Vài tuần gần đây, Taliban đang trỗi dậy trở lại ở Afghanistan, chiếm nhiều huyện lỵ từ lực lượng chính phủ sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 21/7 thừa nhận cán cân chiến lược tại Afghanistan đang nghiêng về Taliban.
Taliban có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo Mujahedeen của Afghanistan trong thập niên 1980. Các nhóm phiến quân này được một loạt cường quốc, bao gồm Mỹ, tài trợ và trang bị vũ khí để chống lại lực lượng Liên Xô hiện diện ở Afghanistan.
Năm 1989, khi Liên Xô rút quân, chính phủ Afghanistan do Moskva hậu thuẫn dần suy yếu và bị phiến quân Mujahedeen lật đổ vào năm 1992. Ngay sau đó, các nhóm Mujahedeen đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lực trong chính quyền mới thành lập. Tình trạng đó đã tạo điều kiện để Taliban xuất hiện.
Là nhóm theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống với phần đông thành viên là người thuộc sắc tộc Pashtun, Taliban được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên tại các tổ chức dạy giáo lý Hồi giáo hà khắc do Arab Saudi tài trợ ở bắc Pakistan vào đầu những năm 1990, trong đó một số người là chiến binh Mujahedeen.
Năm 1994, Taliban bắt đầu chiến dịch quân sự từ phía nam Afghanistan. Đến năm 1996, nhóm này đã chiếm được thủ đô Kabul mà không gặp nhiều kháng cự.
Đối với những người dân Afghanistan đã quá chán nản chiến tranh, lời hứa của Taliban rằng họ sẽ mang lại an ninh, trật tự và kiềm chế tham nhũng rất hấp dẫn. Nhưng điều đó đi kèm với cái giá rất cao và đôi khi không thể chịu nổi: Taliban áp đặt những hình phạt khắc nghiệt như hành quyết nơi công cộng, đóng cửa các trường nữ sinh dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên, cấm truyền hình và giật sập các bức tượng Phật lịch sử. Nhóm này nói rằng họ đưa ra các biện pháp đó xuất phát từ cách diễn giải chính thống Hồi giáo và các truyền thống của Afghanistan.
Năm 1999, dưới sự lãnh đạo của Taliban, không một bé gái Afghanistan nào được học ở trường trung học và chỉ 4% trong số 9.000 bé gái trong độ tuổi học tiểu học được đến trường. Hiện nay, khoảng 3,5 triệu bé gái được đi học ở Afghanistan.
Sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp Osama bin Laden và trục xuất các thành viên al-Qaeda khỏi Afghanistan. Taliban từ chối thực hiện yêu cầu này, với lý do Mỹ không cung cấp bằng chứng về sự liên quan của bin Laden với vụ khủng bố.
Mỹ và liên quân tiến hành chiến dịch quân sự Tự do Bền vững ở Afghanistan từ ngày 7/10/2001. Dưới hỏa lực áp đảo của liên quân do Mỹ dẫn đầu trên bầu trời và lực lượng Liên minh phương Bắc dưới mặt đất, Taliban dần mất các thành phố quan trọng và rút khỏi thủ đô Kabul vào ngày 13/11/2001.
Sau khi bị đánh bại, nhiều thành viên cấp cao của Taliban đã chạy thoát và được cho là đã ẩn náu ở Quetta, Pakistan. Điều này dẫn đến việc thành lập "Quetta Shura" - hội đồng lãnh đạo Taliban chỉ đạo hoạt động quân sự ở Afghanistan.
Taliban tái tổ chức vào năm 2004 và bắt đầu cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại chính quyền Afghanistan mới và quân đội nước ngoài hỗ trợ họ. Xung đột cướp đi sinh mạng ít nhất 170.000 người, trong đó có hơn 51.000 dân thường. Năm 2021, Taliban có khoảng 75.000 chiến binh và hoạt động dựa trên nguồn tài trợ nước ngoài (từ chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân) cũng như thuế cấp địa phương, tống tiền và buôn ma túy.
Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự trỗi dậy của Taliban, bao gồm việc chính quyền Afghanistan ở Kabul tham nhũng và thiếu năng lực, thiếu chiến lược, tác động tiêu cực của chiến dịch quân sự nước ngoài, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào hỗ trợ tài chính và quân sự nước ngoài cũng như sự cạnh tranh trong khu vực.
