Sớm tinh mơ một ngày cuối tháng 9/2018, đâu đó giữa Athens và Sparta, Hy Lạp, một nhóm nhỏ VĐV đang mệt mỏi di chuyển. Trời vẫn tối, và mưa thì nặng hạt. Các VĐV này đang trong cuộc đua ultramarathon (cự ly 246 km) tại giải Spartathlon.
VĐV dự Spartathlon xuất phát trong màn đêm từ thành cổ Acropolis, thủ đô Athens, hướng về đích ở thị trấn Sparta. Giải chạy được tổ chức thường niên để mô phỏng lại hành trình của Pheidippides, người truyền tin của thành Athens tới Sparta vào năm 490 trước Công nguyên.
Theo lịch sử Hy Lạp, Pheidippides đã hoàn thành hành trình Athens - Sparta trong một ngày rưỡi để triệu tập các binh sĩ Sparta. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn với việc chạy 26 dặm (42 km) từ Vịnh Marathon tới Athens – nguồn gốc của cụm từ "marathon".
Spartathlon diễn ra lần đầu năm 1983. Thời gian hoàn thành kỷ lục 20 giờ 25 phút được VĐV huyền thoại người Hy Lạp Yiannis Kouros thiết lập một năm sau đó. Nhiều VĐV hậu bối vẫn đang nỗ lực vượt qua mốc này nhưng chưa ai thành công.
Các giải chạy ultramarathon trở nên phổ biến trong những năm qua, kéo theo đó là những nghiên cứu khoa học và cơ học về cách cơ thể hoạt động trong điều kiện cực đoan.
Hiển nhiên, bất cứ ai tham gia ultramarathon đều phải chạy trong một thời gian rất dài. Vậy chúng ta cần làm gì để có được sức bền – cả về thể chất lẫn tinh thần? Các VĐV có bí quyết gì để giữ động lực và duy trì bước chạy trong cuộc đua?
Spartathlon 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi do ảnh hưởng từ bão Zorba. Dù vậy, Dean Karnazes vẫn quyết định đẩy bản thân tới giới hạn. Đây là lần thứ hai anh tham gia Spartathlon, và Karnazes khởi đầu không mấy thuận lợi - phần hông của anh vẫn bầm tím do bị ôtô đâm. "Đó là vấn đề thực sự. Bạn biết đấy, cả cơ thể bạn đau", VĐV này nói.
Theo Karnazes, yếu tố tâm lý quan trọng nhất khi chạy đường dài. "Nó thực sự khiến bạn nhụt chí, một cách từ từ. Tôi vẫn tiến về phía trước. Dù không suôn sẻ, không nhanh, tôi vẫn di chuyển. Hãy sút vào mông tôi và cổ vũ tôi hãy tiếp tục cuộc đua nào". Karnazes sau đó khuất dần vào màn đêm với cơ thể vẫn đau nhức.
Giới hạn tốc độ
Mark Burnley, nhà sinh lý học về sức bền tại Đại học Kent của Anh, đã tìm hiểu yếu tố sinh học ẩn sau khả năng chạy nhanh của một số người với nhiều cự ly khác nhau, từ nước rút đến ultramarathon.
Trong chạy đường dài, có ba tham số sẽ quyết định hiệu suất của bạn, Burnley nói với Crowscience. Trước hết, bạn cần có VO2 max (VO2 tối đa) cao. Đây là tốc độ tiêu thụ oxy tối đa của cơ thể khi tập luyện cường độ cao.
Thứ hai là ngưỡng lactate cao, tức là tốc độ cao nhất bạn chạy mà không tạo ra lượng lactate nhiều hơn khả năng đào thải của cơ thể. Thứ ba, bạn cần có sử dụng hợp lý nguồn lực của cơ thể, giống như tiết kiệm nhiên liệu cho ôtô, để chinh phục quãng đường.
"Khi kết hợp những yếu tố trên lại, bạn sẽ chạy marathon nhanh", Burnley nói.
Kỷ lục về thời gian chạy marathon thế giới hiện là 2 giờ 1 phút 39 giây do vận động viên người Kenya Eliud Kipchoge thiết lập tại giải Berlin Marathon, Đức, hôm 16/9/2018. Con người liệu có thể chạy nhanh hơn vậy không? Việc thành tích chạy marathon dưới hai giờ xuất hiện chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù vậy, cơ thể con người vẫn có một số yếu tố bị giới hạn.
"Cơ thể có hai hệ thống vận chuyển năng lượng quan trọng. Đó là chuyển hóa hiếu khí - sử dụng oxy phân tử từ không khí, và chuyển hóa yếm khí – quá trình chuyển hóa không cần oxy", Burnley cho biết. Lý do bạn không thể chạy nước rút với cự ly marathon là cơ thể không cung cấp năng lượng đủ nhanh bằng hệ thống hiếu khí.
Các VĐV ultramarathon rõ ràng chạy chậm hơn rất nhiều so với người chạy marathon nhanh nhất. Thông thường, họ có xu hướng hoàn thành 42 km đầu tiên trong thời gian khoảng 3 - 4 giờ. Tuy nhiên, họ vẫn còn gần 5 cự ly marathon nữa cần chinh phục.
"Sức chịu đựng, đặc biệt là siêu chịu đựng, giúp hạn chế tổn thương bạn gây ra cho cơ", theo Burnley. "Khi chạy 5.000 m và 10.000 m, chúng ta thường nói về một tốc độ nào đó cần đạt được và duy trì nó. Nhưng chạy cự ly siêu dài, bạn chỉ cần cố hoàn thành cuộc đua".
Trong thực tiễn, hành động trên nghĩa là điều chỉnh lại tốc độ. "Mục tiêu của một VĐV chạy đường dài là cố gắng chạy với chân nâng ít nhất có thể, giảm tối đa tổn hao năng lượng", Burnley nói.
Sức khỏe tâm trí
Tâm trí là một trong những yếu tố tiềm ẩn sự hạn chế lớn nhất, ngay cả đối với các vận động viên.
Trở về Hy Lạp, lần gần nhất Karnazes xuất hiện là khi anh lê chân vượt qua một ngọn núi trong bóng đêm cùng màn mưa tới tấp. Là một VĐV ultramarathon dày dạn, anh biết cần phải có sức mạnh tâm lý phi thường để liên tục tiến bước.
"Có những lúc bạn cảm thấy rất mạnh mẽ, bạn tin mình có thể chạy mãi mãi", Karnazes chia sẻ. "Một lúc sau đó, bạn lại nghĩ 'phải dừng lại thôi, đau quá, mình không thể đến được góc kia mất'. Bạn vượt qua bức tường đó, xuất hiện ở phía bên kia và lại cảm thấy mạnh mẽ".
Chạy đường dài đi đôi với sức bền tinh thần. Đây là điều không cần bàn cãi. Theo BBC, có những nhà sư Nhật Bản chạy 1.000 cuộc marathon trong 1.000 ngày để hướng đến sự khai sáng. Có những người sẵn sàng tham gia giải Self-Transcendence cự ly lên tới 3.100 dặm (4.989 km).
Self-Transcendence được Sri Chinmoy Marathon Team tổ chức tại Queens, New York, từ tháng Sáu đến tháng Tám hàng năm. Người tham gia sẽ chạy 5.649 vòng quanh một khu phố ở Jamaica, Queens - chiều dài ước tính 883 m, trong thời gian 52 ngày, để tìm giới hạn bản thân và vượt qua nó.
"Một số bằng chứng cho thấy người tham gia những sự kiện 'siêu bền bỉ' có ngưỡng chịu đau đớn cao hơn", Carla Meijen, nhà tâm lý học thể thao chuyên về sức bền tại Đại học St Mary’s, London, nói. "Chúng tôi không biết khả năng chịu đau đớn đó có được có phải nhờ vượt qua những thử thách hay nó là thứ họ đã có ngay từ đầu".
Theo các nghiên cứu, khoảng một nửa người tham gia ultramarathon có những thay đổi đáng kể về tình trạng tâm thần. "Bạn có thể cảm thấy mất phương hướng một chút, rối loạn một chút", Meijen cho biết. "Tôi nghĩ quan trọng nhất là khả năng tự điều chỉnh, cách bạn ứng phó tình hình".
Đây là điều Karnazes biết rõ. "Tôi nghĩ nửa đầu cuộc đua, bạn chạy bằng đôi chân còn nửa sau là bằng tinh thần", anh chia sẻ về Spartathlon. "Có những thời điểm cơn đau kiểm soát cơ thể, bạn cần đánh giá được tình hình: cơ thể đau đớn, cơn đau sẽ không biến mất và phải ứng phó được nó".
Khi cơ thể đã kiệt sức, bí quyết tâm lý nào có thể giúp chúng ta vượt qua giới hạn bản thân?
Theo Meijin, điều quan trọng là phải sẵn sàng cho tình huống này. Trước cuộc đua, bạn cần dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ để chuẩn bị cách ứng phó.
Trong cuộc đua, khi não bộ muốn bạn dừng lại vì đau đớn, hãy đánh lạc hướng nó. "Có thể là nạp thêm dinh dưỡng hoặc nghĩ về cách bạn tự thưởng bản thân khi về đích", Meijin gợi ý. Một số chiến lược chủ động điều tiết như tự động viên hoặc thư giãn cũng hiệu quả. Dù lựa chọn cách nào, bạn cũng cần phải thực hành trước.
'Ngủ dồn'
Mệt mỏi và thiếu ngủ cũng là trở ngại lớn với những người chạy xuyên đêm, thậm chí là nhiều đêm liền. Một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn người chạy cố gắng "ngủ dồn" trước cuộc đua dài bằng cách ngủ nhiều hơn trong đêm hoặc chợp mắt trong ngày.
Các VĐV chuyên nghiệp có cần ngủ khi chạy đua hay không còn phụ thuộc vào chiều dài quãng đường. Với chặng đua dưới 36 giờ, như Spartathlon, phần lớn họ đều chạy một mạch, không ngủ. Với những cự ly dài hơn, họ thường chợp mắt một hoặc nhiều lần, mỗi lần từ 10 đến 30 phút. Hầu hết chọn ngủ tại các trạm hỗ trợ, nơi có tình nguyện viên cung cấp đồ ăn và nước uống, vào buổi tối.
Chiến lược chợp mắt mang lại kết quả thú vị. Một nghiên cứu khoa học dựa trên các VĐV dự Tor des Géants - giải chạy 330 km trên vùng núi tại Italy - cho thấy sự mệt mỏi và tổn thương ít hơn bình thường ở những người mới chỉ chạy nửa quãng đường. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong cuộc đua dài, chạy chậm hơn và chợp mắt có hiệu quả bảo vệ đáng kể lên các cơ bắp.
Về đích
Đích đến đã trong tầm mắt đối với 239 trong 381 VĐV đang hướng về Sparta, nhưng Karnazes vẫn chưa xuất hiện. Một cuộc điện thoại chóng vánh diễn ra sau đó và Karnazes nói anh không thể hoàn thành.
"Mưa suốt 24 giờ. Nó đã ảnh hưởng đến tôi", Karnazes chia sẻ. "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy khuây khỏa... không có điều gì đảm bảo bạn sẽ về đích. Tôi rất khâm phục những người tham gia giải này".
Tại vạch đích, rõ ràng, cái giá cơ thể phải trả cho cảm giác phấn khích tuyệt vời không hề nhỏ. Một số VĐV ngã gục, trong số này có Cat Simpson. Chân chạy nữ người Anh phải nằm trên cáng, đắp chăn bên cạnh hai túi truyền.
Rõ ràng, chạy đường dài như vậy là tìm cách đẩy bản thân vượt giới hạn và không gục ngã trước vạch đích.
Dora Papadopoulou là bác sĩ phẫu thuật thể hình và tư vấn y tế thể thao tại Trung tâm phục hồi chức năng Headley Court, Anh. Bà đã chăm sóc các VĐV kiệt sức được chuyển đến đây suốt 10 năm qua. Papadopoulou liệt kê những trường hợp chấn thương thường gặp gồm rộp da, chuột rút, các vấn đề về cơ.
Quá trình phục hồi sau chạy đường dài của cơ thể cũng rất đáng chú ý. Nghiên cứu đối với các VĐV tham gia Spartathlon cho thấy ngay sau cuộc đua, mẫu máu của họ - giống như người sắp chết, theo mô tả của bác sĩ Papadopoulou - trở lại bình thường chỉ trong vài ngày.
Với Simpson và những người về đích khác, giải chạy đã hoàn tất.
"Cảm giác phần nào giống như mơ vậy. Khi chạy được khoảng 70 dặm (hơn 110 km), tôi nghĩ mình sẽ không thể vượt qua màn đêm và giông bão", Simpson nhớ lại. "Tôi sẽ không bao giờ chạy như vậy nữa. Không bao giờ".
VnExpress Marathon (VM) là giải chạy thường niên. Giải năm nay - VM 2019 - do báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Uỷ ban Nhân dân và Sở Văn hoá, Thể thao & Du Lịch tỉnh Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn vào ngày 9/6. Ban tổ chức đặt mục tiêu thu hút 5000 người chạy, ở bốn cự ly: 5km, 10km, bán marathon (21km) và full marathon (42km). Đối tượng tham dự là người yêu chạy bộ ở mọi lứa tuổi, các VĐV chuyên nghiệp, bán chuyên, nghiệp dư trong nước và quốc tế. Bên cạnh các hoạt động thể thao, khám phá đường chạy và quay xổ số may mắn, VM 2019 là dịp để người chạy tham gia làm từ thiện. Với phương châm "mỗi bước chạy của bạn sẽ góp một viên gạch vào chương trình ánh sáng học đường, nhằm cải thiện điều kiện học tập của các em học sinh", ban tổ chức sẽ trích 10% từ tổng số tiền đăng ký dự giải của các VĐV, đóng góp vào Quỹ Hy vọng của báo VnExpress. VM 2019 mở cổng đăng ký từ 15/1/2019, tại địa chỉ https://vm.vnexpress.net/dang-ky-chay, hoặc https://events.pouchnation.com/event/vm2019. |
Anh Vũ