Bác sĩ Tống Thị Ngọc Cầm cho biết tỷ lệ mắc ung thư vòm họng tại Việt Nam khoảng 12%, cao so với một số bệnh ung thư khác. Triệu chứng ung thư thường bị nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp trong giai đoạn đầu, vì vậy phát hiện muộn, dẫn đến điều trị khó khăn, tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, các yếu tố dưới đây liên quan tới ung thư vòm họng.
Khói thuốc lá
Trong thuốc lá có nhiều hóa chất như nicotin, benzen, clorua vinyl và amoniac. Khi hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc thụ động, những hóa chất này có thể phá hủy hàng rào bảo vệ đường hô hấp, gây viêm niêm mạc và biến đổi ác tính tế bào biểu mô dẫn đến ung thư. Một trường hợp điển hình là người đàn ông 52 tuổi ở Bắc Ninh, được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn ba vào năm 2018 sau gần 30 năm hút thuốc lá và thuốc lào.
Uống nhiều rượu bia
Ethanol trong rượu được xếp vào nhóm chất gây ung thư, trong đó có ung thư vòm họng. Rượu khi vào cơ thể được oxy hóa thành acetaldehyde, một chất gây ung thư có thể gây tổn thương gene.
Loại đồ uống này cũng làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, tổn thương ADN ở tế bào niêm mạc miệng, họng và thực quản. Rượu hoạt động như một chất kích thích, giúp hóa chất trong thuốc lá dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn.
Bên cạnh đó, rượu làm chậm khả năng phân hủy và loại bỏ các hóa chất độc hại của cơ thể. "Combo" này tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư hình thành và phát triển.
Thực phẩm lên men
Ăn nhiều thực phẩm cay, lên men cũng có nguy cơ gây ung thư vòm họng. Một phân tích trên 29 nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2022, cho thấy tiêu thụ thực phẩm chế biến như dưa muối và cá muối có liên quan đến ung thư vòm họng. Quá trình bảo quản thực phẩm bằng muối có thể tích tụ nitrosamine, một chất gây ung thư ở nhiều cơ quan.
Vệ sinh răng miệng kém
Một nghiên cứu trên hơn 2.500 trường hợp mắc ung thư vòm họng trong giai đoạn 2010-2015, độ tuổi từ 20-70 tại Trung Quốc đăng trên thư viện Y khoa Mỹ năm 2016, chỉ ra vệ sinh răng miệng kém làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Khoang miệng chứa hơn 700 loại vi khuẩn. Nếu vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sản xuất nitrosamine - chất gây ra ung thư vòm họng. Ngược lại, nếu đánh răng ngày hai lần, có sức khỏe răng miệng bình thường sẽ giảm nguy cơ.
Nhiễm HPV
HPV liên quan đến khoảng 60-70% các trường hợp ung thư miệng họng. Một nghiên cứu trên hơn 2.700 trường hợp mắc ung thư vòm họng, đăng trên thư viện Y khoa Mỹ năm 2023, cho thấy nhiều bệnh nhân từng nhiễm HPV.
Theo bác sĩ Cầm, có gần 200 type virus HPV khác nhau, trong đó HPV-16 và HPV-18 có khả năng gây ra ung thư vòm họng. Ngoài ra, virus HPV có thể gây ra tình trạng viêm mãn tính ở biểu mô vòm họng, có thể góp phần gây ung thư.
Cách phòng ngừa
Để phòng bệnh, bác sĩ Cầm khuyến cáo mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh: hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá; vệ sinh răng miệng sạch sẽ; ăn uống đủ dinh dưỡng; tránh ăn nhiều thực phẩm lên men. Ngoài ra, vì virus HPV chủ yếu lây qua đường tình dục nên cần có đời sống tình dục an toàn.
Tiêm vaccine là cách phòng ngừa HPV hiệu quả nhất, với hai loại: Gardasil và Gardasil 9. Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho nữ giới tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9, phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho nam và nữ tuổi 9-45, hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.
"Tuổi vàng" để tiêm là 9-14 tuổi với lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Người quên lịch tiêm hoặc trễ lịch tiêm, không cần tiêm lại từ đầu, sẽ tiêm tiếp theo liệu trình phù hợp.
Diệu Thuần
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.