Nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Hiệp hội Lão khoa Mỹ ngày 8/6, chỉ ra yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ là lối sống lành mạnh, chẳng hạn chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, chỉ số khối cơ thể (BMI), thói quen hút thuốc và uống rượu.
"Sự lạc quan hình thành bởi các yếu tố cấu trúc xã hội, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lợi ích của tinh thần lạc quan là tương đương giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc khác nhau. Chúng ta có thể chú ý hơn đến yếu tố này khi muốn kéo dài tuổi thọ của các nhóm dân số", Hayami Koga, nhà nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết.
Đây không phải nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tuổi thọ và tinh thần lạc quan. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy cả nam giới và phụ nữ có mức độ lạc quan cao thường sống lâu hơn 11% đến 15% so với những người ít suy nghĩ tích cực. Trên thực tế, những người lạc quan có thể sống đến 85 tuổi hoặc hơn.
Theo các chuyên gia, tinh thần tích cực không đồng nghĩa với phớt lờ các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi điều tiêu cực xảy ra, những người lạc quan ít khi tự trách bản thân. Họ thường cho rằng trở ngại này chỉ ra tạm thời. Họ tin mình có quyền kiểm soát số phận, tạo ra những cơ hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
Các nghiên cứu cho thấy sống lạc quan giúp cải thiện sức khỏe thể chất nói chung. Tinh thần tốt có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, thúc đẩy thói quen tập thể dục, cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ thống miễn dịch, chức năng phổi và giảm nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu trên các cặp song sinh cho thấy gene di truyền chỉ quyết định khoảng 25% tinh thần lạc quan. Phần còn lại phụ thuộc vào bản thân và cách mỗi người ứng phó với những trở ngại trong cuộc sống. Chuyên gia chỉ ra rằng chúng ta có thể huấn luyện bộ não trở nên tích cực hơn.
Theo phân tích tổng hợp các nghiên cứu hiện có, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tăng sự lạc quan gọi là "Phiên bản tốt nhất của bản thân" (Best Possible Self). Trong đó, một người sẽ tưởng tượng về tương lai nơi họ đã đạt được mọi mục tiêu trong cuộc sống, giải quyết được mọi vấn đề. Bước tiếp theo là viết lại cụ thể những điều đã hoàn thành trong 15 phút, cảm nhận viễn cảnh đó. Thực hành điều này mỗi ngày có thể cải thiện tâm lý đáng kể, nâng cao tinh thần lạc quan.
Theo các chuyên gia, viết ra các trải nghiệm tích cực và lý do biết ơn cuộc sống giúp rèn luyện bộ não trở nên linh hoạt. Trong nghiên cứu năm 2011, các nhà khoa học cho sinh viên thực hành phương pháp "Phiên bản tốt nhất của bản thân" 15 phút một tuần trong vòng 8 tuần. Kết quả, tình nguyện viên cảm thấy tích cực hơn trong 6 tháng sau đó.
Cách khác để củng cố sự lạc quan là viết nhật ký cho những trải nghiệm tốt đẹp của bản thân trong một ngày (còn gọi là nhật ký lòng biết ơn). Theo thời gian, việc tập trung vào những điều tích cực có thể định hình lại quan điểm cuộc sống của bất cứ ai, chuyên gia cho biết.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dành khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghĩ về những điều bạn biết ơn giúp phá bỏ lối suy nghĩ tiêu cực cố hữu, thay thế bằng sự lạc quan và thanh thản. Điều này thậm chí làm giảm bớt các hành vi có vấn đề ở thanh thiếu niên.
Giống với tập thể dục, mỗi người cần luyện tập về tinh thần lạc quan thường xuyên để duy trì quan điểm tích cực của não bộ.
Thục Linh (Theo CNN)