Quê tôi ở vùng nông thôn miền núi ngoại thành Hà Nội. Bà hàng xóm cạnh nhà tôi có ba người con, đều tứ tán khắp nơi để mưu sinh. Ông bà phải cưu mang năm đứa cháu khi các con làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, lại chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Dẫu vậy, cuộc sống của ông bà và mấy đứa cháu vẫn ổn, vì nói như bà: "Dăm sào vườn mà chịu khó chút cũng sống khỏe".
Trên mảnh vườn vài nghìn m2 của ông bà, mùa nào thức nấy, ngoài tự cung tự cấp, ông bà còn dành dụm được một chút để phòng thân. Nhưng sự bình ổn của ông bà bắt đầu bị xáo động khi có tin mảnh đất sẽ thuộc diện quy hoạch để nhường chỗ cho một khu resort.
Đất đai quanh nhà bà, nơi không có nguy cơ bị thu hồi tăng lên chóng mặt, còn ông bà thì như ngồi trên đống lửa. Đất nhà bà, dù đã có sổ đỏ, nhưng diện tích thổ cư chỉ vài trăm m2, còn lại là đất trồng cây lâu năm, thuê có thời hạn của nhà nước. Nếu bị thu hồi, phần diện tích đất thổ cư sẽ được bồi thường "nhỉnh" hơn một chút, còn diện tích đất vườn thì không đáng kể. Giả sử có được bố trí ở nơi tái định cư, thì may lo được chỗ ở, chứ lấy gì để nuôi mình, nuôi các cháu?
Trong một nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều địa phương đã kêu gọi, trải "thảm đỏ" để mời các nhà đầu tư, với kỳ vọng làm thay đổi tổng thể diện mạo ở những nơi có nhiều tiềm năng. Trong đó, khai thác để phát triển du lịch có sức hút hơn cả. Không có gì lạ khi nhiều dự án đất đai đều liên quan đến việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch. Nhà đầu tư quảng cáo rầm rộ, chính quyền địa phương hoan hỉ đưa vào báo cáo thành tích về thu hút đầu tư, thì rất nhiều người dân lâm vào cảnh sống tạm bợ, không kế mưu sinh.
>> Có năm bất động sản nhưng không sống dựa vào đất
Cho dù trong các luận chứng kinh tế của dự án luôn có cam kết "tạo công ăn việc làm, đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống người dân". Nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Quỹ đất sạch mà chính quyền địa phương nỗ lực để giao cho doanh nghiệp, nếu không được mau chóng triển khai sẽ trở thành quỹ đất hoang "có chủ". Nơi ngày xưa từng là "bờ xôi, ruộng mật", là kế mưu sinh của bao thế hệ người nông dân, sau khi về tay doanh nghiệp lại là nơi để cỏ dại xâm chiếm.
Câu chuyện vừa qua của một đại gia sau khi vướng vòng lao lý đã để lộ ra quá nhiều bất cập ở mặt trái của các dự án đầu tư bất động sản tại nhiều địa phương. Nhưng có thể nó vẫn chưa trở thành bài học đắt giá cho một tầm nhìn chiến lược gắn với phát triển bền vững. Trong khi phát triển bền vững không chỉ là sự chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học.
Rõ ràng, việc lập các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch tại những vùng có hệ sinh thái tự nhiên lâu đời, ổn định, người dân đang an cư, lạc nghiệp sẽ phá vỡ thế chân kiềng của sự phát triển. Tăng trưởng "nóng" luôn đe dọa sự mất ổn định, mất cân bằng giữa cung - cầu, nhất là về đất đai. Và hệ lụy là những người thu nhập thấp sẽ không có đủ khả năng sở hữu một mảnh đất nhỏ hay một căn nhà để an cư. Bởi giá đất, giá nhà tỷ lệ thuận theo số lượng các dự án ngày càng tăng.
Quay trở lại câu chuyện bà hàng xóm mà tôi đã nói ở trên, ai dám chắc rằng,cuộc sống của những người dân như gia đình bà sau khi đất bị thu hồi sẽ bình ổn? Và trong cơn bĩ cực, liệu họ có đủ bình tĩnh, sáng suốt để không có những phản ứng dại dột? Rồi con cháu họ, khi nguồn sống bị ảnh hưởng, hệ luỵ về mặt xã hội sẽ ra sao? Chưa kể, ở nơi thảm cây xanh bạt ngàn giúp tiêu thụ lượng khí phát thải từ khu vực đô thị và các khu công nghiêp, giờ thay thế bằng các cao ốc, các dịch vụ hiện đại, liệu môi trưởng sinh thái sẽ thế nào...?
Đã đến lúc, chúng ta phải có tư duy phát triển bền vững đối với các dự án đất đai. Và sự thận trọng đó phải nhất quán, đồng bộ từ chính quyền cơ sở đến các cấp lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.