Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh gây bệnh: Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Một người có thể mắc bệnh 4 lần với 4 type khác nhau, do đó, dù bạn đã từng mắc bệnh, vẫn có nguy cơ bị lại nếu nhiễm một type virus khác.
Ở lần nhiễm đầu tiên lúc 15 tuổi, cơ thể bạn sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu dài hạn chống lại type virus Dengue, có tác dụng bảo vệ chéo với các type khác. Tuy nhiên, kháng thể này thường chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, không còn hiệu quả khi bạn đã 25 tuổi. Khi kháng thể suy giảm dần, bạn vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết lần nữa do một type virus Dengue khác. Kháng thể cũ liên kết với type virus Dengue mới, tạo điều kiện để virus xâm nhập vào các tế bào dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm. Tình trạng xuất huyết sẽ nặng hơn, gây chảy máu ồ ạt, suy giảm chức năng đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh hiệu quả, bạn nên chủng ngừa vaccine sốt xuất huyết. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, giúp phòng hiệu quả 4 type huyết thanh virus Dengue lưu hành, giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% đồng thời giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Vaccine có hiệu quả tương tự với người đã mắc bệnh, song cần chờ khỏi bệnh trong 6 tháng mới nên tiêm. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng trước khi mang thai.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Có 4 type huyết thanh gây bệnh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Sau khi nhiễm lần đầu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu dài hạn chống lại type virus Dengue, có tác dụng bảo vệ chéo với các type khác, thường khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, khi kháng thể suy giảm dần, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết lần nữa do một type virus Dengue khác.
Bạn đã mắc bệnh hai lần thì vẫn có nguy cơ mắc thêm hai type huyết thanh khác của virus. Hơn nữa, kháng thể cũ liên kết với type virus Dengue mới, gây ra hiện tượng "tăng cường phụ thuộc kháng thể" (ADE). Hiện tượng này khiến cơ thể không đủ khả năng tiêu diệt virus. Ngược lại, chúng tạo điều kiện để virus xâm nhập vào các tế bào dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm. Tình trạng xuất huyết sẽ nặng hơn, gây chảy máu ồ ạt, suy giảm chức năng đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh hiệu quả, bạn nên chủng ngừa vaccine sốt xuất huyết để tránh mắc bệnh lần tiếp theo. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, giúp phòng hiệu quả 4 type huyết thanh virus Dengue lưu hành, giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% đồng thời giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Vaccine có hiệu quả tương tự với người đã mắc bệnh, song cần chờ khỏi bệnh trong 6 tháng mới nên tiêm. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng trước khi mang thai.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Phụ nữ trước khi mang thai nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn dự định năm sau sẽ mang thai, tức còn ít nhất khoảng 6 tháng nữa, hoàn toàn có thể tiêm ngừa nhiều loại vaccine để phòng bệnh như: cúm, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, bạch hầu - uốn ván - ho gà, HPV, viêm gan B, sốt xuất huyết, não mô cầu, phế cầu...
Với vaccine cúm, bạn cần tiêm một mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc một mũi hằng năm để bổ sung kháng thể và cập nhật chủng cúm đang lưu hành. Như vậy, khi chưa có thai, vaccine tạo kháng thể bảo vệ sức khỏe cho bạn. Trong thời gian mang thai, tùy theo thời điểm tiêm chủng, bạn có thể tiêm thêm một mũi vaccine cúm và vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để phòng bệnh và truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé trong những tháng đầu đời.
Thai phụ mắc cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật thai nhi như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh... Bạch hầu, ho gà, uốn ván đều là những bệnh nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong cho mẹ và thai nhi, bé sơ sinh khi chào đời.
Việt Nam là nước nhiệt đới, bệnh cúm lưu hành quanh năm, vì vậy, thời điểm tiêm tốt nhất là tiêm sớm nhất khi có thể. Vaccine cúm có thể tiêm gộp với các vaccine khác giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi lại. Bạn nên sắp xếp đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ tư vấn lịch tiêm phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
HPV là virus gây ra nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục và các loại ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ, bao gồm sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật, hầu họng và hốc mũi.
Tiêm vaccine là biện pháp chủ động, an toàn và hiệu quả để phòng ngừa virus HPV. Bất cứ ai đã từng quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Tỷ lệ nhiễm HPV ở nam giới trung bình lên đến 91%, trong khi khả năng đào thải virus ở nam giới lại thấp hơn nữ giới khoảng 26%. Bên cạnh đó, vaccine cũng có những đường lây không qua quan hệ tình dục như tiếp xúc vật dụng, khăn tắm, đồ lót, dụng cụ sinh thiết, phẫu thuật dính mầm bệnh.
Hiện nay, tại Việt Nam có hai loại vaccine phòng HPV là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil chỉ định cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Còn Gardasil 9 chỉ định cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, không phân biệt đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Vaccine giúp phòng ngừa 9 chủng HPV nguy cơ cao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, là nguyên nhân gây ra sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng và các tổn thương tiền ung thư tại bộ phận sinh dục.
