Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu. Có đại học chỉ quy định chuẩn đầu ra duy nhất bằng tiếng Anh. Phần lớn trường yêu cầu chứng chỉ quốc tế uy tín. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều trường yêu cầu mức cao hơn.
Đồng cảm với những khó khăn của sinh viên khi phải vật lộn với chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra, độc giả Đình chia sẻ: "Tôi từng làm việc cho công ty Nhật tại Việt Nam. Các kỹ sư người Nhật trong công ty tôi đa phần đều không biết tiếng Anh, mọi trao đổi đều qua thông dịch viên. Nhật Bản là cường quốc công nghiệp top đầu thế giới, đặc biệt là về lĩnh vực robot. Họ cũng đâu giỏi tiếng Anh, nhưng vẫn rất mạnh, vậy tại sao người Việt lại phải ép sinh viên của mình giỏi ngoại ngữ mới được ra trường? Chẳng lẽ dù chuyên môn giỏi cỡ nào mà không giỏi tiếng Anh là người vô dụng?
Chỗ tôi có phòng mạch tư lúc nào cũng đông nghẹt người tới khám và bác sĩ ở đó rất nổi tiếng. Nhưng qua nói chuyện, nghe bác sĩ đọc tên thuốc tiếng Anh, Pháp cũng rất bập bẹ. Tại sao nói, viết, nghe tiếng Anh tệ như vậy mà bác sĩ lại đông bệnh nhân người Việt đến khám như thế? Vậy ngoại ngữ có quyết định trình độ chuyên môn của một người hay không?
Chi phí học đại học hiện nay đã vượt khỏi tầm tay của rất nhiều người, giờ lại thêm chứng chỉ tiếng Anh - vốn dĩ học phí rất đắt đỏ, nên khó lại thêm khó. Tôi làm việc cho công ty toàn là người Việt, mọi trao đổi đều tiếng Việt, khi tuyển nhân sự như, tôi chỉ yêu cầu nói, viết và nghe tiếng Anh lưu loát là được, không cần bằng cấp nọ kia".
Đồng quan điểm, bạn đọc Looj nhận định: "Nhiều người cứ nói kỷ nguyên số, thời đại 4.0, trong khi không biết có thực sự hiểu nó là gì hay không? Thất nghiệp là do chuyên môn, năng lực của bạn kém, chứ ngoại ngữ chỉ chiếm một phần nhỏ. Lấy ví dụ, một người học kế toán không xin được việc là do chuyên môn ngành kế toán của người đó yếu, chứ không phải chỉ vì ngoại ngữ yếu. Không ai lại thẳng tay loại bạn chỉ vì tiếng Anh, trừ những ngành nghề cần dùng đến ngoại ngữ thường xuyên.
Thế nên, tôi cho rằng, những ai định hướng công việc cần ngoại ngữ thì tự trau dồi, học thêm để lấy chứng chỉ bên ngoài; số còn lại chỉ cần bằng chuyên môn ra trường là đủ. Cứ nhìn 100 sinh viên ra trường ngày nay xem tỷ lệ xin việc cần tiếng Anh là bao nhiêu? Giả sử, tỷ lệ này là 60% thì 40 bạn còn lại chỉ cần lấy bằng ra trường, không cần ngoại ngữ, vậy giam bằng của họ để làm gì?".
>> Trượt Đại học vì chứng chỉ tiếng Anh
Độc giả Hồ Đồ lại đặt dấu hỏi về chất lượng đánh giá chuẩn ngoại ngữ ở các trường: "Tôi đã thấy nhiều sinh viên chật vật thế nào chỉ để đạt chuẩn A2 khi ra trường. Bây giờ chúng ta còn nâng yêu cầu lên B1, B2 không biết sẽ còn thế nào nữa? Chưa kể, chất lượng và độ tin cậy của chuẩn này là bao nhiêu? Đã có cơ quan nào kiểm tra xem bao nhiêu sinh viên đã đạt chuẩn có thể thi lại và tiếp tục đạt chuẩn đó nếu họ phải sát hạch lại trong một kỳ thi được thực hiện bởi một tổ chức quốc tế trung thực chưa? Nếu có, xin Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố cho người dân để mọi người có thêm niềm tin vào chất lượng của chuẩn tiếng Anh đầu ra mà chúng ta đang thực hiện".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Sơn nhấn mạnh: "Mình có cảm giác như việc thi hiện nay chỉ để đối phó, lấy chứng chỉ Ngoại ngữ để được nhận bằng Đại học và ra trường. Việc học ở Đại học là một chuyện, còn ra trường có thành công hay không lại là chuyện khác. Bao nhiêu người bằng này nọ mà ra trường vẫn không có công việc như ý, thậm chí làm đại nghề lái xe, hớt tóc để kiếm sống. Theo tôi, sinh viên chỉ cần bằng Đại học trước, sau đó tiếng Anh có thể học thêm sau. Công ty tôi rất nhiều người đi làm rồi mới học tiếng Anh, chủ yếu là chuyên môn và kỹ năng mềm phải ổn. Chưa kể chi phí học tiếng Anh cũng quá cao, bắt sinh viên phải gồng gánh thêm khoản này liệu có phải làm khó họ?".
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Hoan Trinh lại ủng hộ việc áp chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên: "Tiếng Anh tốt là một lợi thế lớn khi đi làm, kể cả trong khu vực công và tư. Các trường yêu cầu như vậy là để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam và cũng là để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Còn các bạn lý luận người Nhật không cần biết tiếng Anh là có phần phiến diện. Nhật là cường quốc kinh tế và là nhà đầu tư trong top đầu nên họ có thể có lợi thế. Có bạn lý luận không phải ai cũng học được tiếng Anh, nhưng khi các bạn còn trẻ, tư duy tốt, có thể không có năng khiếu nhưng ngoại ngữ chỉ cần chăm chỉ là có thể học giao tiếp được rồi".
"Tôi tự học tiếng Anh trên mạng, trước khi thi TOEIC có đi học một lần duy nhất trong 1,5 tháng. Tôi thi được 715 điểm lúc 31 tuổi (chín năm trước). Mặc dù trước đó, khả năng giao tiếp trong công việc của tôi cũng khá ổn rồi, nhưng muốn thi xem khả năng tới đâu. Đúng là không có gì dễ dàng cả, vì thời gian tự học của tôi cũng là khá nhiều, chăm chỉ hơn bạn bè đến trung tâm nhiều nên mới có thành tích như vậy.
Tôi nói ra đây không phải để khoe, mà muốn nhấn mạnh rằng, thời đại Internet như bây giờ, tự học tiếng Anh là chuyện rất đơn giản. Các bạn cứ bảo học xong có sử dụng đâu, thực ra là không chính xác. Trừ một số công việc quá đặc thù, còn lại chính vì bạn không giỏi tiếng Anh, nên công việc cần tiếng Anh không tìm đến bạn. Hoặc ít ra bạn học để đọc báo chí, xem phim, để con cái không coi thường bố mẹ, cũng là có mục đích rồi", bạn đọc KPAC kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.