-
20h02
Thưa chuyên gia, nhiều người cho rằng Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress, nhất là những người đang trong tuổi lao động, là kinh tế chính vô tình thành F0, F1 phải đi cách ly. Theo ông, Covid-19 đã và đang gây ra những vấn đề đối với sức khỏe tâm thần như thế nào?
Mỗi ngày lên tivi nghe bao nhiêu ca mắc mới, chúng ta tự nhiên cảm thấy lo lắng, bồn chồn, và rõ ràng những trạng thái tâm lý như vậy khiến cho đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống bị tác động nhất định. Tôi tin rằng mỗi ngày các độc giả của VnExpress sẽ có khoảnh khắc nào đó cảm thấy áp lực, căng thẳng. Đó là dấu hiệu Covid-19 tác động đến đời sống tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống tâm lý, làm cho chúng ta gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua giai đoạn giãn cách xã hội.
-
20h03
Tôi phát hiện F0 cách đây 5 ngày, trước đó tôi có gặp bố mẹ, bạn bè nên gần đây rất lo liệu có lây cho họ và những người tiếp xúc gần, thường xuyên mất ngủ, đau đầu, rối loạn giấc ngủ. Đây có phải biểu hiện sớm của tình trạng căng thẳng? Xin chuyên gia cho biết những dấu hiệu điển hình của căng thẳng stress để người dân nhận diện? (Ngọc Anh, Bình Dương, 30 tuổi)
Mất ngủ, bồn chồn, lo lắng hay sinh hoạt đảo lộn chứng tỏ chúng ta đang rơi vào trạng thái lo lâu. Tình trạng này đến rất nhanh, nếu không có sự chuẩn bị sớm thì tác động này có thể đánh gục chúng ta bất cứ lúc nào.
Dấu hiệu stress thường gặp là cảm giác bồn chồn, lo lắng, cảm giác nguy hiểm sắp đến và xảy ra với gia đình. Ngoài ra, nhịp tim tăng lên, lúc nào cũng hồi hộp, đổ mồ hôi, run sợ, mất hết năng lượng, mệt mỏi, không còn sinh lực, chỉ muốn nằm dài. Càng kéo dài càng căng thẳng nhiều hơn .
Dấu hiệu khác là cảm xúc lúc nào cũng bị trầm buồn không lý giải được, kể cả xem phim hài, không muốn làm gì, mất trí nhớ. Một số người còn thay đổi các hành vi thường ngày. Đàn ông hút thuốc nhiều, uống rượu. Phụ nữ khóc lóc, ăn nhiều, đụng đâu hỏng đó, cáu gắt mọi người, cáu bẩn với chính mình.
-
20h11
Tôi là F0 đã cách ly được 1 tuần, bị béo phì. Nghe nói người béo phì nguy cơ mắc Covid-19 rất nặng, nguy cơ tử vong, nên tôi rất hoảng sợ. Đây có phải là nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng của tôi tăng lên? Xin chuyên gia cho biết những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng trong đại dịch? (Hoàng Minh, Quận 1, TPHCM)
Đối với người bị lo âu hay stress nặng, bao giờ cũng có mô hình tư duy là nhìn tiêu cực về vấn đề mình đang gặp phải. Chúng ta đưa ra suy luận mang tính tiêu cực. Tất cả tư duy theo hướng tiêu cực khiến vấn đề không được giải quyết mà càng trầm trọng. Chúng ta cần cấu tạo lại nhận thức. Không phải khi nào cũng nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu đen. Chính sự lo lắng một cách thiếu cơ sở về mặt khoa học khiến mức độ trầm cảm tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải cấu tạo lại nhận thức, tư duy.
Rõ ràng những suy nghĩ tiêu cực bắt nguồn từ vấn đề thực tế. Chúng ta không thể lúc nào cũng tư duy tích cực. Chúng ta không thể biết mọi thứ tương lai sẽ diễn ra ra sao. Rõ ràng ngoài yếu tố chủ quan, yếu tố nhận thức của bản thân, còn có yếu tố khách quan. Đây là yếu tố có tác động nhất định với chúng ta, như tôi nói vấn đề việc làm, sức khỏe người thân, lo lắng về thông tin ngoài xã hội đầy rẫy tiêu cực.