Trường hợp của bạn là nam giới, 34 tuổi, hoàn toàn có thể tiêm vaccine Gardasil 9. Lịch tiêm gồm 3 mũi trong vòng 6 tháng. Khi tiêm đủ liều, vaccine có thể đạt hiệu quả bảo vệ trên 90%.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vi khuẩn phế cầu thường trú trong hầu họng của mỗi người, lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng không có triệu chứng. Bệnh có thể tạo thành ổ dịch nhỏ ở môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà máy, viện dưỡng lão... Vi khuẩn này hiện có hơn 100 tuýp huyết thanh gây ra nhiều bệnh phế cầu xâm lấn cho cả trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và bệnh phế cầu không xâm lấn như viêm phổi, viêm tai giữa và viêm xoang...
Hiện nay, tại gần 230 trung tâm tiêm chủng thuộc Hệ thống Tiêm chủng VNVC đều đang lưu hành 5 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn. Bao gồm: phế cầu 10, phế cầu 13, phế cầu 15, phế cầu 20 và phế cầu 23. Trong đó, loại phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 và phế cầu 15 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn. Vaccine phế cầu 20 tiêm cho người từ 18 tuổi và phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.
Tùy độ tuổi, mỗi loại có số mũi tiêm khác nhau. Trường hợp ba bạn 60 tuổi, chưa từng chủng ngừa phế cầu, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm các loại vaccine phế cầu 13, 15, 20 và 23. Bạn nên sắp xếp đưa người nhà đến các cơ sở tiêm chủng gần nhất để được tư vấn và chỉ định loại vaccine phù hợp.
Ngoài vaccine phế cầu, bạn cũng nên tiêm ngừa cúm, não mô cầu, sởi... để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến phổi cho gia đình.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Bệnh nhân tiểu đường khi mắc sốt xuất huyết dễ biến chứng nặng do sức đề kháng kém, hạ tiểu cầu, nguy cơ bội nhiễm các bệnh khác. Tiểu cầu giảm sâu có thể gây xuất huyết nặng, như xuất huyết nội tạng, não, thoát huyết tương, cô đặc máu đe dọa tính mạng người bệnh. Ngoài ra, tiểu đường còn khiến huyết áp diễn biến thất thường, dẫn đến bù dịch khó khăn, chậm hồi phục.
Hiện không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
Trong đó, tiêm vaccine sốt xuất huyết là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, được Bộ Y tế nước ta, CDC Mỹ và WHO, cùng nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh. Hiện Việt Nam có vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga, do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất. Vaccine có khả năng ngừa cả 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Tiêm đủ và đúng phác đồ giúp ngăn ngừa mắc bệnh hơn 80% và ngăn nguy cơ nhập viện do bệnh hơn 90%.
Vaccine chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn, với lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Nhóm chống chỉ định tiêm gồm: người đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm vaccine, đang cho con bú; người bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc liều cao corticosteroid toàn thân, liệu trình dài hai tuần trở lên; những người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo suy giảm chức năng miễn dịch; người gặp phản ứng quá mức với hoạt chất, liều vaccine Qdenga trước đó hoặc với bất kỳ tá dược nào. Vaccine cũng được khuyến cáo hoãn tiêm khi bị sốt nặng cấp tính.
Do đó, trường hợp người 60 tuổi, có bệnh nền tiểu đường càng cần thiết tiêm chủng, nên tiêm sớm để chủ động phòng bệnh. Tại cơ sở tiêm chủng, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe của người tiêm để chỉ định lịch tiêm và loại vaccine phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Các nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên tụ tập ở bar, pub hay club có thể tăng tỷ lệ mang mầm bệnh não mô cầu. Lý do, các khu vực này thiếu không gian thông thoáng, có nhiều tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung ly, cốc... tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan, khó kiểm soát nguồn lây. Ngoài ra, việc bạn thường xuyên hút thuốc, thức khuya cũng làm hệ miễn dịch suy giảm, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và sinh sôi gây bệnh.
Theo Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), có đến 50% người mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Khoảng 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi... Do đó, bạn nên sớm chủng ngừa để phòng bệnh cho bản thân.
Hiện Việt Nam có 4 loại vaccine phòng não mô cầu, gồm: Bexsero (Italy) phòng não mô cầu nhóm B , VA-Mengoc-BC (Cuba) phòng nhóm BC, Menactra (Mỹ) và MenQuadfi (Pháp) phòng 4 nhóm A, C, Y, W-135. Bexsero tiêm cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi, VA-Mengoc BC tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi và Menactra tiêm cho người từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Riêng MenQuadfi có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn không giới hạn tuổi.
Vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ 5 nhóm huyết thanh để phòng ngừa toàn diện, không nên chỉ tiêm một loại. Bạn nên đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn và chọn loại vaccine phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Hiện các xét nghiệm thường quy tầm soát HPV và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21 tuổi đã quan hệ tình dục gồm: phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV, quan sát cổ tử cung bằng dung dịch axit acetic. Bạn có thể làm một trong các xét nghiệm trên để biết được tình trạng sức khỏe bản thân, cũng như phát hiện tế bào bất thường.
