"Chúng tôi nghĩ nên cho phép họ vô hiệu hóa các căn cứ quân sự được Nga sử dụng để phóng tên lửa và tấn công Ukraine", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo chung ngày 28/5 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Berlin.
Đây là phát biểu trực diện nhất của một lãnh đạo phương Tây về "quyền đáp trả" của Ukraine với Nga, điều mà NATO đã né tránh và tranh luận trong thời gian rất dài. Đây là vấn đề đã được giới lãnh đạo Ukraine nêu ra từ lâu, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nước viện trợ hàng đầu, trong đó có Mỹ và Đức, với lo ngại rằng việc để Ukraine dùng tên lửa tầm xa do họ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ khiến xung đột leo thang nghiêm trọng, tăng nguy cơ nổ ra đụng độ trực tiếp giữa NATO với Moskva.
Sau nhiều ngần ngại, Mỹ năm ngoái đồng ý chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine, nhưng với điều kiện ràng buộc là Kiev chỉ được sử dụng chúng để tấn công các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, kể cả bán đảo Crimea, nhưng không được phép tập kích mục tiêu bên kia biên giới. Ukraine đến nay vẫn tôn trọng cam kết này, do lo ngại nguy cơ bị Mỹ cắt viện trợ nếu vi phạm.
Nhưng khi tình hình chiến trường ngày càng khó khăn, lời kêu gọi của Ukraine càng trở nên khẩn thiết. Nga nhận ra sự ràng buộc trong cách sử dụng vũ khí của Ukraine và đã tận dụng, tập trung lực lượng ngay sát biên giới để phát động các cuộc tấn công mà không lo bị tập kích.
"Họ có thể khai hỏa bất kỳ vũ khí nào nhằm vào chúng tôi từ lãnh thổ của họ. Đây là lợi thế lớn nhất Nga có. Chúng tôi không thể làm gì với các hệ thống của họ, vốn nằm trên lãnh thổ Nga, bằng vũ khí phương Tây", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn AFP ngày 17/5.
Quan điểm này được lãnh đạo Ukraine nhắc lại trong nhiều cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây sau đó. "Tôi nghĩ không nên áp bất cứ hạn chế nào bởi đây không phải hành động tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây", ông Zelensky nói. "Đây là tự vệ".
Tình hình chiến trường và những lời kêu gọi khẩn thiết của Ukraine đã châm ngòi làn sóng tranh cãi quyết liệt trong NATO, khi các quốc gia thành viên công khai thể hiện sự bất đồng. Tuy nhiên, làn sóng tranh luận đang dần nghiêng về hướng có lợi cho Kiev.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24/5 cho rằng việc cấm Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó phòng thủ.
"Đã tới lúc các đồng minh NATO xem xét liệu có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với vũ khí đã viện trợ cho Ukraine hay không", theo ông Stoltenberg.
Mỹ luôn kiên quyết rằng Ukraine không được phép sử dụng vũ khí được viện trợ để nhắm mục tiêu Nga, nhưng Washington dường như cũng đang hướng tới nới lỏng yêu cầu này. Một số thông tin cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đang thúc đẩy Nhà Trắng thay đổi quan điểm, sau khi Nga mở chiến dịch tiến công bất ngờ ở tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine.
Trong chuyến thăm Kiev ngày 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ám chỉ giờ có thể là lúc cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công mục tiêu ở bên kia biên giới. "Chúng tôi không khuyến khích hay cho phép tập kích ngoài lãnh thổ Ukraine, nhưng sau cùng, Ukraine là bên phải tự ra quyết định về cách tiếp tục cuộc chiến này", ông Blinken nói.
Nhật báo Italy Corriere della Sera nhận định việc Nga mở chiến dịch tấn công Kharkov chính là "lằn ranh đỏ" với quan điểm của phương Tây. Đầu chiến sự, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo Kharkov sẽ là vùng thứ 5 tại Ukraine sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, đợt tấn công của lực lượng Nga vào Kharkov khi đó đã bị đẩy lùi.
"Ukraine lo ngại Nga quyết thực hiện mục tiêu chiếm Kharkov. Hệ quả kinh tế khi đó sẽ nghiêm trọng hơn so với việc Donetsk hay Mariupol thất thủ. Kharkov là vùng đóng góp nhiều thứ ba cho GDP Ukraine, sau Kiev và Dnipropetrovsk, cũng là khu vực có nguồn dự trữ khí tự nhiên lớn nhất nước này. Moskva dường như muốn buộc người dân khu vực phải sơ tán để chuẩn bị cho đợt tấn công mới vào mùa hè", tờ báo viết.