Mỹ đã thiết lập thỏa thuận với Taliban và đang rút quân khỏi Afghanistan, đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với trật tự chính trị mong manh sau năm 2001, vốn đã được định hình, tài trợ và bảo vệ phần lớn bằng tiền và quân đội nước ngoài.
Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đã khiến một số người lạc quan về khả năng chấm dứt cuộc chiến kéo dài bằng giải pháp chính trị và giảm khả năng Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố. Nhưng các nỗ lực hòa bình dường như đã mất đà sau khi Mỹ rút quân vô điều kiện.
Bây giờ, Taliban đang "gióng hồi trống chiến thắng" và dường như chuẩn bị tái lập chính quyền bị Mỹ và liên quân lật đổ từ 20 năm trước. Ước tính nhóm này kiểm soát hơn một nửa trong số khoảng 400 huyện lỵ của Afghanistan, mặc dù nhóm tuyên bố đã kiểm soát 85% diện tích đất nước.
Địa bàn hiện tại của Taliban là xung quanh các thành trì truyền thống ở miền nam và tây nam đất nước, gồm bắc Helmand, Kandahar, Uruzgan và Zabul, những ngọn đồi ở nam Faryab tại vùng tây bắc và vùng núi Badakhshan ở vùng đông bắc.
Chính quyền Afghanistan buộc phải từ bỏ một số huyện khi không thể chịu được sức ép từ Taliban. Những nơi khác bị đánh chiếm bằng vũ lực. Khi quân chính phủ có thể tái tổ chức lực lượng hoặc tập hợp dân quân địa phương, họ đã chiếm lại một số khu vực đã bị mất hoặc giao tranh ở những khu vực đó vẫn tiếp tục. Mặc dù hầu hết lính Mỹ đã rời đi vào tháng 6, một số ít vẫn ở lại Kabul và không quân Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Taliban trong vài ngày qua.
Lực lượng của chính phủ Afghanistan chủ yếu nắm giữ các thành phố và huyện ở đồng bằng hoặc các thung lũng sông, nơi phần lớn dân số sinh sống. Những khu vực do Taliban kiểm soát chủ yếu có dân cư thưa thớt, nhiều nơi có chưa đến 50 người trên một km2.
Chính phủ Afghanistan cho biết họ đã gửi quân tiếp viện đến tất cả các thành phố lớn đang bị Taliban đe dọa và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm kéo dài cả tháng trên khắp đất nước, nhằm ngăn chặn Taliban tiến vào các thành phố.
Mặc dù Taliban có vẻ đang tập trung lực lượng ở các khu vực trung tâm như Herat và Kandahar, họ chưa thể chiếm được đô thị lớn nào. Tuy nhiên, phần đất mà Taliban đã chiếm được củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán, đồng thời cũng tạo ra nguồn thu dưới dạng thuế và chiến lợi phẩm.
Mỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ không công nhận chính quyền Taliban ở Kabul nếu họ chiếm Kabul bằng vũ lực. Nhưng cảnh báo này khó có thể ngăn cản Taliban tìm cách đánh chiếm thủ đô. Taliban đã cải thiện mối quan hệ với các quốc gia lân cận, như Iran, Nga và một số quốc gia Trung Á từng phản đối chế độ này vào những năm 1990. Nhóm này có lẽ đang tìm kiếm bên có thể hậu thuẫn họ trong khu vực.
"Nếu Taliban tiếp quản chính quyền bằng biện pháp quân sự, điều đó không có nghĩa chiến tranh đã kết thúc ở Afghanistan. Hòa bình và ổn định trong các xã hội đa sắc tộc chỉ có thể được đảm bảo thông qua sự chung sống, đồng thuận và hòa nhập, chứ không phải sự thống trị và chính trị kiểu 'được ăn cả ngã về không'", Kaweh Kerami, nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở Đại học London, nhận xét.
"Lợi ích khác nhau của các quốc gia trong khu vực có thể thúc đẩy sự bất bình ngày càng tăng của người dân địa phương đối với Taliban, như từng xảy ra vào cuối những năm 1990, do đó có thể kéo dài cuộc chiến tranh đẫm máu", Kerami viết.
Phương Vũ (Theo BBC/Conversation)