Phát biểu được thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra vào thời điểm Singapore không có đồng minh nào và bị bao vây giữa các nước láng giềng thù địch trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Ông Lý khi đó đã kêu gọi xây dựng một Singapore kiên cường và tự lực trước các mối đe dọa.
Nửa thế kỷ sau, Singapore đã biến thành con rồng châu Á, thậm chí được ví như Sparta của thế kỷ 21, được nhiều cường quốc nể trọng và sở hữu một trong những lực lượng vũ trang hiện đại nhất thế giới. Cùng với quá trình đó, Singapore âm thầm nổi lên thành đối tác chiến lược đáng tin cậy nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.
Từ quan điểm "tôm độc" của Lý Quang Diệu, Singapore đã củng cố quan hệ chiến lược với phương Tây, trong khi vẫn là bên đối thoại đáng tin cậy và nhà đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc, cho thấy đường lối ngoại giao khéo léo của quốc đảo, theo học giả Philippines Richard Heydarian.
Sau khi Singapore bị trục xuất khỏi liên bang Malaysia năm 1965, những người sáng lập đất nước áp dụng một học thuyết chiến lược riêng. Nó được xây dựng dựa trên hai nguyên lý, gồm tầm quan trọng của chủ nghĩa thực dụng trong mối quan hệ với các nước láng giềng lớn hơn và nhận thức về nguy cơ mang tính sống còn từ các mối đe dọa bên ngoài.
Kết quả của học thuyết chiến lược, được thủ tướng Lý Quang Diệu và ngoại trưởng Sinnathamby Rajaratnam thể chế hóa, là một chính sách đối ngoại tinh vi và không chọn phe. Ông Lý Quang Diệu tuyên bố trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh rằng "chúng tôi không chọn phe nếu được yêu cầu lựa chọn giữa các khối quyền lực cạnh tranh".
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Singapore đã dần chuyển thành một đối tác tin cậy nhất của Mỹ trong khu vực vì ba lý do. Đầu tiên, Singapore đóng vai trò như cầu nối giữa Trung Quốc với phương Tây, khéo léo thúc đẩy hai bên cùng hướng tới sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản.
Ông Lý Quang Diệu, một luật sư từng được đào tạo ở Cambridge, là người có nhiều ảnh hưởng tới các lãnh đạo Trung Quốc, từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình, trong nhiều thập kỷ. Sự kết hợp thành công giữa chủ nghĩa chính trị và chính trị phi tự do của Singapore đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, những người đã thúc đẩy một kỷ nguyên cải cách thị trường chưa từng có.
Đây là lý do sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời năm 2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố ca ngợi lãnh đạo Singapore như "một lãnh đạo có ảnh hưởng độc đáo ở châu Á và một chiến lược gia mang giá trị phương Đông nhưng có tầm nhìn quốc tế".
Singapore dưới chính quyền hiện tại của Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cầu nối phương Đông - phương Tây đó. Ông Lý Hiển Long nhiều lần cảnh báo Chiến tranh Lạnh mới sẽ là "điều tồi tệ không chỉ cho nhiều nước lớn nhỏ khác, mà còn với cả Mỹ và Trung Quốc".
Học giả Heydarian cho hay nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon tới Joe Biden, đều dựa vào lời khuyên của các lãnh đạo Singapore, coi quan điểm của họ như những chỉ dấu để tìm hiểu về xu hướng địa chính trị ở châu Á.
Nhưng điều khiến Singapore thậm chí quan trọng hơn với Washington là sự mở rộng nhanh chóng về hợp tác quốc phòng song phương trong những thập kỷ gần đây. Mỹ từng dựa vào các đồng minh Đông Nam Á như Philippines, nơi đặt căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài trong suốt thế kỷ 20, để triển khai sức mạnh trong khu vực.
Nhưng Philippines tỏ ra quá thiếu ổn định với Mỹ, sau khi Mỹ buộc phải rút quân khỏi quốc này giữa lúc chủ nghĩa dân tộc Philippines nổi lên mạnh mẽ đầu những năm 1990. Chính vào thời điểm này, Singapore đã đề nghị tiếp nhận một số khí tài quân sự Mỹ, tạo tiền đề cho kỷ nguyên hợp tác quốc phòng gắn bó giữa hai nước.
Nhờ hàng loạt thỏa thuận quốc phòng quan trọng, từ Biên bản ghi nhớ (MOU) năm 1990 tới Thỏa thuận khung chiến lược năm 2005, hay Nghị định thư sửa đổi của MOU năm 2019, Mỹ và Singapore đã nhanh chóng nâng cấp hợp tác quân sự. Từ năm 2016, hai bên đã hoàn tất gần 40 tỷ USD trong các thỏa thuận quốc phòng song phương.
Hiện tại, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất được quyền mua tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất, trong khi các tàu chiến Mỹ có thể cập cảng tại các cơ sở được chỉ định ở đảo quốc. Theo lời của một quan chức Mỹ, Singapore là đối tác của Mỹ, nhưng có hành động như một đồng minh.
Dù cam kết không chọn phe, Singapore gần đây có xu hướng nghiêng về phía Mỹ, theo Heydarian. Singapore đã được hưởng lợi từ sức mạnh hải quân Mỹ, giúp đảm bảo mức độ tự do thương mại và hàng hải cao ở các vùng biển châu Á.
Tuy nhiên, Singapore cũng không hoàn toàn xa rời Trung Quốc. Để duy trì được mối quan hệ, đảo quốc đã nhất trí với Bắc Kinh các thỏa thuận chiến lược, như Thỏa thuận trao đổi quốc phòng và hợp tác an ninh năm 2018, sau đó được nâng cấp vào năm 2019. Dù không mang lại nhiều tác động như các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, những cam kết này cũng giúp xoa dịu phần lớn nỗi lo ngại Singapore bắt tay với phương Tây của Trung Quốc.
Là một thành viên chủ chốt của ASEAN, Singapore cũng nổi lên như một quốc gia giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Là chủ nhà của Đối thoại Shangri-La thường niên và sở hữu lực lượng hải quân hiện đại, Singapore là một cường quốc khu vực, thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và trật tự thế giới dựa trên luật lệ ở châu Á.
Một số chuyên gia thậm chí đã bắt đầu thảo luận về khả năng hình thành một "SQUAD", trong đó Singapore cùng với Bộ Tứ (QUAD), gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, tiến hành các hoạt động duy trì trật tự tự do và rộng mở trong khu vực.
Như ông Lý Quang Diệu từng nói năm 2009, Singapore nên luôn duy trì vai trò là bên có đóng góp lớn cho ổn định khu vực để các cường quốc "quan tâm tới sự tồn tại và thịnh vượng của chúng ta như một quốc gia độc lập và có chủ quyền".
Sự quan tâm đó được thể hiện qua hai chuyến thăm Singapore của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi giữa năm nay, theo Heydarian. "Các chuyến thăm diễn ra trong lúc hợp tác quốc phòng và chiến lược song phương phát triển nhanh, khiến hình ảnh một 'đồng minh không chính thức của Mỹ' ở châu Á càng trở nên rõ ràng", chuyên gia này nhận định.
Thanh Tâm (Theo SCMP)