Dù vậy, nội bộ NATO vẫn tồn tại bất đồng đáng kể trong vấn đề này. Thủ tướng Đức Scholz tái khẳng định tính hiệu quả của chính sách hiện tại và phản đối việc "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí của Đức để tấn công lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi đã nhất trí với Ukraine về những quy định rõ ràng trong việc sử dụng vũ khí Đức cung cấp. Và chúng hiệu quả, ít nhất là tôi cho là vậy", ông Scholz trả lời truyền thông tại một sự kiện ở Berlin ngày 26/5.
Theo ông Scholz, hạn chế mà Đức đưa ra với Ukraine nhằm tránh chiến tranh với Nga leo thang. Đây cũng là lý do khiến Đức chưa cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani có chung quan điểm, nhấn mạnh các nước đồng minh nên tiếp tục thúc đẩy hòa bình.
Các quan chức này cho rằng nếu cho phép Ukraine tăng cường độ tập kích lãnh thổ Nga, cánh cửa đàm phán với Moskva sẽ khép lại và phương Tây sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong nỗ lực chấm dứt chiến sự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski lại ủng hộ Ukraine tập kích mục tiêu Nga, kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các hạn chế tự thiết lập và tăng cường ủng hộ Kiev.
"Ngay từ đầu, chúng ta đã phạm sai lầm khi áp hạn chế với Ukraine, bởi chúng ta cho rằng điều đó sẽ khiến chiến sự leo thang", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói. "Ukraine phải được phép tập kích vào lãnh thổ Nga, hệ thống hậu cần. Chỉ có một bên tuân thủ các quy tắc. Đó là những quy tắc chúng ta tự áp đặt. Chúng ta cần phải từ bỏ chúng".
Ukraine đã tập kích sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước này tự sản xuất, chủ yếu là UAV, nhằm vào hạ tầng năng lượng của Moskva. Tuy nhiên, nguồn lực của Ukraine có hạn và sử dụng vũ khí phương Tây có thể giúp Kiev tăng nhịp độ tập kích, từ đó hạn chế Moskva phát động các đợt tấn công.
Nếu vũ khí tầm xa của Mỹ được sử dụng trong các cuộc tập kích, hậu phương Nga sẽ không còn an toàn. Động thái có thể buộc Nga phải đưa các hệ thống phòng không và tiêm kích từ tiền tuyến về để bảo vệ hạ tầng quan trọng, Christopher Morris, giảng viên Trường Chiến lược, Marketing và Đổi mới, Đại học Portsmouth, Anh nhận định.
Hệ lụy tiềm ẩn cũng sẽ khiến giới chức phương Tây phải cân nhắc kỹ. Căng thẳng giữa Nga và các nước NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine nguy cơ leo thang, có thể khiến Moskva có động thái đáp trả nhằm vào thành viên liên minh.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo châu Âu "đang đùa với lửa" khi thảo luận về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông cho hay nhiều quốc gia châu Âu có "lãnh thổ nhỏ" và "dân số dày đặc", dường như ám chỉ về hậu quả của đòn tấn công hạt nhân.
"Họ nên lưu ý những vấn đề này trước khi bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đó là vấn đề nghiêm trọng đối với họ", Tổng thống Nga nói. Ông Putin hồi đầu tháng cũng ra lệnh cho quân đội Nga tiến hành cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine để phản ứng với "các hành động khiêu khích" từ phương Tây.
Chuyên gia Morris cho rằng lời cảnh báo hạt nhân từ Điện Kremlin thường chủ yếu mang tính răn đe, nhưng cũng không thể phớt lờ. Học thuyết hạt nhân Nga cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xuất hiện hành động thù địch chống lại Nga và đồng minh, đe dọa sự tồn vong của đất nước.
Điện Kremlin có thể cho rằng việc Ukraine dùng vũ khí NATO tập kích các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ là "hành động thù địch" như vậy và châm ngòi phản ứng hạt nhân, có thể là bằng các loại đầu đạn chiến thuật cỡ nhỏ.
Nhưng Ukraine đã bác bỏ khả năng này, cho rằng Nga sẽ không thể sử dụng vũ khí hạt nhân dù là nhỏ nhất trên chiến trường, bởi bụi phóng xạ sẽ theo gió phát tán về phía đông, đe dọa các vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga.
"Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia có thể thực hiện biện pháp tự vệ bằng cách tập kích mục tiêu quân sự trên lãnh thổ bên gây hấn. Điều này càng được cân nhắc khi phương Tây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết về viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine để đối phó mối đe dọa từ Nga", Dmytro Zhmailo, giám đốc điều hành Trung tâm về An ninh và Hợp tác Ukraine, nói.
"Tôi tin chắc đây chỉ là vấn đề thời gian, nhưng đáng tiếc thời gian là thứ mà Ukraine không có nhiều. Rốt cuộc, Ukraine sẽ được phép sử dụng vũ khí phương Tây tập kích vào lãnh thổ Nga, chỉ là công khai hay không", Zhmailo nói. "Các nước đồng minh không còn nhiều lựa chọn".
Như Tâm (Theo Conversation, Espreso TV)