Trái ngược với câu chuyện chớp thời cơ sốt giá để bán đất đổi đời trong bài viết 'Tội' cho người mua một mẫu đất giá 5,5 tỷ của gia đình tôi, độc giả Huong Han kể về trường hợp một gia đình nông dân đã mất cơ hội vì nghĩ giá đất sẽ còn tiếp tục tăng:
"Đất sốt giá ảo khi nhà nhà người người đi mua đất. Quê gốc tôi ở tỉnh Hoà Bình, nơi đây đất ngoài trồng khoai với sắn ra thì không còn làm được việc nào khác. Vậy mà cuối năm 2021, mảnh đất của hàng xóm kế nhà mẹ tôi có người trả giá 35 tỷ đồng.
Cơ hội là vậy nhưng sau đó gia đình này không chớp thời cơ để bán, vì nghĩ sẽ còn được giá tốt hơn. Bây giờ kêu bán với giá ba tỷ đồng nhưng không 'ma' nào ngó. Vậy đó, người tham gia thị trường phải tỉnh táo, nếu a dua mua theo đám đông thì chết chắc.
Tôi là phụ nữ, những năm 2020 -2021-2022 tôi cũng kiếm được khá nhiều tiền từ bất động sản (BĐS). Khi 'nước rút', tôi vẫn còn vài lô chưa bán, nhưng chưa bao giờ tôi thấy tiếc nuối hay cảm thấy ân hận hay gì cả, bởi vì cho dù giá lên hay nó xuống thì vẫn còn mảnh đất ở đó, chứ chứng khoán lúc giá giảm còn 'đôi dép' thì chắc lúc ấy ngồi khóc chăng?
Tôi không khoe nhưng có khá nhiều BĐS ở khắp nơi, toàn những mảnh đất mà nhiều người mơ ước. Tôi không ham rẻ, không đu theo đám đông, lợi nhuận không cần nhiều, chỉ cần đẩy hàng nhịp nhàng. Cuối cùng là không vay nợ ngân hàng, thế là cứ gối cao đầu và ngủ ngon thôi. Đây là cách tôi đã làm trong hơn 10 năm tham gia thị trường.
Tôi phải nói với các bạn rằng đầu tư BĐS có rất nhiều yếu tố, thứ nhất duyên, thứ hai lô đất bạn mua nó có thật sự tiềm năng? Thứ ba giá cả ban đầu đã chuẩn xác chưa?
Trong vấn đề này phải quyết đoán, tự cảm nhận không được nghe bất cứ ai khuyên theo kiểu cảm tính. Với tôi mỗi năm lướt vài lô đất mang về số tiền không nhỏ, tôi lại lái xe đi tỉnh khác mua.
Tôi tự hào rằng chưa kèo nào dở và chưa bao giờ phải vay ngân hàng, vì vậy đất tôi mua xong cầm sổ đỏ về cất, ai thích tôi bán lại, không thì thôi. Tôi chưa bao giờ chào bất cứ ai. Tôi thấy nếu muốn tham gia thị trường bất động sản kiếm lời, yếu tố tài chính vững chưa đủ mà phải có duyên với nó mới làm được".
Trong dòng câu chuyện, độc giả Vũ Đức Vân kể về trường hợp một người mua đầu tư đang kẹt trong lô đất 1,2 ha:
"Ở nơi tôi ở, có một người đầu tư bất động sản đã mua 1,2 ha đất với giá 25 tỷ, bây giờ nếu rao bán, chẳng biết có chốt được giá 13 tỷ đồng hay không. Đất đai tăng giá mấy năm qua có bao nhiêu người vui thì cũng có bằng ấy người buồn, có người cầm cố sổ đỏ vay mua đất giờ cả nhà đi ở trọ.
Giữa tháng 4, các loại nhà đất tích trữ chờ tăng giá chịu cảnh ế ẩm, hạ giá 30-50%, nhiều chủ tài sản đang phải cắt lỗ để thoát hàng do ngộp tài chính. Ở phía ngược lại, một số nông dân đã nắm bắt cơ hội, bán khi đất sốt để 'đổi đời' nhưng cũng có những người đã trót để tiền kẹt trong đống tài sản".
Độc giả Trần Hữu Phú bình luận: "Lúc 'cò' không còn thổi giá, sốt đất đi qua thì nhiều người đã vỡ mộng vì đất không còn giữ giá như lúc mua. Nhiều người bị thao túng tâm lý do "cò" thổi giá BĐS, từ những lô đất bùn lầy, chỉ để canh tác nông nghiệp thì họ hô biến thành đất vàng, kim cương. Lúc ngã ngũ thì đất bùn vẫn là đất bùn, nói chung bài học này hơi chua chát".
Dù đất hạ giá, người mua có tâm lý đầu tư lúc này khá rủi ro, phải trả giá thấp để tránh bị hớ. Độc giả than05101980 đánh giá trong thời điểm sốt đất, ai chớp thời cơ bán được giá cao là rất may mắn, còn ai lỡ mua thì học được bài học rất lớn:
"Giá đất đã tăng lên nhiều lần trong vài năm sốt đất vừa rồi. Vậy nên việc giảm 30% hay 50% thì giá vẫn còn cao. Chủ đất đang ở kèo dưới vì dự định ban đầu mua để bán lại chốt lời, họ không đầu tư gì trên đất cả. Chưa kể nếu mua đất bằng vốn vay thì sau vài năm không bán được thì lãi vay sẽ ăn hết tiền đất.
Giá đất hiện nay dù giảm, dù hạ giá cắt lỗ nhưng suy cho cùng nếu có giao dịch mua bán cũng chỉ là thấy rẻ mua để đó, đợi giá lên sẽ bán, chứ hoàn toàn không có chuyện mua đất để sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị thặng dư".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.