Mạng xã hội
Cuối thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, con người vẫn khá lạ lẫm với khái niệm mạng xã hội. Đến 2002, Friendster - website cho phép mọi người đăng ký hồ sơ trực tuyến và kết nối với những người họ biết trong cuộc sống thực mới được xem là mạng xã hội đầu tiên, sau đó đến MySpace vào 2003.
Sau đó, Mark Zuckerberg đã thay đổi mọi thứ với Facebook. Ra mắt năm 2004 và công bố cho người dùng toàn cầu năm 2006, mạng xã hội này nhanh chóng trở nên phổ biến, bỏ xả Friendster và MySpace.
Hiện nay, Facebook là công cụ không thể thiếu của nhiều người trong việc kết nối với người thân, bạn bè. Mạng xã hội hiện có 2,37 tỷ người dùng, chiếm gần một phần ba dân số thế giới.
Ngoài Facebook, nhiều mạng xã hội khác cũng có hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng, như TikTok, Instagram, Twitter...
In 3D
Đầu những năm 1980, một kỹ sư tên là Chuck Hall đưa ra ý tưởng về một chiếc máy in có thể in các hình khối 3D. Tuy nhiên, nó bị đánh giá là "viễn tưởng", khó có thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, đến nay công nghệ in 3D đã và đang được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, từ in các mẫu vật nhỏ cho đến nhà ở. Nhờ máy in 3D, việc đưa các mẫu vật được thiết kế 3D từ máy tính ra đời thực không còn là điều khó khăn.
Theo Cnet, không ít chuyên gia đánh giá in 3D sẽ là công nghệ không thể thiếu trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Thống kê của công ty tư vấn Deloitte của Mỹ cho thấy, chi tiêu về in 3D đang tăng 13% mỗi năm và đạt 2 tỷ USD trong năm nay.
Truyền phát video
Cách đây 25 năm, định dạng lưu trữ video DVD có chất lượng hình ảnh vượt trội so với băng VHS ra đời. Các cửa hàng cho thuê phim khi đó cũng loại bỏ băng VHS với kích thước lớn, để thay bằng những xấp đĩa DVD nhỏ gọn hơn, mang đến sự tiện lợi cho người dùng. Netflix ra mắt năm 1997, ban đầu là một công ty cho thuê đĩa DVD và Blu-ray trực tuyến, trước khi giới thiệu dịch vụ xem phim và TV trên Internet.
Kể từ khi có Internet, việc truyền pháp video cũng đa dạng hơn. Từ các hình thức truyền hình cáp có dây, hiện không ít người dùng đang "không dây hóa" do sự phát triển mạnh của các dịch vụ phát trực tuyến như Amazon Prime Video, Hulu và YouTube. Theo eMarketer, trong 2020, sẽ có thêm khoảng 1/5 người dùng Mỹ từ bỏ truyền hình cáp và vệ tinh để chuyển sang dịch vụ trực tuyến.
Nhạc trực tuyến
Cách đây 25 năm, việc nghe nhạc qua cassette, CD hay sau đó là iPod phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dùng đã chuyển sang nghe nhạc trực tuyến, bởi sự tiện dụng của nó.
Theo BuzzAngle Music, nghe nhạc trực tuyến hiện chiếm tơi 85% tổng lượng người nghe nhạc tại Mỹ, tăng 7,6% so với 2018. Trong 2019, lượng người dùng nghe nhạc theo yêu cầu cũng tăng tới 32% so với 2018, tổng doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc trong năm này cũng tăng 13%, lên 11,1 tỷ USD.
Thực tế ảo
Công nghệ thực tế ảo là một thuật ngữ mới xuất hiện khoảng đầu những năm 90, nhưng thực sự phát triển mạnh trong vòng vài năm trở lại đây. Nhờ khả năng tạo ra một môi trường mô phỏng bằng máy tính, người dùng có thể trải nghiệm những nội dung độc đáo, mới lạ, thậm chí chỉ có trong phim viễn tưởng.
Theo Cnet, thực tế ảo đã phát triển mạnh trong những năm qua và có giá trị khoảng 18 tỷ USD. Ngoài ngành game được hưởng lợi nhiều nhất, thực tế ảo đang được hướng đến các lĩnh vực khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kiến trúc, bán hàng và nhiều hình thức giải trí khác.
Họp trực tuyến
Việc họp trực tuyến qua video đã hình thành từ những năm 1970. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự phát triển mạnh vào những năm 2000, khi các dịch vụ Internet miễn phí như Skype hay iChat và webcam ra đời.
Trong những năm qua, họp trực tuyến được đánh giá là công cụ hữu ích, đặc biệt là cho doanh nghiệp khi có thể cắt giảm chi phí đi lại. Nó cũng tạo nên tính linh hoạt, khi mọi người có thể tương tác với nhau từ xa thay vì đến gặp mặt trực tiếp.
Đầu 2020, việc họp trực tuyến tiếp tục bùng nổ khi mọi người buộc phải ở nhà tự cách ly do Covid-19. So với 2000, họp trực tuyến hiện nay đã tiện lợi hơn rất nhiều do đường truyền Internet mạnh, camera độ phân giải cao, cũng như ứng dụng hỗ trợ đa dạng. Một số phần mềm họp trực tuyến hiện nay có thể kể đến như Zoom, Skype, Cisco Webex Meetings...
Mã độc tống tiền (ransomware)
Cuộc tấn công ransomware đầu tiên được cho là đã xuất hiện từ cuối những năm 1980. Tuy nhiên, phần mềm độc hại dạng này mới chỉ nổi lên như một trong những mối đe dọa an ninh mạng lớn nhất kể từ năm 2005.
Khác với virus máy tính thông thường, ransomware có thể xâm nhập, khóa hệ thống máy tính hoặc dữ liệu nạn nhân để đòi tiền chuộc. Loại mã độc này đã và đang là "ác mộng" của không ít tổ chức nhà nước, doanh nghiệp cho đến cá nhân. Một số vụ tấn công bằng ransomware nổi tiếng có thể kể đến là WannaCry, GandCrab, Bad Rabbit, NotPetya...
Các chuyên gia bảo mật cho biết, hacker thường tấn công bằng ransomware theo hình thức đánh lừa người dùng tải tệp đính kèm email, tin nhắn, hoặc liên kết chứa phần mềm độc hại. Thống kê cho thấy, các vụ tấn công ransomware đã tăng vọt vào năm 2019, đánh vào gần 1.000 cơ quan chính phủ, cơ sở giáo dục và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, với thiệt hại ước tính tới 7,5 tỷ USD.