Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Tôi đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 vào tháng 6/2022 (2 Moderna và 2 Pfizer), cho xin hỏi tôi có cần tiêm mũi 5 hay không? Xin cảm ơn! Ngoài ra, sau khi tôi tiêm 2 mũi đầu Moderna tháng 8/2021 , đến đầu tháng 12/2021 tôi bị nhiễm và nhập viện điều trị triệu chứng 9 ngày.
Nguyễn Văn Tân, 65 tuổi, Quận 8, TP.HCM
Tôi năm nay 42 tuổi thì có tiêm vaccine HPV phòng các bệnh do HPV được không?
Nguyễn Trường Anh Vũ, 42 tuổi, TP.Thủ Đức
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tại Việt Nam, vaccine HPV được chỉ định tiêm chủng trẻ em gái, trẻ em trai, nữ giới và nam giới từ 9 - 26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, và các bệnh gây ra bởi virus HPV càng sớm càng tốt, các trường hợp đã quan hệ tình dục cũng cần được chủng ngừa.

Nam và nữ giới nằm trong độ tuổi 9 - 26, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không đang mắc các bệnh cấp tính,... đều đủ điều kiện tiêm vaccine này mà không cần phải xét nghiệm. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho người từ 27 tuổi cho tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các đơn vị tiêm chủng như Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Thưa bác sĩ, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm những loại vaccine gì? Thời điểm tiêm tối ưu nhất là khi nào?
Nguyễn Thị Hạnh, 23 tuổi, TP. Hà Nội
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Khi mang thai hệ miễn dịch của cơ thể thai phụ sẽ hoạt động kém hơn bình thường, dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Do đó, tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và bé phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm.

Theo đó, phụ nữ nên tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine sau đây trước khi chuẩn bị mang thai, bao gồm:

1. Vaccine sởi - quai bị - rubella: Tiêm 2 mũi, hoàn thành phác đồ trước khi chuẩn bị mang thai 3 tháng.

2. Vaccine thủy đậu: Tiêm 2 mũi, hoàn thành phác đồ trước khi chuẩn bị mang thai 3 tháng.

3. Vaccine viêm gan B: Tiêm 3 mũi vòng 6 tháng, nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan B trước khi mang thai, vẫn có thể tiếp tục tiêm phòng trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh con.

4. Vaccine cúm: Nên tiêm trước khi mang thai, mẹ bầu có nguy cơ có thể tiêm cúm ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.

5. Vaccine bạch hầu - uốn ván - ho gà: Cần tiêm 1 mũi và nhắc lại mỗi 10 năm. Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin Boostrix trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Nếu có kế hoạch mang thai, phụ nữ nên tiêm chủng các vaccine trên ít nhất 1-3 tháng trước khi mang thai.

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Sau 3 ngày bị chó cắn thì tôi đi tiêm chủng vaccine dại mũi 1, nhưng vì công việc nên tiêm mũi 2 thì quá 1 ngày, giờ con chó biểu hiện giống dại. Xin hỏi quên tiêm mũi 2 và đã tiêm mũi 3 thì liệu tác dụng vaccine có hiệu quả không ạ?
Nguyễn Xuân Tân, 42 tuổi, Bình Định
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Thời gian ủ bệnh ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công, gần như 100% cả động vật và con người đều sẽ tử vong.

Việc tiêm vaccine dại không đúng lịch khuyến cáo thì hiệu quả phòng bệnh sẽ không cao, thậm chí rất nguy hiểm. Nếu không được tiêm chủng kịp thời, nguy cơ tử vong do bệnh dại là không thể tránh khỏi.

Do đó trường hợp của bạn nếu tiêm chủng vaccine dại trễ lịch thì vẫn có thể tiếp tục tiêm các mũi còn lại càng sớm càng tốt sau thời gian trong lịch hẹn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Em có dẫm phải đinh rỉ và có đi tiêm huyết thanh uốn ván nhưng 7 ngày sau em có hiện tượng nóng rất nóng và rát và đau bên tay tiêm vậy có bị làm sao không ạ? Cảm ơn bác sĩ
Nguyễn Đắc Công, 34 tuổi, tỉnh Bắc Ninh
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tiêm phòng vaccine uốn ván là rất cần thiết đối với mọi người, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người có vết thương hở dính đất cát, phụ nữ có thai, nông dân, người làm việc trong các trang trại, công nhân làm việc tại công trường xây dựng… Hiệu quả phòng bệnh của vaccine có thể đến đến 95% nếu tiêm đủ liều, đúng lịch.

