Các quan chức chính phủ cho biết Tổng thống Ghani đã rời bỏ đất nước vài giờ sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8. Ghani giải thích rằng "đổ máu" sẽ xảy ra nếu ông ở lại.
Khi đắc cử tổng thống lần đầu năm 2014, Ghani tiếp quản quyền lực từ Hamid Karzai, người đã lãnh đạo Afghanistan sau chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Ông giám sát việc Mỹ hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, rút gần hoàn toàn các lực lượng nước ngoài khỏi đất nước, cũng như một tiến trình hòa bình trắc trở với Taliban.
Ông coi nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh là ưu tiên hàng đầu, bất chấp việc Taliban tiếp tục tấn công lực lượng an ninh của chính phủ. Ông đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020.
Tuy nhiên, Ghani, người nổi tiếng nóng tính dù suy nghĩ sâu sắc, chưa bao giờ được Taliban chấp nhận và các cuộc đàm phán hòa bình đạt được rất ít tiến triển. Các chính phủ nước ngoài đã thất vọng về tiến độ đàm phán chậm chạp và ngày càng có nhiều người kêu gọi thiết lập chính phủ lâm thời để thay thế chính quyền của ông.
Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông đã cố gắng bổ nhiệm một thế hệ mới gồm những người Afghanistan trẻ, có học thức vào các vị trí lãnh đạo. Ông hứa sẽ chống lại nạn tham nhũng, khắc phục nền kinh tế tê liệt và biến đất nước thành một trung tâm thương mại khu vực giữa Trung và Nam Á. Nhưng ông không thể thực hiện hầu hết những lời hứa này.
Là một nhà nhân chủng học được đào tạo tại Mỹ, Ghani có bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York và được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong "100 nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu thế giới" vào năm 2010.
Con đường đến với vị trí tổng thống của ông khá gian nan. Ông đã sống gần 1/4 thế kỷ bên ngoài Afghanistan, trong những thập kỷ dưới thời Liên Xô kiểm soát, nội chiến và những năm Taliban nắm quyền.
Trong thời gian đó, ông làm việc với tư cách là học giả tại Mỹ và sau đó tại Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc và trên khắp Đông và Nam Á. Vài tháng sau khi chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan lật đổ Taliban, ông từ bỏ các vị trí quốc tế và trở về Kabul, trở thành cố vấn cấp cao cho Tổng thống Karzai.
Ông từng là bộ trưởng tài chính Afghanistan năm 2002. Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Kabul, nơi ông được coi là một nhà cải cách hiệu quả. Ông còn thành lập một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington, hoạt động về các chính sách giúp đỡ một số nước nghèo nhất thế giới.
Năm 2009, Ghani tranh cử tổng thống nhưng về thứ tư, chiếm khoảng 4% số phiếu bầu trên toàn quốc. Ông tiếp tục đảm nhiệm các vai trò quan trọng ở Afghanistan, bao gồm đứng đầu cơ quan giám sát quá trình chuyển đổi an ninh từ NATO sang lực lượng Afghanistan.
Ghani thực hiện chiến dịch tranh tổng thống thứ hai thành công vào năm 2014. Ông tái đắc cử vào năm 2019. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông với Mỹ và các nước phương Tây khác không mấy suôn sẻ.
Ông thường chỉ trích vấn đề ông coi là lãng phí viện trợ quốc tế ở Afghanistan và thường không đồng tình với chiến lược Afghanistan của phương Tây, đặc biệt là khi họ tìm cách đẩy nhanh tiến trình hòa bình với Taliban.
Trong một cuộc phỏng vấn trước khi rời Afghanistan, Ghani nói: "Tương lai sẽ được quyết định bởi người dân Afghanistan, không phải bởi ai đó ngồi sau bàn giấy và mơ mộng".
Phương Vũ (Theo Reuters)