ tích cực đúng nghĩa".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.