Tôi tin là cô ấy lẫn mẹ của cô vui lắm. Tôi cũng vậy, thấy bản thân đã làm một điều gì đó rất tuyệt vời cho cuộc sống này. Dù là điều ấy còn rất nhỏ bé so với rất nhiều đồng nghiệp y tế của mình đang "chiến đấu" trực tiếp tại các bệnh viện.
Dẫu chẳng có chung dòng máu nhưng những ngày qua tôi, những bệnh nhân Covid-19 và người nhà của họ đã khóc, cười cùng nhau bằng điện thoại, tin nhắn.
Với kiến thức y khoa được học ở trường và thực tế đang làm việc trong lĩnh vực y tế, tôi thấy bản thân mình cần làm gì đó cho cộng đồng vào lúc này. Và như thế, đã 3 tuần, tôi trở thành một tư vấn viên sức khỏe tình nguyện, hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19 và người nhà của họ qua điện thoại, tin nhắn.
Cứ như một thói quen trong quãng thời gian này, vào mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là lướt các ứng dụng nhắn tin thông dụng xem đêm hôm trước trong lúc mình ngủ có ai hỏi bệnh mà chưa được trả lời hay không. Thật vui mừng nếu trong đêm đó tất cả đều khỏe mạnh, không ai có triệu chứng nặng hơn.
Sau khi hoàn thành các công việc cá nhân, tôi bắt đầu gọi điện và nhắn tin cho những bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới (nếu có, đa số do bệnh nhân cũ giới thiệu). Nhịp tim tôi cũng hồi hộp theo những lời chia sẻ của bệnh nhân hoặc người nhà. Những tiếng ho, những câu nói đứt quãng do khó thở ở đầu dây bên kia sẽ thay cho muôn vàn lời nói.
>> Tôi đã chống chọi Covid-19 như thế nào
Đa số bệnh nhân Covid-19 tại nhà mà tôi tham gia tư vấn và hỗ trợ điều trị có các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Những trường hợp này chỉ cần đưa ra định hướng và một lộ trình theo dõi sức khỏe thích hợp mà không quá nhiều lo lắng. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền thì cần phải chú ý nhiều hơn.
Và tôi cũng sẽ suy nghĩ và dành thời gian nhiều hơn cho những bệnh nhân này. Tôi nhớ cách đây hơn tuần, một bệnh nhân lớn tuổi ho cả đêm không ngủ được. Và cả đêm đó tôi cũng không ngủ được theo ông. Người cứ bồn chồn, lo lắng theo. Người nhà thì cứ nhắc tôi ngủ đi, họ sẽ chăm được. Một phần do diễn biến bệnh khó lường, một phần ngày nào cũng trò chuyện nên nhiều riết cảm thấy thành thân. Hay nhất là những lúc có bệnh phải nhập viện điều trị vì nguy cơ cao hơn, không nên điều trị tại nhà tiếp tục, thì tôi cũng hồi hộp theo.
"Mẹ ơi, anh Khoa gọi", lời cô con gái của bệnh nhân khi bắt máy của tôi gọi đến hỏi đến thăm sức khỏe. Tình thân hiển hiện rất rõ qua những câu nói bất giác như vậy. Tôi thấy vui lắm chứ.
Những nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy bản thân cần cố gắng nhiều hơn để giúp đỡ cộng đồng, chung tay đưa cuộc sống sớm trở lại như trước đây. Cũng nhiều câu chuyện trong đợt dịch lịch sử, tôi được nghe, được cảm nhận sẽ cho tôi trưởng thành hơn, mang nhiều giá trị sống cao cả; khắc ghi hơn ý nghĩa, giá trị của tình thân của người Việt chúng ta. Nó thiêng liêng biết bao. Mẹ đau bệnh nhưng phải lo cho con trước tiên. Chồng đau lo cho vợ...
Tôi nhớ hoài cuộc gọi cách đây mấy hôm. Cô bệnh nhân ấy cũng trạc tuổi mẹ tôi. Tôi hỏi tình trạng hiện tại. Cô trả lời đầy đủ. Cô cũng chú tâm lắng nghe lời dặn dò. Nhưng tôi nghe đâu đó bên kia là tiếng nấc, hình như cô đang khóc. Tôi trò chuyện một hồi thì cô kể rằng nhà có người con cũng đang nghi ngờ dương tính. Cô cứ trách hoài bản thân do mình mà đứa con trai bị nhiễm. "Cô lo cho nó nhiều hơn, chứ hiện tại cô khoẻ rồi", tôi bị khựng lại vài giây sau câu nói này của cô.
>> Cha mẹ và con 5 tuổi chống chọi Covid-19
Sau đó, tôi giải thích và trấn an cô để đỡ lo lắng hơn. Sau khi gác máy, tôi rơi nước mắt. Và niềm vui thật sự vỡ oà khi những bệnh nhân mình theo dõi khoẻ hẳn và có kết quả âm tính mỗi ngày một nhiều hơn. Sau khoảng 10-14 ngày điều trị, bệnh nhân sẽ hồi phục. Lúc này thay cho cho những tin nhắn mong hỗ trợ sức khoẻ thì tôi được nhận là hình ảnh "khoe" kit test nhanh "một vạch" (tương đương "âm tính"). Ai cũng mừng rỡ, cả bệnh nhân, gia đinh và cả tôi - một thầy thuốc nhỏ bé, nép mình nơi hậu phương chung sức hỗ trợ bệnh nhân tại nhà để các đồng nghiệp nơi tiền tuyến đỡ nhọc.
Tôi nhớ và thương Sài Gòn. Nơi ấy đã dung dưỡng và che chở cho biết bao con người. Tôi tin rồi tất cả chúng ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sức mạnh đoàn kết, tình thương giữa người với người, tình đồng bào là sức mạnh để vượt qua cơn sóng thứ tư.
Nguyễn Hoàng Anh Khoa
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.