Phong cách tôi thích khi lên lớp là đồng kiến tạo (Co-creation). Đây không phải là khái niệm mới mẻ nhưng để làm cho ra chất thì không phải dễ. Đồng kiến tạo là gì?
Là việc giảng viên và sinh viên cùng tham gia vào việc đúc kết kiến thức cho lớp học. Không đồng kiến tạo là gì? Là một bài giảng lặp đi lặp lại. Từ lớp này sang lớp khác. Từ năm này sang năm khác.
Nhất là trong bối cảnh giảng dạy trực tuyến. Bật video lên rồi nghe, xem, và ghi chú theo đúng những gì được nói. Làm sao để có thể có những buổi học 'đồng kiến tạo' đúng chất?
Sự hưởng ứng từ cả giảng viên và sinh viên là điều tiên quyết. Về phía giảng viên cần:
- Chuẩn bị tài liệu giảng dạy và học liệu đầy đủ, chi tiết, đơn giản, bài bản, hữu hiệu và hiệu quả. Chỉ cần đọc vào đó sv có thể dễ dàng nắm được nội dung được truyền đạt đến 70%.
- Kiến thức đủ sâu và đủ rộng. Kiến thức ở đây gồm kiến thức chuyên môn, xã hội và sự nắm vững các phương pháp dạy học tích cực, chủ động, hữu hiệu và hiệu quả. Nói nhiều không bằng để sinh viên trải nghiệm nhiều.
>> Tránh lệch pha giữa đào tạo đại học và thị trường việc làm
- Linh hoạt, nhạy bén và giàu vốn sống. Việc trao quyền chủ động cho sinh viên đòi hỏi giảng viên phải có khả năng dẫn dắt được sự chủ động đó vào đúng không gian bài học. Nôm na là như kiểu Ngộ Không có bay đến đâu cũng không ra khỏi bàn tay Phật tổ vậy.
Về phía sinh viên, cần:
- Chuẩn bị trước bài học, nắm những nội dung cơ bản và từ đó tự do bay nhảy trong khả năng hiểu biết, sáng tạo và tưởng tượng của mình.
- Trau dồi kiến thức, kỹ năng, sự quan sát, tư duy, vận dụng và chiêm nghiệm của mình. Làm sao để biến tài liệu mà sinh viên nào cũng có như nhau thành sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Đấy chính là sự khác biệt và vượt trội của mỗi người học.
Một buổi học đồng sáng tạo diễn ra như thế nào? Có rất nhiều cách thức thú vị để buổi học đồng sáng tạo diễn ra nhưng căn bản thì lý thuyết nên cô đọng. Các trải nghiệm, nhiệm vụ công việc, trò chơi, hoạt động vẽ tranh, liên tưởng, ẩn dụ...nên được sử dụng nhiều hơn.
Logic đằng sau đó là việc chỉ ngồi và nghe sẽ không thể thấm bằng việc đứng, ngồi, chạy, nhảy, nghe, nhìn, tương tác di chuyển, vượt qua thử thách..., rồi mới đúc kết lại kiến thức. Ở lớp học trực tiếp thì không gian và hình thức đồng sáng tạo sẽ diễn ra đa dạng, thoải mái và hiệu quả hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là với lớp học trực tuyến thì không thể tổ chức được.
Với lớp học có lượng sinh viên vừa phải thì hiệu quả đồng sáng tạo sẽ diễn ra tốt nhất. Ít quá thì không có sự đa dạng. Nhiều quá sẽ không đủ thời gian cho tất cả và lượng thời gian chết của mỗi sinh viên sẽ nhiều hơn.
>> Đừng làm hoen ố 'tháp ngà' đại học
Trong buổi học đồng sáng tạo thì 70% những hoạt động diễn ra là dựa trên giáo án có sẵn. 30% còn lại là kết quả sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Nhiệm vụ của giảng viên là làm cầu nối giữa những gì sinh viên tạo ra và những mục tiêu học tập cần đạt được trong buổi học.
Trong những buổi giảng tôi tự đặt ra cho bản thân là trong vòng 30 giây phải làm được nhiệm vụ cầu nối giữa hình ảnh mà sinh viên liên tưởng và nội dung lý thuyết được trình bày. Quá trình này cũng giúp mình phát triển năng lực của giảng viên.
Nhờ sinh viên mà có được những sợ gợi mở, liên tưởng mới. Từ đó, mỗi buổi lên lớp là một trải nghiệm khác nhau. Không hề lặp lại. Cũng giảm đi sự nhàm chán nhiều phần.
Nhân dịp năm học mới, mến chúc các sinh viên và giảng viên có bước tiến rõ ràng trong việc dạy và học thông qua sự đồng kiến tạo này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Trần Thị Hằng