Vaccine uốn ván cũng như hầu hết mọi vaccine phòng bệnh khác, sau khi tiêm sẽ gặp một số tác dụng phụ nhẹ cho thấy cơ thể đang phản ứng để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này. Một số tác dụng phụ thông thường của vaccine uốn ván bao gồm đau nhức, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn. Hầu hết những tác dụng phụ này đều phổ biến đối với tất cả các loại vaccine uốn ván.

Với trường hợp của bạn nóng và rát xuất hiện vào ngày thứ 7 sau tiêm vaccine không phải là triệu chứng cảnh báo phản ứng bất thường, không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn cần quay lại các trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và thăm khám.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã có gia đình và đã sinh con thì có được tiêm vaccine phòng các bệnh do HPV không?
Nguyễn Thị Hồng Lam, 28 tuổi, Khánh Hòa
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, tiêm vacine để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục hiệu quả? Xin cảm ơn!
Nguyễn Minh Chính, 29 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện có hai bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả là viêm gan B và HPV.

Virus gan B còn là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Bệnh lây qua tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam hiện đang nằm trong vùng lưu hành của virus viêm gan B, tỷ lệ lây nhiễm cao. Tiêm vaccine là biện pháp chủ động bảo vệ bản thân và mọi người. Một điểm lưu ý khi đi tiêm vaccine viêm gan B là bạn cần xét nghiệm máu để xác định bản thân có đang nhiễm bệnh và đã có kháng thể với virus này hay chưa. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ tiêm chủng sẽ tư vấn mũi tiêm phù hợp với bạn.

Còn HPV là virus gây u nhú ở người, từ lâu đã được các nhà khoa học xác nhận là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục và các ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu mặt cổ. Vaccine HPV đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ lên đến 94% các chủng virus có trong vaccine. Vaccine thế hệ mới chủng người được cho cả nam và nữ từ 9-26 tuổi và không cần xét nghiệm trước khi tiêm ngừa. Nếu đã qua độ tuổi tiêm ngừa HPV nhưng vẫn có mong muốn phòng bệnh, bạn vẫn có thể liên hệ đến trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất để được tư vấn phòng ngừa.

Ngoài ra, bên cạnh việc tiêm ngừa, để phòng cách bệnh lây qua đường tình dục, bạn cũng cần chú trọng giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống vận động nâng cao sức khỏe, quan hệ tình dục an toàn và khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Xin hỏi sốt rét do muỗi alophen đốt có vaccine không? VNVC có vaccine sốt vàng không? Lịch chủng ngừa ra sao ạ?
Nguyễn Tiến Đạt, 48 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi Anopheles. Sốt rét xuất hiện tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, có hơn 241 triệu ca mắc, ước tính 627.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, sốt rét có tốc độ lây lan mạnh vào tháng 4-5 và tháng 9-10.

Hồi tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên. Vaccine RTS,S/AS01, còn gọi là Mosquirix, do Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh phát triển, chưa được phê duyệt tại Việt Nam.

Với bệnh sốt vàng, tiêm vaccine Stamaril (Pháp) là cách ngừa bệnh sốt vàng an toàn, và chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suốt đời. Bạn có thể liên hệ đến VNVC để được tư vấn và đăng ký chủng ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi có 2 con trai 12 tuổi và 17 tuổi, tôi muốn đăng ký cho hai con tiêm vaccine thủy đậu thì cần tiêm mấy mũi. Sau khi tiêm xong có cần tiêm nhắc lại không ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Thùy Dương , 40 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện nay vaccine thủy đậu chủ yếu đang được tiêm chủng dịch vụ với danh mục 3 loại vaccine cho trẻ em và người lớn, trong đó vaccine thuỷ đậu thế hệ mới Varilrix (Bỉ) tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.

Hai con của bạn ở lứa tuổi 12 tuổi và 17 tuổi cần hoàn thành phác đồ 2 mũi vaccine cách nhau 1 tháng để tạo miễn dịch phòng bệnh đến 98%, giảm gánh nặng bệnh tật, tránh biến chứng nguy hiểm như zona thần kinh, viêm phổi, viêm não...

Miễn dịch từ vaccine thủy đậu được nhìn thấy bền vững và mức giảm theo thời gian không đáng kể và không có giá trị thống kê. Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm kháng thể khi có nhu cầu tiêm nhắc.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, tiêm vaccine phòng dại có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?
Hoài , 20 tuổi, Trâu Quỳ, Gia Lâm
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện không có bất kỳ căn cứ nào cho thấy vaccine phòng dại có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Kể từ khi vaccine dại, đã có rất nhiều thử nghiệm và nghiên cứu được thực hiện về độ an toàn cũng như các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Cụ thể, một số phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine dại có thể kể đến như: sưng, đau đỏ da tại chỗ tiêm. Các phản ứng toàn thân khác như mệt mỏi, đau đầu, sốt, run rẩy,đau nhức xương khớp, đau cơ.

