Là một người đi làm công việc bận rộn kèm với việc cũng khá lười học, học tiếng Anh luôn là một trở ngại với mình trước đây. Tôi đã từng đăng ký một số khóa học về tiếng Anh giao tiếp cả của người Việt lẫn người nước ngoài.
Vậy nhưng không theo được một số lớp vì bận công việc, một số lớp tôi chỉ học ba buổi một tuần mà không có môi trường thực hành, không có người nhắc nhở cũng như hỗ trợ thì rất khó cho người mới học từ đầu như tôi.
Thêm đó, trước đây tôi học với tâm lý được thì được không được thì thôi, sự học là lâu dài nên bản thân cũng không chịu khó dành thời gian để học và luyện tập. Cái này tôi nghĩ là một trong những lý do chính khiến người đi làm đều rất khó học tiếng Anh. Thứ nhất là thời gian học, và thứ hai là sự quyết tâm.
Cho đến lúc tôi quyết định nghỉ công việc cũ để đi theo con đường của mình. Việc đầu tiên là quyết tâm học bằng được tiếng Anh, ít nhất thì có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài vì công việc tôi định hướng là làm về mảng du lịch cụ thể là Homestay cho khách du lịch nước ngoài thuê ở Đà Nẵng.
Đợt đấy tôi nhớ là tìm khá lâu mới thấy được mô hình homestay tiếng Anh đúng ý, học cùng Tây - sống cùng Tây, có lớp học mỗi ngày để mình tập trung vào việc học và sử dụng tiếng Anh. Nói thật là tôi đã không sai khi chọn mô hình homestay tiếng Anh, việc được tiếp xúc với người nước ngoài mỗi ngày, không chỉ học trên lớp mà còn trong cuộc sống hằng ngày giúp mình tự tin hơn rất nhiều.
Mặc dù vốn từ vựng còn hạn chế nhưng mỗi lúc bí từ thì mình lại tìm cách diễn đạt bằng những từ mình biết. Dần dần thì mình cũng có thể giao tiếp được những chủ đề cơ bản, cũng mạnh dạn rủ các bạn nước ngoài đi ăn uống vì tính mình khá là thoải mái nên được các bạn rất thích. Hiện tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều bạn và thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với nhau.
Một số kinh nghiệm tôi nhận được khi học tiếng Anh dành cho người mới hoặc những ai đi làm đang gặp trường hợp giống mình, học mãi không vào. (Không dành cho các bạn đã có kiến thức bài bản, học luyện thi IELTS nhé), chỉ dành cho những người học tiếng Anh giao tiếp:
1. Bạn phải tự tin
Tôi biết là 90% mọi người đều ngại khi mới bắt đầu nói chuyện với người nước ngoài (từ vựng không có, sợ phát âm sai, sợ bị cười chê....) nhưng thực sự là đa số những người bạn nước ngoài mình gặp họ đều rất niềm nở và nhiệt tình lắng nghe bạn nói vì thực sự cũng như họ khi mới học nói tiếng Việt, bản thân người Việt cũng thấy rất là thích thú và nhiệt tình chỉ dạy họ.
Khi bạn tự tin bắt chuyện bạn sẽ bắt đầu học cách nhớ các từ vựng cần thiết, cách đặt các câu hỏi dạng "How to spell this word?" hoặc "Can you speak slowly?". rồi cố gắng ghi nhớ từ và nghĩa của câu mà mình nghe được. Tích lũy dần thì bạn sẽ có một số từ vựng kha khá mà lại nhớ lâu.
2. Luyện phát âm
Đến giờ việc phát âm của tôi cũng không tốt vì tôi không phải là người chăm chỉ trong việc rèn luyện, với từ đầu tôi có suy nghĩ là nói thế nào để hiểu là được không cần đúng chuẩn nên lười việc luyện phát âm, sau này mình mới nhận ra là sai lầm.
Hiện mình sử dụng một ứng dụng trên điện thoại để luyện phát âm hằng ngày. Lúc trước ở tỉnh lẻ nên hầu như không để ý học tiếng Anh với thầy cô ở trường thường cũng phát âm không chuẩn, học lâu dần thì bị nhiễm nên thời gian đầu đa số tôi nói chuyện nhiều từ các bạn không hiểu đơn giản các từ như: Pizza, Guitar, time,Present... và tôi nói không có ending sound nữa.
Sau này thì tôi cải thiện dần vì nghe các bạn nước ngoài nói lâu cũng biết đường mà sửa. Nên nếu mọi người học từ đầu thì nên focus vào phát âm nữa nhé. Phát âm chuẩn, tự nhiên thì dù có bị sai ngữ pháp tý cũng không ai bắt bẻ đâu mà nghe lại cực kỳ chuyên nghiệp.
3. Luyện nghe và hình dung câu chuyện mà đối phương muốn nói đến
Khi mới bắt đầu nói chuyện với các bạn nhất là một số bạn không phải native hoặc native nhưng nói cực kỳ nhanh thì hầu như tôi không nghe được gì nhiều, sau đấy mình thường lắng nghe và để ý các keyword để hình dung câu chuyện các bạn ấy đang muốn nói về cái gì?
Những từ nào nghe không rõ thì tôi sẽ hỏi lại và đề nghị các bạn giải thích để mình có thể nhớ hơn. Tôicũng bắt đầu nghe các bài nhặc bằng tiếng Anh, xem phim phụ đề bằng tiếng Anh và cố nhái lại các từ, đoạn hội thoại nghe được. Hiện thì khả năng nghe hiểu của tôi tốt hơn là nói.
4. Kiên trì học
Cuối cùng thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải kiên trì và dành thời gian cho việc học, nếu bản thân bạn không nỗ lực thì dù thầy dạy có hay đến đâu, môi trường tốt đến đâu thì bạn cũng rất khó mà tiến bộ. Việc có một môi trường thực hành giao tiếp tốt, một lộ trình hay phương pháp học bài bản chỉ là công cụ thôi. Còn để đi đến đích bạn phải là người luyện tập và sử dụng nó thường xuyên.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.