Hồng Ngọc (37 tuổi, Huế) đưa con trai đầu lòng tròn 9 tuổi tiêm vaccine HPV. Chị cho biết rất lo lắng khi con ở tuổi dậy thì, thay đổi về sức khỏe, kiến thức giới tính, tò mò tình dục. Vì vậy, gia đình nghĩ mọi cách đồng hành, trò chuyện và chăm sóc cho con, trong đó cân nhắc tiêm ngừa HPV.
"Tôi lo mũi tiêm có thể khiến con sốt, mệt sau tiêm, song nghe bác sĩ tư vấn vaccine an toàn, ít phản ứng phụ nên yên tâm hơn. Nếu không tiêm ngừa, con có thể vô tình mắc bệnh khi không được bảo vệ", chị nói.
Tương tự, anh Nguyễn Tân (40 tuổi, Hà Nội) cho biết đã hiểu về tác dụng của tiêm chủng nhiều năm nay. Song gần đây, anh mới đăng ký gói vaccine cho con gái 10 tuổi.
"Vaccine có tác dụng phòng ung thư cổ tử cung, tôi tặng con món quà sức khỏe này khi bắt đầu lớn. Nhiều phụ huynh cùng lớp đã cho con tiêm, các cháu khỏe mạnh nên tôi yên tâm hơn", anh Tân nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hai trường hợp này nằm trong số nhiều phụ huynh ý thức phòng bệnh cho con từ sớm. Họ quan tâm tới các bệnh thường thức như cúm, viêm gan, thủy đậu, đồng thời muốn bảo vệ con trước các bệnh tình dục, trong đó có HPV.
Theo bác sĩ Chính, HPV là virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục hoặc tiếp xúc với mầm bệnh khi có vết thương hở, qua dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót. Một số chủng HPV có thể gây bệnh ung thư như cổ tử cung, dương vật, hậu môn... Còn vaccine được khuyến nghị cho người từ 9 đến 26 tuổi. Trong đó, 9-14 là "tuổi vàng" để chủng ngừa, cũng là nhóm nên được ưu tiên tiêm.
Bác sĩ Chính dẫn nghiên cứu ở Bắc Mỹ trên nhóm bé gái 15-16 tuổi, cho thấy 45,5% trẻ có HPV trong âm đạo; 20% phụ nữ phát hiện mầm bệnh chỉ sau 4 tháng bắt đầu quan hệ tình dục, 45% trường hợp nhiễm virus sau 26 tháng. Nghiên cứu này đã chỉ ra mức độ cần thiết tiêm ngừa sớm cho trẻ.
Bác sĩ Chính cho biết vaccine được chứng minh có hiệu quả bảo vệ lên đến 30 năm. Các bằng chứng khoa học chỉ ra kháng thể có thể duy trì ở nồng độ cao, không suy giảm theo thời gian khi tiêm cho trẻ em 9-14 tuổi.
Ngoài ra, vaccine có hiệu quả lên đến 94% khi phòng các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, mụn cóc sinh dục... Ví dụ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ thống kê, cập nhật tháng 8, tỷ lệ nhiễm virus gây ung thư, mụn cóc sinh dục giảm 88% ở trẻ em gái, 81% ở phụ nữ trẻ, tỷ lệ thanh thiếu niên và thanh niên bị mụn cóc sinh dục ngày càng giảm. Trong số phụ nữ sử dụng vaccine, tỷ lệ tiền ung thư cổ tử cung do HPV đã giảm 40%.
Hiện vaccine HPV chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo mọi người nên cho con chủng ngừa sớm, nâng hiệu quả bảo vệ.
Mộc Thảo
Vào 20h thứ 6, ngày 3/11, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với báo VnExpress tổ chức tư vấn trực tuyến: "Đúng - Sai về HPV và các bệnh lây nhiễm ở trẻ em, người lớn".
Buổi tư vấn có sự tham gia của BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress, VNVC và các kênh thông tấn báo chí khác. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.