Cách đây gần hai mươi năm, tôi đọc một bài báo có nội dung: Một chuyên gia nước ngoài làm việc nhiều năm ở nước ta tâm sự rằng: "Ở Việt Nam sợ nhất là khi đi bộ qua đường. Khi đó, đầu óc tôi làm việc như một cái máy vi tính, xử lý một lúc rất nhiều dữ liệu".
Có thể là một cậu thanh niên không đội mũ bảo hiểm tóc xanh tóc đỏ phóng nhanh vượt ẩu. Có thể là một người vừa lái xe vừa cắm mặt vào điện thoại di động để nhắn tin. Có thể là một người vừa điều khiển xe vừa đưa mắt nhìn hai bên đường để tìm địa chỉ nào đó. Có thể là một đôi trai gái vừa điều khiển xe vừa ôm nhau tình tứ, không để ý gì trước mặt. Có thể là một người vừa điều khiển xe vừa nói điện thoại với ai đó rất chăm chú, không để ý gì xung quanh...
Rất nhiều rủi ro bất ngờ có thể xảy ra trong nháy mắt. Sang đến bên kia đường mới thở phào.
Tôi thường quan sát thấy rằng: Hầu hết người nước ngoài ở Việt Nam khi qua đường đều rất sợ hãi, nét mặt căng thẳng rất tội nghiệp, nhất là phụ nữ và người cao tuổi. Vì thế nên một số khách sạn gần biển phải cho nhân viên trực để dẫn khách qua đường khi đi tắm biển (Nha Trang).
>> Kẹt xe ngăn nắp ở Đài Loan và ngụy biện của người Việt
Bản thân tôi khi đi qua đường cũng rất lo sợ. Đi trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ mà vẫn phải quan sát để tránh tai nạn. Ôtô, xe máy vẫn lao đến ào ào, hầu hết không hề có dấu hiệu giảm tốc độ, không hề mảy may có ý thức nhường đường cho người đi bộ.
Ngay cả khi có đèn đỏ nhưng một số xe máy vẫn vượt lên rất dễ gây tai nạn cho người đi bộ ngay trên vạch ưu tiên. Họ cướp đường để chạy, rất vội vàng, không để ý đến ai cả, cứ như là đường của riêng mình. Ý thức văn hóa giao thông thật quá kém, lạc hậu hết chỗ nói.
Mới đây một chương trình truyền hình đưa một clip hai bà cụ Việt Nam đi bộ ngang đường. Khi ra khoảng một phần tư đường thì phải quay trở lại vì ôtô, xe máy phóng ào ào, coi như không thấy hai cụ. Ba lần như thế và không hy vọng gì để hai cụ qua đường được. May thay có một người đàn ông trung niên ở gần đó thấy và đến dắt hai cụ qua đường.
Đó là một hành vi rất văn hóa, rất đẹp nhưng cũng rất hiếm hoi. Tôi nghĩ rằng những người phóng xe kia chắc trong đầu họ không hề có khái niệm nhường đường cho người đi bộ. Khi ra nước ngoài tôi thấy rất rõ ý thức văn hóa giao thông của họ cao hơn mình nhiều. Khi đèn đỏ bật lên tất cả các loại xe đều dừng lại, người đi bộ an tâm qua đường.
Đôi khi người đi bộ chưa qua hết đường mà tín hiệu đổi sang đèn xanh thì người lái ôtô vẫn dừng và mỉm cười vẫy tay ra hiệu cho người đi bộ tiếp tục đi. Đó là nhường đường, là văn minh. Sao mình không làm được như họ? Nói rộng hơn, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người Việt Nam chúng ta còn yếu, vi phạm rất nhiều.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tìm câu trả lời cho mình. Chỉ có thể là các lí do chính sau đây:
Thứ nhất, do ý thức tự giác của người tham gia giao thông quá thấp, thậm chí một số người không có lòng tự trọng.
Thứ hai, người thực thi pháp luật chưa nghiêm. Hành vi không nhường đường cho người đi bộ thường không bị xử phạt.
>> Cần có 'Tuần lễ không xe máy' ở Sài Gòn
Từ thực trạng và nguyên nhân trên dễ dàng thấy rõ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông và xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông trong toàn cộng đồng xã hội. Những hành động đẹp phải biểu dương kịp thời, những hành vi sai và xấu phải bị dư luận lên án mạnh mẽ; tạo được môi trường dư luận đẹp về văn hóa giao thông trong xã hội. Muốn vậy, phải phối hợp nhiều cơ quan chức năng, trong đó truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Hai là, luật pháp phải thật nghiêm, hình phạt phải đủ nặng, không có ngoại lệ, để có sức răn đe với người vi phạm Luật giao thông.
Ba là, người thực thi pháp luật về giao thông phải nghiêm chỉnh, gương mẫu, làm tròn trách nhiệm, bổn phận; không được tiêu cực. Phải xử lí thật nghiêm khắc những người thực thi pháp luật mà tiêu cực, tiếp tay cho hành động vi phạm pháp luật giao thông.
Nguyễn Tiến Lợi
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.