Đồng thời, hiện các vaccine thế hệ mới nhập khẩu như Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ) có độ tinh khiết cao, an toàn và ít các phản ứng bất lợi. Nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm về hiệu quả và độ an toàn của vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, tôi tiêm vaccine ngừa uốn ván có được sử dụng thuốc kháng viêm, ví dụ như steroid hay không? Cảm ơn bác sĩ.
Lê Khanh, 62 tuổi, Đăk Lăk
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Sau tiêm vaccine uốn ván, bạn vẫn uống được thuốc điều trị bệnh mạn tính bình thường. Việc uống kháng viêm không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với các loại vaccine. Trong trường hợp mắc các bệnh mạn tính, bạn không được bỏ thuốc và có thể uống được các thuốc giảm đau chống viêm. Với các thuốc không dùng thường xuyên và có thể trì hoãn, bạn nên sử dụng sau 24 giờ, tốt nhất là sau 72 giờ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tại sao người lớn cần vaccine, tôi cứ nghĩ vaccine chỉ quan trọng với trẻ? Vậy người lớn cần tiêm những loại vaccine nào, người không rõ lịch sử tiêm chủng thì có lịch tiêm thế nào?
Superadmin01, 23 tuổi, TP HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng việc tiêm chủng vaccine chỉ dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh luôn có ý thức chủ động tiêm ngừa vaccine cho trẻ nhỏ nhưng lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Thực tế thì bệnh truyền nhiễm không chừa một ai, đa số người lớn thường hay quên hoặc bỏ sót lịch tiêm nhắc theo khuyến cáo do sự quan tâm chưa đúng mức hoặc thiếu thông tin về tầm quan trọng của vaccine.

Người lớn có hệ miễn dịch suy giảm, không đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể. Người càng lớn tuổi phổi càng kém đàn hồi, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém nếu mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván,... sẽ diễn tiến nghiêm trọng, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Hiện VNVC đang có hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa hơn 15 loại vaccine khác nhau, ưu tiên các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... để phòng bệnh cho chính mình, giảm rủi ro bệnh tật, tiết kiệm chi phí và bảo vệ cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Em 45 tuổi thì tiêm ngừa vaccine HPV 9 tuýp được không, vaccine còn hiệu quả không?
Ngu Thu Phan , 45 tuổi, Vĩnh Long
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện HPV có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Việt Nam có hai loại vaccine HPV là Gardasil (Mỹ) phòng ngừa 4 tuýp HPV phổ biến cho nữ giới từ 9-26 tuổi và Gardasil 9 (Mỹ) được chỉ định tiêm chủng cho nữ giới, nam giới, mở rộng độ bảo vệ trước 9 tuýp HPV nguy cơ cao gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 với hiệu quả bảo vệ 94%.

Để tăng độ bảo vệ, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho nam và nữ giới từ 27-45 tuổi (nếu họ chưa tiêm chủng). Nam và nữ giới trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Trường hợp của bạn hiện 45 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ không tối ưu. Bạn có thể đến trực tiếp các đơn vị tiêm chủng như VNVC để được các bác sĩ tư vấn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, nhiều người nói chỉ tiêm vaccine HPV khi chưa lấy chồng thì mới hiệu quả. Nếu đã lấy chồng, sinh con rồi thì không hiệu quả, không cần tiêm nữa, điều này có đúng không? Cảm ơn bác sĩ!
Phương, 25 tuổi, Đông anh hà nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được vaccine HPV và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi năm nay ngoài 60, không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, vậy tôi nên tiêm phòng vaccine nào?
Huỳnh Ngọc Linh, 62 tuổi, Đà Nẵng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Từ đó, các mầm bệnh truyền nhiễm dễ tấn công và gây bệnh nặng ở người cao tuổi. Điển hình như cúm, phế cầu đều có tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi.

Người lớn tuổi chủ động tiêm ngừa vừa là cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bệnh tật, biến chứng nặng, vừa là cách tránh mắc bệnh và lây nhiễm cho các đối tượng nguy cơ khác trong gia đình như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền…

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B... Mỗi loại vaccine sẽ có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Một số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ các vaccine phòng não mô cầu tiêm tối đa cho người đến 55 tuổi.

Do đó, trường hợp 60 tuổi chưa tiêm vaccine cần đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm các loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress