Ba vaccine đã được cấp phép sử dụng (vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca) đều cần tiêm hai liều mới đảm bảo tạo đủ kháng thể. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn như bảo quản vaccine, tính an toàn, đủ số lượng, đúng thời gian, đúng đối tượng từng được tiêm liều đầu.
Vaccine J&J có thể tránh những vấn đề này.
Công ty dược Janssen phát triển vaccine J&J dựa trên công nghệ vector virus, dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất hơn vaccine điều chế bằng công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna.
"J&J gần giống vaccine Oxford-AstraZeneca. Cả hai đều được phát triển trên công nghệ vector virus, song vaccine J&J chỉ cần một liều tiêm", Adam Barker, nhà phân tích sức khỏe tại Shore Capital nói.
So với vaccine điều chế bằng công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna, sản phẩm của J&J dễ dàng mở rộng quy mô, thao tác tiêm cũng đơn giản hơn.
Ứng viên này có thể bảo quản ít nhất ba tháng trong tủ lạnh thông thường, không yêu cầu cơ sở hạ tầng mới trong quá trình vận chuyển.
Trong khi đó, bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer-BioNTech ở nhiệt độ âm 70 độ C là một bài toán khó với các cơ sở y tế.
Tuần trước, đại diện hệ thống sức khỏe Morgan Stanley nhận định vaccine J&J có "các yếu tố độc đáo và hiệu quả, mang lại niềm tin trong nỗ lực ứng phó đại dịch, phục hồi thị trường".
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley bày tỏ tin tưởng vào tính an toàn của vaccine J&J, dẫn chứng dữ liệu thử nghiệm sớm, cùng thành công, hiệu quả chứng minh qua các vaccine Ebola, HIV, RSV, Zika trước đó.
J&J đã cam kết phân phối vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận trong trường hợp khẩn cấp.
Tháng 8/2020, hãng ký thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho Mỹ sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Mỹ có thể mua thêm 200 triệu liều trong thỏa thuận tiếp theo.
Anh cũng đàm phán đặt hàng 30 triệu liều vaccine từ J&J, có thể mua bổ sung 22 triệu liều. Tháng 10/2020, Liên Minh Châu Âu (EU) ký thỏa thuận với J&J cho 400 triệu liều vaccine.
J&J cũng đồng ý cung cấp 500 triệu liều vaccine cho Liên Minh vaccine (GAVI), dự kiến phân phối năm 2022 thông qua chương trình Tiếp cận Vaccine Công bằng Toàn cầu (COVAX).
"Nếu vaccine J&J có thể đạt hiệu quả phòng ngừa trên 80% sau một liều tiêm, cùng với quá trình vận chuyển thuận lợi, quy mô sản xuất đáng kể, đây sẽ là một thành quả đầy thuyết phục", đại diện Morgan Stanley nhận định.
Giáo sư Jonathan Reiner, Đại học Y và Khoa học Sức khỏe George Washington, cho rằng chính phủ các nước nên bỏ chiến lược tiêm vaccine hai liều của hai hãng dược Pfizer-BioNTech và Moderna.
"Chúng ta sẽ có tất cả số vaccine cần thiết. Chúng ta nên tập trung vào việc tiêm cho người dân", ông nói.
Ngày 17/12/2020, J&J hoàn thành thử nghiệm giai đoạn ba trên 45.000 tình nguyện viên.
Hãng dự kiến kiến công bố kết quả thử nghiệm sơ vào cuối tháng 1, đặt mục tiêu phân phối ít nhất một tỷ liều vào cuối năm 2021.
Lê Hằng (Theo CNBC)