"Có nên tích lũy cho con cái?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng sẽ là sai lầm nếu cha mẹ chỉ để lại cho con "cần câu" thay vì "con cá":
Thật ra, để dành cho con chút vốn cũng không có gì sai, miễn đừng để chúng biết sớm và ỷ lại. Con người dù tài giỏi đến đâu cũng có lúc sa cơ. Khi đó, chút vốn liếng tài sản bạn dành cho con cũng có thể cứu chúng thoát khỏi vực thẳm phá sản để làm lại từ đầu. Tặng con "cần câu" kèm thêm ít "cá" cũng tốt. Tài sản thừa kế không nhất thiết phải là miếng đất, căn nhà. Đó có thể là kinh nghiệm sống, mối làm ăn, mối quan hệ kinh doanh, mối thân quen xã hội... tất cả đều là những "bánh xe ôtô" mà cha mẹ có thể để lại cho con cái. Khởi nghiệp tay trắng đừng mong trở thành Bill Gates.
Con tôi không biết nghe ở đâu nói rằng: "Ba mẹ chỉ nên cho con cái cần câu chứ không nên cho con cá". Con về hỏi tôi rằng: "Sau này con lớn, mẹ có cho con cái cần câu không?". Tôi nghe thấy thật nực cười, nhưng trả lời con rằng: "Mẹ sẽ cho con một con tàu vững chãi để con vượt sóng ra khơi đánh bắt cá. Nhưng con muốn sở hữu nó thì con phải học cách điều khiển con tàu kể cả khi phải vượt sóng gió ngoài khơi và đánh bắt cá. Mẹ cho con học trường tốt, môi trường sống tốt và tạo điều kiện cho con phát triển sự nghiệp sau này chính là đang đóng thuyền tốt cho con đấy, việc còn lại là tùy thuộc vào khả năng của con sẽ đưa con thuyền đi tới đâu mà thôi".
Nếu bạn không dư dả để cho con thì chúng sẽ phải tự vươn lên, không vươn lên được thì "chìm xuồng". Muốn vươn lên được phải có bốn yếu tố: trí tuệ, sức khỏe, nghị lực, may mắn. Giả sử con bạn rất nghị lực, đang phấn đấu tốt, nhưng lại có vấn đề về sức khỏe thì sao? Đừng nói rằng con nhà nghèo đã nghị lực hơn con nhà giàu. Nếu có thì là sự so sánh giữa một số cá nhân mà thôi. Tổng thể thì những người có bàn đạp vững chắc sẽ thành công cao hơn nhiều.
Nhiều người con nhà nghèo khổ, đầy tham vọng thoát nghèo mãi không ngoi lên được khỏi "mặt đất". Nếu có tiền, nuôi dạy con cái trong những môi trường tốt hơn, vẫn cho con đi du lịch, đi du học, có vốn liếng cho con nữa thì càng tốt. Không có thì đành chịu. Không ai có tiền nhiều mang từ thiện hết, nói rằng con hai bàn tay trắng sẽ thành đạt hơn nếu cho con một số tiền. Tất nhiên, đừng để con muốn tiêu gì thì tiêu, ăn chơi phá phách.
>> Tích góp tài sản cho con hay để con tự bươn chải?
Có điều kiện tích lũy cho con mà sao không làm? Thực tế:
- Những đứa trẻ có xuất phát điểm cao thông thường sẽ dễ thành công hơn.
- Những nhà tài phiệt, tỷ phú thế giới đa phần đều được thừa hưởng tài sản của gia đình rồi từ đó phát triển lên, chứ tỷ phú tự thân thì được mấy người?
- Bạn chỉ cho con cần câu nhưng không cho mồi thì có khả năng cao cái cần cũng bỏ không. Bạn đào tạo con làm nhà kinh doanh giỏi nhưng không cho vốn thì khả năng chúng cũng làm thuê cho người khác.
Vậy nên, để một đưa trẻ có thể thành công, theo tôi 70% phụ thuộc vào những gì cha mẹ cho chúng, 30% còn lại là do ông trời.
Nhiều người mang tư tưởng không để lại tài sản cho con chủ yếu là những người thu nhập thấp, không có tích lũy cho con. Họ không hiểu rằng một đứa trẻ có tài sản và điều kiện tốt sẽ vui vẻ, hạnh phúc như thế nào? Không phải tất tưởi lo mưu sinh, con sẽ tự tin theo đuổi đam mê, niềm yêu thích, cuộc sống nhẹ gánh, tự do làm mọi thứ, không phải chôn vùi cuộc đời trong âu lo.
Nếu con là người thông minh, nhanh nhạy thì có nền tảng vững chắc, có cả cần câu và mồi, chúng sẽ tiến xa hơn. Nếu con chỉ là đứa tư chất bình thường, sức khỏe kém, trí tuệ kém, thì sẽ phải ở nhà thuê, làm công nhân, thậm chí khó có gia đình hạnh phúc. Giá nhà luôn tăng hơn thu nhập, sở hữu một căn nhà vừa đủ ngày càng khó, tiền kiếm được đã khó, kinh tế lại ngày càng khó khăn. Không thể cạnh tranh được với những tập đoàn, công ty lớn, con bạn chỉ có đi làm thuê thôi.
Khi học lớp 6, tôi đã biết ba có tài sản. Tôi thừa hưởng của ba sự sáng dạ nên học hành rất nổi bật và đậu vào trường top ở thành phố lớn. Ra trường, dù biết mình có tài sản khá lớn nhưng tôi vẫn không ỷ lại. Lấy chồng xong, hai vợ chồng tôi tự bươn chải. Nhưng đến khi mua nhà, tôi phải dùng đến số tiền ba cho, trị giá phân nửa căn nhà cần mua, rồi cày cuốc trả lại đủ. Sở dĩ tôi mượn tạm là vì giá nhà đất lên rất nhanh, phải "đi tắt" mới kịp.
Giờ khoản tiền của tôi vẫn để đó, và tôi sẽ truyền lại cho con. Cháu đang học lớp 8 và cũng biết về số tài sản sẽ thuộc về mình sau này. Cháu học trường chuyên, thành tích cũng khá và đang thích thi vào một trường có tiếng. Con tôi không đua đòi, không sống bề ngoài, có gì ăn đó, có gì mặc đó. Cháu hòa đồng, thân thiện với các bạn, không thích thể hiện "nổi bật" hơn các bạn. Cháu không chịu đi học bằng xe hơi, không xài điện thoại đắt tiền...
Cuộc sống quan trọng là nhận thức của mỗi người. Không phải vì có của mà hư, hay vì chịu khổ mà nên người. Có chút tài sản cha mẹ cho làm điểm tựa, con người ta cũng tự tin hơn trong các quyết định. Mặc dù tôi tự kiếm ra tiền, nhưng khi có tài sản ba cho, tôi cũng không phải sợ hãi khi quyết định nghỉ việc do bị chèn ép ở chỗ làm. Con tôi cũng vậy, cháu nói con biết chắc mình sẽ không phải cày cuốc mua nhà rồi, nên con thấy việc học tập để thành công thú vị chứ không áp lực.
Cho nên, tôi vẫn ủng hộ việc để tài sản cho con. Giúp con mình tiến nhanh hơn đến vạch đích thì có gì là sai?
Thành Lê tổng hợp
>> Theo bạn, có nên để lại tài sản cho con? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.