Việc triển khai tiêm liều thứ hai gặp những khó khăn hậu cần tương tự khi tiêm liều thứ nhất, gồm bảo quản vaccine và tính an toàn. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải đảm bảo đủ vaccine, đúng thời gian, đúng đối tượng từng được tiêm liều đầu.
"Mỹ vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiêm vaccine cho người dân. Lịch tiêm liều thứ hai khiến tình hình khó khăn hơn", tiến sĩ Glenn Morris, Đại học Florida, nhận định.
Việc đảm bảo đủ liều vaccine và tiêm chủng cho mọi người vẫn đang trong giai đoạn 1A.
"Các vấn đề phát sinh thực sự là điều không thể đoán trước trong quá trình phân phối vaccine", Maryellen Guinan, Hiệp hội America's Essential Hospitals, đại diện hơn 300 bệnh viện công tại Mỹ, nói.
Tới nay, Mỹ chưa báo cáo vấn đề nghiêm trọng nào liên quan việc bỏ lỡ liều tiêm thứ hai. Song, các chuyên gia cho biết vẫn còn quá sớm để xem nhẹ vấn đề, tính khả thi của việc triển khai đại trà mũi thứ hai sẽ được thử nghiệm trong những tuần tới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê 6,6 triệu người Mỹ đã tiêm liều đầu tiên. Chưa có dữ liệu trên phạm vi toàn quốc về tỷ lệ hoàn thành mũi thứ hai.
Kate Marn, y tá hồi sức tích cực, phụ trách chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế PeaceHealth St. Joseph, nhẹ nhõm sau khi được tiêm liều vaccine thứ hai.
"So với vaccine, tôi sợ Covid-19 hơn rất nhiều", Marn chia sẻ. "Tôi đã chứng kiến mọi người qua đời, hoặc bệnh rất nặng".
Bác sĩ Megan Ellingsen tiếp xúc với một bệnh nhân ung thư ngay trước ngày cô được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Bệnh nhân này sau đó dương tính với nCoV.
"Tôi đã chăm sóc người này suốt 45 phút trong phòng tắm. Tôi rất sợ hãi khi hay tin anh ấy nhiễm nCoV", Ellingsen nói. "Tôi đã tới tiêm liều vaccine thứ hai mà không cần ai nhắc nhở".
Trung tâm PeaceHealth điều hành các phòng khám, bệnh viện trên khắp vùng Tây Bắc nước Mỹ, nay đã chủng ngừa khoảng 3.000 công nhân tại Washington. Chưa có vấn đề nghiêm trọng nào được báo cáo, giám đốc điều hành bệnh viện Charles Prosper nói.
Đầu tháng 1, PeaceHealth bị chậm nguồn cung vaccine cho liều thứ hai trong hai ngày. Song, trước đó, hệ thống đã dự trữ đủ liều kịp thời thay thế lô hàng chậm trễ.
Trong khi đó, một số vùng không đảm bảo chắc chắn nguồn cung. Bang Florida chỉ đạo các bệnh viện dùng hết vaccine cho đợt tiêm đầu tiên, tạo thêm áp lực cho nhà sản xuất khi lịch tiêm liều thứ hai bắt đầu.
"Chắc chắn điều này khiến mọi người lo lắng", Mary Mayhew, chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Florida, nói. "Tất cả tổ chức đều muốn nhân viên được tiêm theo đúng lịch hẹn. Điều này rất khó trong khi không chắc chắn về thời gian nhận các lô hàng mới".
Mayhew cho biết các liều vaccine Pfizer đợt hai đã được phân phối theo kế hoạch. Cô tự tin các lô vaccine của Moderna cũng sẽ đến đúng thời gian.
Với số lượng người đủ điều kiện tiêm liều thứ hai quá cao, trong đó có hơn 4 triệu người già, Florida đang khẩn trương xem xét lại các nguồn cung.
"Rất nhiều bệnh viện đã không còn hoặc sắp hết vaccine trong vài ngày tới. Điểm mấu chốt là cầu hoàn toàn vượt xa cung", Mayhew nhấn mạnh.
Trở ngại trong quá trình triển khai tiêm chủng nhiều liều vốn tồn tại từ lâu.
"Mùa hè năm ngoái tôi đã quan ngại về liệu trình tiêm hai liều", tiến sĩ Mark Fendrick, Đại học Michigan, chia sẻ.
Fendrick cho hay tài chính - một trong những rào cản lớn nhất - đã được gỡ bỏ nhờ chương trình tiêm chủng miễn phí. Song vẫn còn nhiều vấn đề khác, như việc người dân cần nghỉ làm, lo ngại về tác dụng phụ, hay suy nghĩ "một liều vaccine là đủ tạo kháng thể".
Ông gợi ý nên nhắc nhở từng cá nhân về lịch trình tiêm chủng, thưởng một khoản tiền nhỏ sau khi mỗi người hoàn thành liều tiêm cuối cùng. "Không thể để chặng cuối cùng của hành trình vaccine Covid-19 ngăn cản con người quay trở lại cuộc sống bình thường".
Lê Hằng (Theo NPR)