Đoạn video trích xuất từ camera hành trình trên xe ôtô ghi lại sự việc xảy ra vào khoảng 7h sáng 18/1 trên đường 835B đoạn qua xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, (Long An). Trong lúc nam tài xế đang hạ kính xe để nghe điện thoại, bất ngờ hai thanh niên chạy xe máy từ phía sau lao tới giật phăng điện thoại của nạn nhân rồi phóng đi. Tài xế lập tức nhấn ga truy đuổi. Dù bị hai thanh niên khác đi xe máy (có vẻ như đồng bọn) cố tình chặn trước mũi ôtô để ngăn cản, nhưng tài xế ôtô vẫn lách qua, lao lên và tông ngã hai tên cướp. Toàn bộ diễn biến vụ việc sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tôi thừa nhận tài xế ôtô trên có kỹ năng lái xe rất vững, thậm chí là khá điệu nghệ khi một mình hạ gục cả đám cướp có tổ chức giữa đường đông. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, tôi không ủng hộ cách làm của tài xế. Dẫu biết chiếc điện thoại đắt tiền nhưng nó đâu thể quan trọng bằng tính mạng con người. Nhỡ không may, trong quá trình truy đuổi ở tốc độ cao, tài xế không làm chủ được tay lái rồi tông vào người đi đường thì sao? Chẳng phải sẽ tiền mất tật mang? Hoặc nếu cứ cho tông ngã được nhóm cướp nhưng lại vô tình khiến chúng bị thương nặng hay thiệt mạng, như vậy khác nào tự chuốc họa vào thân?
Đã có nhiều trường hợp người dân truy bắt cướp rồi vô tình làm chúng thiệt mạng, hậu quả là từ nạn nhân bỗng trở thành kẻ gây án, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Pháp luật quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích trên. tuy nhiên hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ là tội phạm. Theo đó, nếu thương tích mà bạn gây ra cho họ tới 31% thì bạn sẽ phạm tội "cố ý gây thương tích" hoặc "gây tổn hại sức khỏe của người khác" do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
>> Làm gì khi gặp cướp giữa đêm?
Điều 136 Bộ luật hình sự quay định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Như vậy, khoảng cách giữa phòng vệ chính đáng và cố ý gây thương tích cho người khác đôi khi sẽ rất mong manh. Bạn không thể nào lường trước được hạu quả sau cú nhấn ga vả bẻ lái để tông tên cướp của mình. Đôi khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát và bạn đang từ người bị hại sẽ trở thành kẻ gây án.
Chiếc điện thoại mất rồi, bạn có thể tìm lại được; tên cướp chạy thoát rồi, bạn vẫn có thể bắt lại được (nhờ cơ quan công an, sau khi camera hành trình đã ghi lại được biển số xe và nhận dạng đối tượng); thế nhưng khi bạn tự ý đuổi bắt cướp rồi gây hậu quả đến sức khỏe và tính mạng người khác, câu chuyện sẽ bị đẩy đi rất xa và bản thân bạn sẽ phaiỏ đối mặt với tù tội.
Hãy bình tĩnh và tỉnh táo trong mọi trường hợp. Đừng tự bắt mình phải trở thành dũng sĩ bắt cướp khi bản thân không phải người có trách nhiệm làm việc đó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.