Tác giả Henry Nguyễn là giảng viên đại học, đang làm việc tại TP HCM.
Tháng trước, sau kỳ thi kết thúc môn học, có một bạn trong nhóm sinh viên thi rớt trong kỳ thi cuối môn nhắn tin cho tôi ngỏ ý mời tôi đi uống cà phê đồng thời muốn gởi tôi ít tiền hối lộ để tôi nâng điểm cho các bạn để các bạn đủ điểm qua môn.
Thực ra đây không phải lần đầu tiên tôi gặp trường hợp sinh viên muốn "chung chi" để qua môn nhưng lần này khiến tôi khá bất ngờ vì đây là nhóm sinh viên năm nhất chỉ mới hơn 18 tuổi mà lại dám nhắn tin gợi ý hối lộ một cách thẳng thừng như vậy.
Tôi cho các bạn biết rằng nếu tôi báo cáo cái tin nhắn này cho nhà trường bạn sẽ bị kỷ luật đuổi học ngay lập tức (tôi đã không làm vậy). Tôi khuyên bạn phải cố gắng học lại môn này vì kiến thức của bạn chưa đủ để qua môn đồng thời phải cố gắng học hành đàng hoàng để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tôi không biết các bạn này có thay đổi để có thái độ học tập tích cực hơn hay không hay lại cay cú vì không đạt được mục đích mà còn bị tôi mắng.
>> Bài viết cùng tác giả:
Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
Những ngày qua dư luận xôn xao trường hợp một giảng viên của một trường đại học ở TP HCM bị đình chỉ giảng dạy vì vòi tiền hòng nâng điểm cho sinh viên. Người giảng viên này chắc chắn ngoài việc mất việc làm ở các trường đại học anh sẽ còn phải hứng chịu những chỉ trích và khinh khi coi thường của xã hội.
Thực sự khi chứng kiến những vụ việc như thế này xảy ra, những người làm công tác giảng dạy như chúng tôi rất buồn, buồn vì không chỉ là vì những lời bình phẩm của dư luận mà còn là sự tha hóa của nhiều bạn đồng nghiệp đang làm công tác giảng dạy. Điều này dễ dàng dẫn đến việc học sinh sinh viên ngày càng có xu hướng coi thường thầy cô, và thậm chí có không ít sinh viên (và cả phụ huynh) xem việc học như một việc đổi chác giữa tiền bạc và điểm số chứ không quan tâm gì đến kiến thức như những bạn sinh viên tôi đề cập đầu bài viết.
Tôi có hai cháu, một đang học tiểu học, một đang học mẫu giáo, mặc dù tôi phản đối nhưng vợ tôi luôn đều đặn gởi "quà bồi dưỡng" các cô giáo mỗi dịp lễ tết để cho "giống người ta, không thì con mình không được quan tâm, không được điểm cao" như lời vợ tôi bảo.
Con trai tôi năm nay đang học lớp ba. Năm ngoái tổng kết năm học, lớp của cháu có gần hai phần ba là học sinh xuất sắc và học sinh giỏi, còn lại là học sinh tiên tiến. Tôi biết gần như tất cả học sinh trong lớp của cháu đều đến nhà cô học thêm từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối hai ngày trong tuần với học phí 500 ngàn mỗi em sau nguyên ngày học bán trú tại trường.
Thực sự, những món "quà bồi dưỡng" thầy cô ở các cấp phổ thông mỗi dịp lễ tết chính là những món quà hối lộ trá hình của phụ huynh để mua lấy điểm số cho các con. Đây là điều mà ngay cả những đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi như con tôi cũng đã ý thức được vì dịp 20/11 vừa rồi, tôi vô tình nghe được cháu đòi mẹ phải mua quà tặng cô không thì cháu sẽ không được điểm cao.
Dĩ nhiên cháu đã bị tôi mắng nhưng việc một đứa bé nhỏ như con tôi mà đã dám nghĩ đến việc phải có quà để có điểm cao là điều không thể chấp nhận. Những lứa học sinh ngay từ bé đã có quan niệm có tiền có quà thì có điểm thì thực sự là việc quá là đáng lo ngại cho xã hội.
>>Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Tại một số trường cao đẳng, đại học nơi tôi hợp tác, nhiều bạn sinh viên cho hay một số môn học thầy cô phụ trách dùng bạn lớp trưởng làm tay sai để thu một khoản "quỹ" để rồi sau đó nộp lại cho họ, bạn nào ý kiến không chịu nộp chắc chắn sẽ gặp rắc rối.
Tại các bậc cao học đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ việc quà cáp và giao lưu (mời ăn nhậu) với thầy cô là việc không hề xa lạ với những ai đã học qua các bậc học này. Qua đó mới thấy được việc hối lộ, đổi chác điểm số hiện nay không chỉ là một hiện tượng cá biệt ở chỉ một bậc học nào đó mà nó phổ biến từ cả các lớp mẫu giáo đến các bậc giáo dục cao nhất.
Nhà giáo dục nổi tiếng người Cộng hoà Czech là J. A. Komenský cho rằng "Dưới ánh mặt trời, không nghề nào cao quý hơn nghề dạy học" thế nhưng rất tiếc nhiều thầy cô vì đồng tiền lại đang làm hoen ố đi cái nghề cao quý này. Xã hội có rất nhiều nghề để có thể làm giàu, đâu nhất thiết phải tìm mọi cách làm giàu bằng nghề giáo.
Tôi chỉ mong ngành giáo dục của chúng ta cần có những cải tổ mạnh mẽ trong những năm tới, chúng ta phải mạnh dạn xóa bỏ nạn học thêm dạy thêm, nạn phong bì, quà cáp cho giáo viên thì chúng ta mới có được một môi trường giáo dục lành mạnh.
Qua đó chúng ta có những nhà giáo có tài có đức, có những thế hệ học sinh sinh viên tài giỏi góp phần xây dựng đất nước đẹp giàu, xã hội văn minh.
Henry Nguyễn
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.