(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Phát âm và giọng là hai chuyện khác nhau. Với tiếng Việt, giọng nơi này khác giọng nơi kia ở cái dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Còn tiếng địa phương là dạng đại loại như "mô, tê, răng, rứa" (thay cho "đâu, kia, sao, thế"). Các từ bình thường khác phát âm không đúng là nói ngọng chứ không phải là "chuẩn"vùng miền. Ví dụ, bắt con cá "gô" (rô), bỏ vào trong "gổ" (rổ), nó nhảy "gột gột" (rột rột), là nói ngọng chứ không phải giọng chuẩn.
Bạn nghe người nhà quê ở Thừa Thiên - Huế nói chuyện, bạn không hiểu vì họ nói ngọng rất nhiều. Thế nhưng, khi biên tập viên đài truyền hình Huế trình bày thì bạn nghe hiểu không sót chữ nào, dù biên tập viên vẫn rất nặng giọng Huế vì anh/chị ấy phát âm rất chuẩn.
>> Tôi thuê chuyên gia kèm cặp riêng 4 năm để nói tiếng Anh chuẩn
Tương tự với tiếng Anh. Giọng khác nhau phụ thuộc vào nhấn câu ở đâu. Bình thường người ta lên giọng ở đầu câu, xuống giọng ở cuối câu (câu khẳng định) thì anh lên giọng ở giữa câu, đầu cuối câu xuống giọng. Bình thường người ta nhấn vào động từ thì anh nhấn vào danh từ hoặc tính từ.
Từ đó dẫn đến người nơi này nghe người nơi khác nói chuyện không hiểu. Còn phát âm sai (phát âm không chuẩn) thì ở đâu cũng nghe không hiểu. Ví dụ như "because" phát âm đúng là bìkơz lại phát âm thành bìcau thì cả thế giới chẳng có nơi nào hiểu được đâu.
Cái chúng ta cần là phát âm đúng từ ngữ chứ không phải là nói đúng giọng (nói đúng thì càng tốt). Tôi làm việc với đối tác Nhật, Hàn, Trung Quốc đều như vậy. Đây là nói chuyện thông thường, còn nói có thuật ngữ đi kèm bắt buộc phải có phiên dịch. Những thuật ngữ này, người Anh bản xứ có khi còn không hiểu (nếu họ không có kiến thức về lĩnh vực nghề nghiệp đó) huống gì người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ.
Ví dụ, "bug" là con bọ nhưng trong thuật ngữ lập trình thì "bug" là lỗi phần mềm. Đang nói chuyện bọ rệp côn trùng các kiểu đột nhiên nhảy vào thuật ngữ chuyên ngành thì ai hiểu được. Một ông lập trình viên nước ngoài sang Việt Nam, than phiền phòng trọ của anh ta có nhiều bọ (ta có thể hiểu là con gián). Rồi anh ta nói có con bọ bò trên bàn anh ta trong khi anh ta đang sửa một con bọ (sửa lỗi phần mềm). Anh ta phải dùng mouse pad để đuổi con bọ ấy. Nghe một hồi là đầu óc bùng nhùng loạn xạ hết.
>>'Không thể giỏi tiếng Anh nếu chỉ học ở trường'
Muốn phát âm chuẩn bạn phải biết phiên âm quốc tế. Không biết phiên âm thì chỉ có nghe và bắt chước thôi. Phát âm đúng phiên âm quốc tế, ai nghe cũng hiểu. Còn nghe và bắt chước mà trúng cái người phát âm không đúng với phiên âm quốc tế kể như xong phim.
Phiên âm quốc tế của tiếng Anh thì bất kể là người Anh, Mỹ, Úc, Canada hay Hàn, Nhật, Trung Quốc đều phát âm như nhau. Còn nghe và bắt chước người phát âm không chuẩn thì chỉ có bạn và người đó hiểu, chả ai hiểu. Một số từ tiếng Anh- Anh đọc khác, tiếng Anh- Mỹ đọc khác thì ta buộc phải chấp nhận. Người Anh phát âm "t" rất rõ ràng, người Mỹ thì nhiều khi "t" hay "d" như nhau.
Còn giọng thì khỏi nói, vùng này vùng kia trong cùng một quốc gia còn không giống nhau huống gì hai quốc gia khác nhau.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lâm