Đối với nhiều người, khi gặp căng thẳng lo âu, chúng ta hay tìm kiếm thông tin bên ngoài, vô tình chúng ta rơi vào vòng xoáy thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh. Như vậy những yếu tố khách quan cũng liên quan đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
-
20h13
Tôi và chồng, con gái 3 tuổi, con trai 1 tuổi, là F1 đang cách ly tại nhà. Khoảng hai tháng nay, tôi vừa lo công việc vừa quán xuyến gia đình, chăm sóc con, trong khi chồng không đỡ đần được nhiều. Gần đây, tôi thường xuyên đau đầu, mất ngủ, dễ bực tức, cáu gắt, hay hồi hộp, không tập trung được. Có phải do tôi đang bị quá tải công việc hay không? Tôi có nên đi khám tâm lý? (Mai Hằng, 30 tuổi, Thủ Đức, TP HCM)
Tôi hoàn toàn đồng cảm với những khó khăn chị đang gặp phải. Khi dịch bệnh đến, mọi người phải ở nhà, nhiều chuyện xảy ra có thể dẫn tới áp lực, căng thẳng. Người phụ nữ phải gánh vác mọi việc từ công việc cơ quan đến chăm sóc con cái khiến căng thẳng cao hơn. Các triệu chứng cho thấy chị đang bị căng thẳng rất nặng. Nếu không thay đổi lối sống, thích nghi với giãn cách, thăm khám bác sĩ tâm thần, tâm lý, thì vấn đề tâm lý này sẽ trở nên nặng hơn.
-
20h13
Tôi mới có kết quả xét nghiệm PCR dương tính nCoV. Hiện tôi không ho, sốt nhưng tôi rất lo sợ, hoảng loạn, không ăn, không ngủ được vì tôi có bị bệnh suy tuyến giáp và mỡ máu, men gan cao đang điều trị thuốc. Liệu tâm lý lo lắng này sẽ khiến tôi mắc Covid-19 trầm trọng hơn? (Thanh Hòa, 40 tuổi, TP Vinh, Nghệ An)
Chắc chắn điều này có tác động. Luôn luôn có mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần với chức năng của cơ thể. Có một số người bị căng thẳng thần kinh thì đau dạ dày hoặc suy nhược cơ thể. Khi mắc Covid-19, nếu ta căng thẳng, thì sức đề kháng kém hơn, và bị đánh gục. Nếu ta có tinh thần lạc quan và dũng mạnh chống lại covid-19, đến lúc này mà chúng ta vẫn khỏe mạnh, triệu chứng không rõ ràng, thì đó là cơ hội cho chúng ta làm các hoạt động tăng lên sức đề kháng. Sự hoảng loạn, sợ hãi không làm cho chúng ta khỏe hơn, mà làm mất năng lượng đối phó với Covid-19. Nếu ta mắc rồi, đây là sự thật không thay đổi được, thì ta phải có tinh thần vượt qua bệnh tật, sau đó quay về nhà ở với người thân rất hạnh phúc. Nếu nghĩ được điều đó, ta sẽ đối phó được với bệnh và ứng phó với sự tác động của virus đến cơ thể.
-
20h15
Tôi là F1 đã cách ly tại nhà hơn một tuần, giờ giấc sinh học bị đảo lộn khá nhiều. Trước đây quen dậy sớm chạy bộ, tập thể dục, đến giờ sẽ đi ăn cơm. Nhưng từ khi ở nhà, ít việc, tôi khó ngủ, thức khuya, dậy muộn. Vài ba hôm nay, tôi đau đầu và uể oải, không tập trung làm việc. Nếu tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng gì hay không ạ? (Lan Anh, 29 tuổi, quận 1, TP HCM)
Chắc chắn bị ảnh hưởng. Dịch bệnh không ai mong muốn, nhưng nếu dịch đến không có chiến lược ứng phó, thay đổi khiến cho cuộc sống căng thẳng hơn rất nhiều. Khi thành phố đang giãn cách mà vẫn ra đường sáng sớm, phản ánh câu chuyện là người dân đang cứng nhắc không thay đổi lối sống khi điều kiện sống thay đổi.
Có một câu nói hay như "nhập gia tùy tục". Ví dụ như tôi thích tập thể dục buổi sáng mà không được đi nên rất căng thẳng, thì tôi tập ở nhà, không uống trà đá, buôn chuyện sẽ gọi điện, gọi video. Đừng giữ thói quen cố hữu khiến khó thích nghi với điều kiện mới. Nếu chúng ta không thay đổi, tổ chức lại cuộc sống thì vấn đề tâm thần sớm bị tác động.
-
20h19
Thưa chuyên gia, khoảng 2 tuần nay tôi cách ly làm việc tại nhà, gần như không được đi ra ngoài, không gặp gỡ bạn bè nên bí bách, mệt mỏi, chán nản, ăn nhạt miệng. Tôi có gọi video và nói chuyện nhưng rất nhanh chán, lâu dần chỉ muốn một mình. Lâu dần có dẫn đến hoang tưởng, tâm thần không? (Đức Thịnh, 35 tuổi, Phú Yên)
- Có thể điều này không khiến bạn bị hoang tưởng, tâm thần, nhưng các vấn đề về stress, lo âu và trầm cảm chắc chắn là có. Chúng ta vẫn biết bản chất của con người là hoạt động và giao lưu. Nếu không giao tiếp, con người không thể tồn tại là một chủ thể trong xã hội. Trong điều kiện thế này, nếu phải ngắt tất cả hoạt động thì rất dễ rơi vào trầm cảm, căng thẳng.
Chúng ta cần thay đổi thói quen hàng ngày, cách làm việc. Thay vì nằm nhà chờ đợi dịch bệnh hết, chờ có việc làm khi dịch bệnh không còn, cơ may nào đó, có việc làm trở lại, trúng xổ số hay cơ may nào đó thì không thể. Vấn đề chúng ta phải thay đổi thói quen của mình, thay đổi cách là, việc. Chúng ta cần làm cho hoạt động không ngưng trệ. Nguy hiểm là đóng kín hoạt động, giao tiếp. Đây là yếu tố khiến chúng ta bị trầm cảm, lo âu.
-
20h20
Tôi kinh doanh chuỗi khách sạn ở trung tâm thành phố, thu nhập rất ổn định. Giờ không có khách, không thu nhập, sang nhượng cũng không ai có nhu cầu. Tiền nhà, tiền mặt bàn, tiền đầu tư, tiền nuôi con, chu cấp gia đình dội xuống khiến tôi quá tải. Hai vợ chồng thường xuyên cãi vã và nhìn nhau suốt 24 tiếng trong thời gian dài, giấc ngủ ít đi. Việc khó ngủ, không ngủ đủ có phải cũng khiến tình trạng này thêm tồi tệ. Xin chuyên gia tư vấn cho tôi làm sao có được giấc ngủ ngon như trước kia? (Tấn Lộc, 45 tuổi, TP HCM)
Giấc ngủ là xa xỉ khi bị stress, nhất là trong thời điểm này và trong hoàn cảnh của bạn Tấn Lộc. Nhưng không gì là không thể.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của hàng triệu gia đình Việt Nam và thế giới. Nhưng dịch bệnh cũng tạo điều kiện cho nhiều nhà kinh doanh nắm bắt thời cơ để tổ chức hoạt động và chiến lược kinh doanh như bán hàng online hoặc sản phẩm phục vụ nhu cầu trong đại dịch.
Đừng bao giờ để đầu óc trì trệ mà nên nghĩ về chiến lược để làm giàu trí tuệ, tăng mạnh mẽ tư duy để tư duy. Sự bận rộn giảm bớt cáu bẩn, giảm bớt sự thừa thãi.
-
20h28
Từ khi cách ly tại nhà tôi lại thường xuyên nấu nướng, học món mới cải thiện bữa ăn gia đình. Điều này cũng là cách vượt qua những ngày giãn cách nhàm chán phải không? Tôi định chia sẻ công thức và những bữa ăn này lên mạng cho mọi người cùng thưởng thức. Chuyên gia thấy cách này phù hợp không ạ? (Hoàng Lan, 25 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)
Rất là tuyệt vời. Bạn Hoàng Lan đã có cách ứng phó với vấn đề liên quan đến hành vi chúng ta khi bị giãn cách. Như tôi đã nói là chúng ta luôn phải tổ chức hoạt động để bận rộn. Hãy tổ chức sinh hoạt giống như khi đi làm. Có thể ta không làm gì cả khi ở nhà, nhưng mà chúng ta phải xây dựng lại nếp sinh hoạt, trở nên bận rộn hơn. Bận rộn sẽ làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn, giữ tinh thần thực sự mạnh mẽ. Ví dụ trước đây ta ít có thời gian dạy và trò chuyện với con, thì nay ta dành thời gian cho con, hoặc dành thời gian để chăm sóc nhà cửa. Các việc làm giúp cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn cả, tiêu tốn thời gian dư thừa. Trong khi dư thừa thời gian sẽ làm cho chúng ta căng thẳng, mệt mỏi hơn. Cách của bạn Hoàng Lan rất hay, giúp bạn cảm nhận được niềm vui và nhiều người nhận được niềm vui từ bạn.
-
20h29
Kể từ khi cách ly, hai vợ chồng tôi đều mất việc và ở nhà. Chồng tôi đâm ra đổ đốn và uống rượu nhiều. Thỉnh thoảng "rượu vào lời ra", vung tay, vung chân. Hai con đang tuổi ăn học, tôi rất áp lực, phải uống thuốc ngủ mới ngủ được. Xin chuyên gia tư vấn, tôi không muốn mình như vậy nhưng quá bế tắc, chán nản.
Tình trạng bạo lực gia tăng trong đại dịch nguy hiểm thế nào đến hạnh phúc gia đình và tâm lý các con?
Nếu bị chồng bạo hành trong thời gian giãn cách xã hội, tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu, cơ quan nào? (Thanh Thanh, 35 tuổi, Bình Dương)
Cuộc sống thay đổi nhưng chúng ta vẫn giữ thói quen cũ, thêm vào đó, chúng ta có tâm trạng bi quan hay cách ứng phó không chuẩn. Cụ thể chồng bạn uống rượu nhiều hơn, hút thuốc nhiều hơn làm gia tăng vấn đề bạo lực. Rõ ràng đại dịch không chỉ tác động đến suy nghĩ và sức khỏe, nó làm chúng ta dễ mắc chứng nghiện hơn so với thông thường, ví dụ nghiện rượu, Internet, nghiện game. Điều này có tác động xấu đến hành vi. Khi những nhu cầu đó không được thỏa mãn, nó làm ta trở nên bực bội tức tối, gây hấn với người xung quanh.
Trong tình huống này, hai vợ chồng phải trao đổi được với nhau. Trong thời điểm này, ai cũng căng thẳng và bức bối. Nếu giải quyết căng thẳng bằng căng thẳng, chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì. Ở thời điểm người chồng còn tỉnh táo, vợ chồng cần ngồi với nhau trao đổi về kế hoạch cuộc sống. Trong trường hợp đã tìm mọi cách giải quyết mà không thể làm được gì, chúng ta cần tìm đến tổ chức có thể giải quyết. Người vợ có thể tìm đếm lời khuyên và sự trợ giúp ở hội phụ nữ, các tổ chức công tác xã hội. Nếu có thêm tiếng nói từ người có chuyên môn sẽ giúp giải quyết vấn đề. Nếu manh động theo hướng tấn công ngược trở lại, đưa con sẽ rất khổ sở khi bố mẹ có những mâu thuẫn không thể giải quyết.