Mới đây, một vụ cướp giật ở TP HCM được camera an ninh ghi lại vào chiều 2/9. Theo đó, một nữ nhân viên shop quần áo trẻ em ở quận Thủ Đức bị người đàn ông rút dao khống chế, đâm bị thương rồi cướp nữ trang, điện thoại và tiền. Nạn nhân thay vì làm theo yêu cầu đã chọn hành động chống trả bằng tay không để rồi phải nhận hai nhát dao của tên cướp.
Nữ nhân viên ở TP HCM bị tên cướp đâm khi cố chống trả.
Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận ra đó là phản ứng sai lầm của nữ nhân viên. Trước một đối tượng cướp có vũ khí sát thương cao, việc một người phụ nữ chân yếu tay mềm ra sức chống cự, phản kháng sẽ không khác gì tự sát. Nếu không thể áp đảo được tên cướp, bạn thậm chí còn có thể bị hắn đâm trọng thương hoặc mất mạng. Câu hỏi được đặt ra là đối với trường hợp bị cướp dùng vũ khí khống chế trong không gian hẹp, kín như vụ việc này, người bị hại cần làm gì?
Trước hết, bạn cần nhớ là tuyệt đối không chống trả. Thay vào đó, hãy xoa dịu tên cướp, vờ làm theo yêu cầu của hắn như giao nộp tài sản, nữ trang, tiền bạc... để bảo toàn tính mạng. Hãy nhớ rằng, tài sản mất có thể tìm lại được, còn tính mạng thì không. Sau khi để tên cướp bỏ đi khoảng chục mét (khoảng cách an toàn cho bạn), hãy lập tức truy hô, hoặc ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, biển số xe hay bất cứ thứ gì có thể giúp cơ quan công an tìm ra hắn sau đó. Ở những thành phố lớn, với mật độ camera giao thông và an ninh nhà dân dày đặc, cơ hội để bạn tìm được thủ phạm và lấy lại tài sản sẽ là không nhỏ.
Nói thêm về kỹ năng truy hô cướp, nhiều người có thói quen hô hoán theo kiểu: "Bớ người ta...", "mọi người ơi, có cướp...", hay "cướp, cướp...". Đây đều là những phản ứng sai lầm, bởi nó hoặc quá lan man, thiếu sự chú ý, hoặc chỉ mang tính chất thông báo, dễ khiến người xung quanh có tâm lý sợ hãi lây, không dám hành động để giúp bạn.
Vậy chúng ta nên truy hô thế nào? Theo nhiều chuyên gia, cách hô hoán hiệu quả nhất là: "Cướp, bắt lấy hắn, chặn hắn lại...", tức là kết hợp giữa việc thông báo sự việc và gợi ý, kêu gọi mọi người hành động nhất quán ngay tức thì. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp với việc dùng các dụng cụ phát ra âm thanh lớn, hoặc khua chân tay để thu hút sự chú ý nhanh hơn.
Ở nước ngoài, các cửa hàng kinh doanh hầu như đều có lắp còi báo động trực tiếp hoặc nối thẳng đến trụ sở cảnh sát gần nhất. Việc của nạn nhân là cố gắng trì hoãn, hoặc kéo dài thời gian trong lúc chờ lực lượng chức năng tới can thiệp. Đây cũng là một cách đối phó hiệu quả với tội phạm cướp giật. Tiếc là tại Việt Nam, người kinh doanh dường như chưa chủ động quan tâm tới và phó mặc sự an nguy của mình cho may rủi.
Tất nhiên, sẽ chẳng có công thức thoát hiểm nào hiệu quả 100%, nhưng nếu tất cả chúng ta được tuyên truyền kiến thức, kỹ năng xử lý thường xuyên, sẽ không còn cảnh lóng ngóng hay tự đưa mình vào thế nguy hiểm mối khi bị cướp. Bắt cướp không phải hành động được khuyến khích nếu bạn không đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, nhưng việc trang bị đủ kỹ năng ứng phó khi gặp cướp giật sẽ là chìa khóa để bạn bảo vệ chính mình. Đó là điều tôi mong mọi người có thể ghi nhớ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Bảo Nam