Tuy nhiên, trước khi tiêm vaccine HPV, bạn không cần tiến hành xét nghiệm sàng lọc để tìm kiếm virus trước. Lý do, HPV có hơn 200 chủng có thể tự đào thải hoặc gây mụn cóc sinh dục, ung thư khi nhiễm dai dẳng. Kết quả xét nghiệm HPV dương tính đôi khi không cho biết chính xác đã nhiễm chủng HPV nào. Mặt khác, xét nghiệm âm tính không đủ để chứng minh trước đây chưa nhiễm HPV.
Hiện nay, tại Việt Nam có hai loại vaccine phòng HPV là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil chỉ định cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Còn Gardasil 9 chỉ định cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, không phân biệt đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Vaccine giúp phòng ngừa 9 chủng HPV nguy cơ cao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, là nguyên nhân gây ra sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng và các tổn thương tiền ung thư tại bộ phận sinh dục.
Có 5 trường hợp không được tiêm ngừa, gồm: người dị ứng với bất kỳ thành phần, hoạt chất, tá dược có trong vaccine; người có phản ứng quá mẫn cảm sau khi tiêm mũi HPV trước đó; người đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng; người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu; phụ nữ mang thai.
Đặc biệt, người đã và đang nhiễm virus HPV càng nên tiêm vaccine. Lý do, vaccine HPV phòng được 9 chủng HPV và một người không nhiễm hết tất cả các chủng này. Tiêm vaccine giúp ngăn ngừa các chủng HPV cơ thể chưa nhiễm. Mặt khác, HPV cũng có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể và kháng thể không tồn tại lâu dài, mọi người vẫn có thể tái nhiễm các chủng HPV đã từng mắc. Tiêm vaccine cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Thêm nữa, dù đã nhiễm HPV thì trong cuộc đời, việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó và nguy cơ nhiễm tiếp các chủng HPV vẫn hiện hữu.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây sang người thông qua vết đốt của muỗi, chủ yếu là muỗi Culex, sau khi hút máu của các loài chim hoang dã và gia súc bị nhiễm virus như lợn, trâu, bò... Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả người lớn chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vaccine.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường gây ra các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, co giật, li bì, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức, hôn mê. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong lên đến 30%. Khoảng 50% số người sống sót gặp phải di chứng nặng nề như: điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.
Để phòng ngừa, bạn nên rà soát lại lịch sử tiêm chủng, hoặc tới trung tâm tiêm chủng gần nhất để được hỗ trợ. Nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm ngừa trước đó thì nên tiêm vaccine để phòng bệnh.
Hiện nay, Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho người lớn, có trong tiêm chủng dịch vụ, bao gồm: Jevax (Việt Nam); Jeev (Ấn Độ) và Imojev (Nhật Bản). Tùy vào lịch sử tiêm chủng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và lịch tiêm phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Ho gà là bệnh do vi khuẩn ho gà gây ra, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, vi khuẩn theo giọt bắn rơi vào không khí, lây nhiễm cho những người xung quanh. Đặc biệt, những người sinh hoạt chung trong không gian như nhà ở, lớp học, ký túc xá... có nguy cơ lây bệnh cao hơn. Ví dụ, trong gia đình có một người mắc bệnh, nguy cơ lây cho người thân lên đến 100%.
Bệnh ho gà có biểu hiện đặc trưng là các cơn ho rũ rượi không thể kìm hãm, kèm tiếng rít cố gắng để lấy oxy, giống như khi gà trống rít vào để chuẩn bị cất tiếng gáy. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng ho nhiều đến biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não. Các cơn ho mạnh có thể gây gãy xương sườn, thoát vị hoành, lồng ruột, sa trực tràng.
Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ trơ sinh và trẻ nhỏ, do khó phát hiện bệnh dẫn đến điều trị chậm trễ. Trước khi vaccine được phổ biến, ho gà là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, cứ 10 trẻ mắc bệnh thì 1 trẻ tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các địa phương ghi nhận hơn 10 ca mắc ho gà, trong đó có ít nhất 3 trẻ tử vong.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa ho gà cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn như: 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Lưu ý, kháng thể có được sau khi tiêm vaccine ho gà sẽ giảm dần theo thời gian, sau các mũi tiêm đầu đời trước 2 tuổi, trẻ cần tiêm tiếp vaccine có thành phần ho gà khi đủ 4-6 tuổi và 9-15 tuổi, sau đó tiêm nhắc một mũi sau mỗi 10 năm.
Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm một mũi vaccine có thành phần ho gà và tiêm nhắc một mũi sau mỗi 10 năm. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ để truyền kháng thể thụ động cho thai nhi, bảo vệ bé trước khi đến thời điểm tiêm chủng.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress