Sau mấy chục năm sinh sống ở nước ngoài, cậu tôi hồi hương với số tiền gần 300 nghìn USD. Mấy lần về nước trước, cậu vẽ ra những kế hoạch bắt đầu lại cuộc sống mới với rất nhiều đề mục.
Nhưng đến giai đoạn sắp sửa về luôn thì cậu bị sốc khi đi tìm hiểu và mua nhà ở Sài Gòn. Cậu kêu trời khi nghe người môi giới giới thiệu một căn nhà có diện tích 140 m2, một trệt, hai lầu, bề ngang 5,2m được báo giá 21 tỷ đồng không thương lượng. Căn nhà này nằm trong một con hẻm ở quận gần trung tâm Sài Gòn.
Nếu bán hết tài sản bên Mỹ, cộng với việc nhờ con trai làm trong ngành dầu khí của nước này hỗ trợ một ít, tôi nghĩ cậu thừa sức mua được, nhưng sau khi xem cả chục căn, cậu nói: "Nhà một lầu hay hai lầu cũng đều là nhà ống mà nhà nào cũng kêu giá cả triệu USD, thật không đáng".
Sau đó, cậu tôi quyết định về phía ngoại ô xa hơn, mua một mảnh đất rộng, cất một căn nhà. Nhà có vườn, vài luống rau, ao cá. Không phải chỉ mình cậu tôi mà rất nhiều người đã nhìn ra sự vô lý của các căn nhà ống bít bùng được rao bán với giá cả triệu USD như đã kể.
Trong khi thị trường BĐS ảm đạm, các loại hình bất động sản đầu cơ như biệt thự, nhà xây sẵn ở các khu đô thị mới không có giao dịch mấy tháng qua, một số người đánh giá nhà phố ở các quận trung tâm vẫn là thứ đáng mua hơn bao giờ hết, bởi giá tăng theo thời gian, đặc biệt là tính thanh khoản không bị ảnh hưởng nhiều cũng như không bao giờ có vụ tuột giá thê thảm.
Trong vài chục năm qua, với đặc điểm đô thị Việt Nam, nhà ống đã trở thành một biểu tượng của kiến trúc dân dụng ở Sài Gòn nói riêng và khắp cả nước nói chung. Nó cũng phản ánh cuộc sống của nhiều gia đình, thay đổi thói quen và cách thích nghi của người ở với căn nhà.
Giả tỷ như để phòng trộm, người ta sẵn sàng lắp thêm chuồng cọp, rào giếng trời thông gió lại, lắp rào sắt bít bùng hay một tấm cửa cuốn để yên tâm hơn. Tận dụng triệt để không gian, một số gia đình làm vườn rau, ao cá, nuôi cả gà trên sân thượng để không gian có thêm một chút xanh, được ăn thực phẩm sạch và vô tình làm phiền hàng xóm.
Với diện tích đất hạn chế, người ta chỉ có thể xây được một căn nhà ống, thiếu ánh sáng và không khí tự nhiên, thiếu không gian mở rộng như sân, vườn cây xung quanh nhà, gặp rắc rối khi chia tách các phòng chức năng, không gian sống của gia đình. Tôi từng đến nhà một người bạn chơi và bối rối khi phải khom người vào nhà vệ sinh vì nó được xây ngay dưới chân cầu thang để tối ưu hoá diện tích.
Rõ ràng, một căn nhà ống với giá triệu USD không tương xứng với diện tích và không gian sống mà nó cung cấp cho một gia đình. Nhưng vì lý do tiện lợi, gần trung tâm, nhiều người vẫn đổ số tiền lớn vào mua, trong khi số tiền này có thể đẻ ra tiền nhờ làm rất nhiều việc khác, chẳng hạn như kinh doanh.
Để giải quyết sự "vô lý" này, tôi nghĩ chỉ còn một cách là quy hoạch và xây thật nhiều tuyến đường kết nối thành phố với những vùng phụ cận. Hễ tiện đi lại, không kẹt xe, giao thông công cộng kết nối vào trung tâm thuận lợi thì sẽ không ai có cả triệu USD mà chọn mua những căn nhà ống nữa. Lúc đó, họ sẽ tản ra những vùng lân cận thành phố để hưởng cuộc sống vừa có nhà, vừa có sân vườn.
Minh Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.