(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Luật sư Khanh đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về học nói tiếng Anh:
Mỗi khi nghĩ về quá trình học tiếng Anh của mình, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi chuyện học nói.
Năm 18 tuổi, tôi thi IELTS được 6,5 điểm, kỹ năng nói cao nhất, được 7 điểm, còn lại 5.5 - 6.5. Sau đó tôi đi du học ở Australia rồi sang Mỹ. Bảy năm sau ngày thi IELTS, tôi thi TOEFL. Trải qua 7 năm học đại học rồi làm việc kỹ sư trong môi trường tiếng Anh, tôi chả buồn ôn thi TOEFL, tới gần ngày thi mới lấy mẫu bài thi ra coi cho quen. Kết quả khiến tôi sốc: viết 30/30, đọc hiểu 29/30, nghe 29/30, và nói 26/30. Vậy đó, sau bảy năm không buồn học tiếng Anh, chỉ sử dụng mà thôi, các kỷ năng đều tiến, chỉ có kỹ năng nói chạy theo không kịp.
Học nói tiếng Anh cần vốn từ vựng, ngữ pháp cơ bản cần, phát âm từng chữ đúng cũng cần, nhưng tôi đợi hoài không thấy ai bàn về kỹ năng nói nguyên câu. Cái này không liên quan mấy tới những vấn đề trên, và nó là thứ duy nhất mà bao năm học tiếng Anh ở Việt Nam tôi chưa từng nghe tới.
>> Nỗi lo học sinh lệch chuẩn vì giáo viên tiếng Anh phát âm sai
Xét về cách phát âm đúng từng từ, khái niệm nhìn mặt chữ để biết cách phát âm là tư duy cổ xưa. Phát âm là một hoạt động liên quan tới cổ họng, răng, môi, lưỡi, miệng. Trẻ em lớn lên trong môi trường nào sẽ học được cách phát âm và nói theo. Người lớn thì khi học ngôn ngữ khác sẽ tìm âm gần nhất của ngôn ngữ mẹ đẻ mà dùng.
Vì vậy người nứơc nào khi học tiếng Anh sẽ có những lỗi đặc trưng khi phát âm của nước đó. Người Hoa hay Hàn Quốc không nói được chữ "r" và ít dùng âm cuối, người Trung Đông thường xuyên đệm chữ "tr" vô mấy chỗ không liên quan, người Việt thì chuyên phát âm thiếu âm cuối. Tất cả các dân tộc trên đều phát âm rõ từng chữ khi nói. Đó là các hạn chế phổ biến, tất nhiên ai đã học nhiều thì sửa được bớt.
Những khó khăn khi phát âm mà người Việt gặp phải vì vậy cũng giống nhau. Một trong những âm khiến tôi khổ sở nhất là âm "or". Phát âm chữ "or" không quá khó, bắt đầu bằng chữ o như tiếng Việt, sau đó kéo lưỡi về sau, chạm hai cạnh lưỡi vào răng hàm đồng thời đẩy hơi về phía trước trong khi miệng vẫn mở. Khi bạn phát âm "for" cũng vậy, chỉ cần thêm "f", nhưng khi tới "form", "fork", "fort", "ford" thì tôi khóc. Với "fork" thì sau khi nói xong "for" bạn cần hãm hơi về sau cổ họng rồi khè trở ra. Chuyển từ tư thế "for" để phát âm "m" khó hơn nhiều, bạn cần phải đóng miệng lại, ngân giọng tạo âm "m". Mấy âm kia còn khó hơn, tôi không dám kể thêm vì quá chán.
>> 'Giáo viên tiếng Anh cần có bằng IELTS 6.5'
Cách đây vài năm tôi về Việt Nam. Trong khi ngồi với người bạn trong phòng khách sạn thì một nhân viên phục vụ vào dọn phòng, thấy tôi ngồi đó nên định trở ra. Tôi thuận miệng nói là "Come on in, please, go ahead". Bạn tôi hỏi là làm sao mà nói lên xuống giọng được như vậy.
Ai có học tiếng Anh chắc cũng sẽ phát âm đúng chuẩn Mỹ hay Anh các từ trên. Nhưng câu đó khi nói phải là "Come món nìn, please, go˽ờ héad". Câu này phải được "bỏ dấu" cho đúng, các từ phải nối với nhau, khó nhất là nối chữ "go" và chữ "ahead". Khi hai nguyên âm được nối với nhau, chúng sẽ được nối bằng âm "chwa", giống như chữ "w" nhưng nhẹ hơn rất nhiều. Âm nầy cũng cần thiết khi bạn nói chữ "create", nó phải được phát âm là "crì˽ây-t". Rồi lại còn "resonance" nữa chứ, toàn bộ tiếng Anh, dù là giọng Anh, Mỹ, Australia hay Canada, cũng dùng giọng mũi, nói phải đẩy hơi phía trước để tạo cảm giác "nhẹ".
Giọng Anh, Mỹ hay Australia cũng giống như giọng Hà Nội, TP HCM hay Huế, tuy giọng khác nhau nhưng mỗi từ phát âm riêng biệt không khác nhau là mấy, chỉ có vài từ là thật sự khác như cá "rô", người miền Nam nói là "gô". Cái khác là cách đẩy hơi và phát âm các dấu, như người Huế sẽ nói "Huể".
Người Việt học tiếng Anh khi đã thông thạo tiếng Việt thì lo lắng về chuyện nên học giọng Anh hay giọng Mỹ là rất không cần thiết. Chỉ cần phát âm đúng, biết cách nối chữ và lên xuống đúng ngữ điệu là đủ, để nói được như đúng người bản xứ một địa phương trong mọi hoàn cảnh là một thử thách quá lớn, đặt mục tiêu thì nên có lý do rất quan trọng.
>> Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm
Tôi đã có một lý do rất quan trọng nên đành thuê chuyên gia Mỹ kèm cặp riêng suốt 4 năm trong chương trình "accent reduction". Giờ thì người ta nói tôi có giọng nói giống một nước nào đó ở châu Âu. Có một người mới gặp tôi đã nói rằng chị ta cảm thấy giống như say sóng khi nghe tôi nói. Người châu Á ở Mỹ thì hoặc là sẽ nói đúng giọng Mỹ, hoặc là sẽ nói một giọng châu Á nào đó còn tôi thì nói giọng châu Âu, dù không phải giọng Anh. Kết cục của công cuộc sửa chữa giọng Việt của tôi như vậy đó.
Lời khuyên duy nhất tôi xin phép được đưa ra là, nếu bạn cho con học tiếng Anh từ nhỏ thì nên bắt đầu lúc bé bắt đầu học nói, và phải cho bé nghe người bản xứ nói chuyện với nhau, bởi bé sẽ học được đúng giọng đó. Lên tới lớp một mới bắt đầu học tiếng Anh mà học với các giáo viên phát âm kiểu "bi-cau" thì thôi rồi, ngay cả các giáo viên phát âm đúng nhưng không nói được đúng ngữ âm của một nước nói tiếng Anh cũng không giúp được gì nhiều.
Thay vào đó nên học phát âm với các chương trình trên mạng do người bản xứ dạy và học cách lặp lại từng câu đúng ngữ điệu. Khi bạn học từ vựng song song, bạn sẽ dần hiểu được mấy câu đó có nghĩa gì. Tôi học tiếng Anh từ bảy tuổi với các giáo viên Việt Nam, tuy không ai tới nỗi "bi-cau" hay "phờ-ri" nhưng hậu quả thì như trên, bởi vì lúc đó các chương trình trên mạng với hình ảnh âm thanh rõ ràng không hề có.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh