Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ cướp giật điện thoại manh động tại đường phố Sài Gòn. Nạn nhân của những vụ việc trên chủ yêu là các cô gái trẻ, đi bộ hoặc đứng bên đường nhỏ hoặc hẻm. Thủ đoạn chung của những tên tội phạm di chuyển bằng xe máy, theo dõi con mồi rồi chờ thời cơ cướp tài sản khi nạn nhân sơ hở.
Vụ việc thứ nhất xảy ra tối 4/11, được camera an ninh ghi lại tại một con hẻm nhỏ. Cô gái trẻ trong lúc đứng nói chuyện với người giao hàng đã bất ngờ bị tên cướp giật phăng chiếc điện thoại trên tay rồi vít ga bỏ chạy. Nạn nhân dường như không kịp phản ứng, chỉ biết chạy đuổi theo trong vô vọng.
Không những mất tài sản, nạn nhân trong vụ việc thứ hai thậm chí còn bị tên cướp kéo lê một đoạn đường dài 350 m. Video gần một phút do camera trên xe tải ghi lại cảnh cô gái bị một nam thanh niên chạy xe máy kéo lê hơn 300 m chạy từ đường số 12 sang đường số 8 ở phường Bình Hưng Hòa, trưa 6/11. Nạn nhân sau đó may mắn chỉ bị xây xước cơ thể, không nguy hiểm đến tính mạng.
Chứng kiến những vụ việc này, một phần, tôi vừa căm phẫn trước sự manh động, lộng hành của tội phạm cướp giật - vấn nạn gây nhức nhối suốt một thời gian dài ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung. Phần khác, trên cương vị là một công dân, tôi càng thêm mong mỏi về một xã hội sạch bóng tội phạm, để người dân được bảo vệ toàn diện, không còn lo lắng bị tấn công mỗi khi ra đường.
Trước hết, xin nhấn mạnh, chúng ta không nên đổ lỗi cho nạn nhân trong những vụ việc này. Việc họ cầm điện thoại ngoài đường không vi phạm pháp luật. Ngay cả khi không cầm điện thoại, kẻ xấu cũng sẽ tìm cách giật giỏ, dây chuyền, bông tai, đồng hồ... hay bất cứ tài sản gì có giá trị khác. Nếu không ai đeo gì ra ngoài cả, bọn chúng sẽ chuyển sang cướp xe, cướp tiền... bởi bản chất của tội phạm là vậy. Vấn đề ở đây là làm sao để ngăn chặn nạn cướp giật ngày một bành chướng, manh động ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn?
Nên nhớ, cướp giật không phải là chuyện mới ở nước ta. Vấn nạn này đã và đang xảy ra suốt bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa thể bị dẹp bỏ. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước tiên chúng ta phải nhìn ở khía cạnh luật pháp. Hiện nay, luật của ta vẫn chưa tách riêng tội cướp giật với trộm cắp tài sản để có các khung hình phạt thích đáng với tội phạm cướp giật. Sự nhẹ tay của luật khiến tính răn đe chưa đủ mạnh, và tội phạm vì thế càng nhởn nhơ, nhờn đòn. Ở những vụ cướp giật trên đường, khả năng người bị hại bị ngã, thương tật hay nặng hơn là mất mạng sẽ rất cao. Do đó, chúng ta cần tăng nặng khung hình phạt cho tội danh này để ngăn chặn ngay từ đầu.
Song song với đó, các tổ chức, người dân cũng nên tăng cường những biện pháp phát hiện tội phạm, như camera an ninh (camera nhà dân, khu phố, camera hành trình trên ôtô, hay camera giao thông ở các giao lộ...). Đây sẽ là cách nhanh nhất để các cơ quan điều tra nhanh chóng truy vết được thủ phạm, không bỏ lọt tội phạm. Khi mọi ngõ ngách, ngả đường đều được giăng lưới bởi hệ thống camera, những kẻ xấu sẽ không còn dám manh động như trước nữa.
Ngoài ra, bản thân mỗi người dẫn cũng cần tự học cách bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân. Khi đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng để truy vét tội phạm, các nạn nhân sẽ không cần phải cố truy đuổi cướp hay giành giật lại tài sản của mình, hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc như bị cướp kéo lê hay tấn công bằng hung khí như thời gian qua.
Bao vây tứ phía, chặn mọi ngả đường, không cho tội phạm cướp giật có cơ hội ra tay và tẩu thoát, tôi tin đường phố sẽ thực sự an toàn và bình yên như tất cả hằng mong đợi.
Nam Thành
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.