Khi Mỹ kết thúc cuộc chiến dài nhất của họ, Afghanistan vẫn là nhà cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất thế giới và có thể vẫn duy trì như vậy khi Taliban kiểm soát đất nước.
Sự tàn phá trên diện rộng trong chiến tranh, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, viện trợ nước ngoài bị cắt giảm và tổn thất chi tiêu địa phương do quân đội nước ngoài rời đi có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, khiến nhiều người Afghanistan nghèo khổ phụ thuộc vào buôn bán ma tuý để tồn tại.
Sự phụ thuộc đó có nguy cơ gây ra nhiều bất ổn hơn khi Taliban, các nhóm vũ trang khác, các thủ lĩnh sắc tộc và các quan chức tham nhũng tranh giành quyền lực và lợi nhuận từ ma túy.
Một số quan chức Liên Hợp Quốc và Mỹ lo ngại việc Afghanistan rơi vào hỗn loạn sẽ tạo điều kiện để việc xuất thuốc phiện phát triển hơn, trở thành lợi ích tiềm năng cho Taliban.
"Taliban coi buôn bán thuốc phiện ở Afghanistan là một trong những nguồn thu nhập chính", Cesar Gudes, người đứng đầu văn phòng Kabul của Văn phòng Chống Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), nói. "Sản xuất nhiều hơn khiến họ bán ma túy với giá rẻ và hấp dẫn hơn, do đó khả năng tiếp cận rộng rãi hơn".
Taliban đã cấm trồng cây thuốc phiện vào năm 2000 khi họ muốn được quốc tế công nhận, nhưng vấp phải phản ứng dữ dội và sau đó thay đổi lập trường.
Các chuyên gia cho biết bất chấp những mối đe dọa từ hoạt động kinh doanh ma túy của Afghanistan, Mỹ và các quốc gia khác hiếm khi đề cập công khai vấn đề này. Theo ước tính của UNODC, Afghanistan chiếm hơn 80% nguồn cung thuốc phiện và heroin toàn cầu.
"Chúng tôi đã đứng ngoài lề và thật không may đã để Taliban trở thành 'tổ chức giống khủng bố nhưng không bị xác định chính thức là khủng bố' kiếm được nhiều tiền nhất trên thế giới", một quan chức Mỹ am hiểu hoạt động buôn bán ma túy của Afghanistan cho biết.
"Mỹ và các đối tác quốc tế đã không giải quyết vấn đề trồng cây thuốc phiện", quan chức này cho biết. "Cuối cùng thì nó đã quá phát triển".
Khi được yêu cầu bình luận, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan, "bao gồm những nỗ lực chống ma túy đang diễn ra", nhưng từ chối cho biết liệu viện trợ có tiếp tục khi Taliban nắm chính quyền hay không.
Nông dân Afghanistan cân nhắc nhiều yếu tố khi quyết định trồng bao nhiêu cây thuốc phiện, như lượng mưa hàng năm và giá lúa mì - loại cây thay thế chính cho cây thuốc phiện, giá thuốc phiện và heroin trên thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hạn hán và thiếu lúa mì, khi giá lúa mì tăng vọt, nông dân Afghanistan vẫn trồng cây thuốc phiện và chiết xuất nhựa cây để tinh chế thành morphin và heroin. Trong những năm gần đây, nhiều người đã lắp đặt các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho các giếng nước sâu.
Theo UNODC, mức sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan đã lên mức cao nhất trong các năm gần đây. Ngay cả khi Covid-19 hoành hành, diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng vọt 37% vào năm ngoái. "Ma túy là ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước, ngoại trừ chiến tranh", Barnett Rubin, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao về Afghanistan, nhận xét.
UNODC cho biết mức sản lượng thuốc phiện cao nhất mọi thời đại ở Afghanistan là vào năm 2017 với 9.900 tấn, trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 7% GDP. Khi tính đến giá trị của ma túy xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cùng với tiền chất nhập khẩu, UNODC ước tính nền kinh tế buôn bán thuốc phiện tổng thể của đất nước năm đó lên tới 6,6 tỷ USD.
Các chuyên gia cho biết Taliban và các quan chức nhà nước từ lâu đã tham gia vào hoạt động buôn bán ma tuý, mặc dù một số tranh cãi về mức độ vai trò và lợi nhuận của Taliban
Liên Hợp Quốc và Washington cho rằng Taliban liên quan đến tất cả các khía cạnh, từ trồng cây thuốc phiện, chiết xuất và buôn bán cho đến các khoản "thuế" từ người trồng trọt và phòng thí nghiệm bào chế. Họ cũng thu phí từ những kẻ buôn lậu đối với các chuyến hàng đến châu Phi, châu Âu, Canada, Nga, Trung Đông và các khu vực khác của châu Á.
Theo David Mansfield, nhà nghiên cứu hàng đầu về buôn bán ma túy ở Afghanistan, một số lô hàng được đưa qua biên giới để tới tay những con buôn ở Iran bằng những chiếc máy bắn đá thô sơ.
Các quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng Taliban có thể kiếm được hơn 400 triệu USD năm 2018 - 2019 nhờ hoạt động buôn bán ma túy. Một báo cáo của Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Afghanistan (SIGAR) vào tháng 5 dẫn lời một quan chức Mỹ, ước tính họ thu được tới 60% doanh thu hàng năm từ ma túy.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ dữ liệu đó. Mansfield cho biết các nghiên cứu thực địa của ông cho thấy số tiền lớn nhất mà Taliban có thể kiếm được từ ma túy là khoảng 40 triệu USD mỗi năm, chủ yếu là các khoản thu từ sản xuất thuốc phiện, phòng thí nghiệm heroin và vận chuyển ma túy. Ông cho biết Taliban kiếm được nhiều tiền hơn nhờ thu phí xuất nhập khẩu hợp pháp tại các trạm kiểm soát ven đường.
Washington đã chi khoảng 8,6 tỷ USD từ năm 2002 đến 2017 để ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy của Afghanistan nhằm chặn nguồn tài chính của Taliban, theo một báo cáo của SIGAR năm 2018. Ngoài việc xóa bỏ cây thuốc phiện, Mỹ và các đồng minh còn hỗ trợ các cuộc đột kích và thúc đẩy các chương trình cây trồng thay thế, thực hiện các cuộc không kích vào các phòng thí nghiệm bị nghi là nơi sản xuất heroin và các biện pháp khác.
Những nỗ lực đó "không thực sự mang lại nhiều thành công", tướng Mỹ đã nghỉ hưu Joseph Votel, người chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ năm 2016 - 2019, nói.
Thay vào đó, các biện pháp khiến những nông dân và người lao động phụ thuộc vào sản xuất thuốc phiện để nuôi sống gia đình tức giận với chính phủ ở Kabul và những nước hậu thuẫn, trong khi đồng cảm với Taliban.
Taliban đã học được bài học từ lệnh cấm trồng cây thuốc phiện vào năm 2000, học giả Vanda Felbab-Brown của Viện Brookings nói. Vì vậy, các chuyên gia nhận định khó có khả năng Taliban sẽ cấm trồng cây thuốc phiện khi họ cầm quyền.
Lệnh cấm khi đó gây ra "một cơn bão chính trị lớn chống lại Taliban và đó là một trong những lý do tại sao có những cuộc đào tẩu kịch tính như vậy sau chiến dịch quân sự của Mỹ", bà nói.
Phương Vũ (Theo Reuters)