Phó tổng thống Mỹ dự kiến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng này, trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden đến châu Á. Chuyến thăm của bà diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tháng 7.
Đánh giá về việc Việt Nam và Singapore một lần nữa là điểm đến của quan chức cấp cao Mỹ, Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chia sẻ với VnExpress rằng điều này dường như phản ánh rằng Việt Nam và Singapore là hai trong ba quốc gia ở Đông Nam Á, cùng với Philippines "cởi mở nhất với các sáng kiến của Mỹ trong khu vực".
Các chuyến thăm của Harris thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với một Đông Nam Á thịnh vượng và an ninh, Tiến sĩ Patrick Cronin, chủ tịch mảng an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở Washington, nhận định.
"Với chuyến thăm Singapore và Việt Nam, Phó Tổng thống Harris có thể củng cố các lợi ích chiến lược chung trong một trật tự ổn định, dựa trên luật lệ với hai trong số các quốc gia chiến lược nhất trong khu vực", Cronin nói.
"Bất chấp những trở ngại của đại dịch, Nhà Trắng hoàn toàn quyết tâm thực hiện lời hứa hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác quan trọng để chống Covid-19, tái khởi động tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức tương lai như biến đổi khí hậu", chuyên gia bình luận. "Mỹ biết rằng câu chuyện thành công của Singapore vẫn là tấm gương sáng cho khu vực và Việt Nam có tiềm năng to lớn để giúp thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai".
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, chỉ ra rằng chính quyền Biden đã coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền Biden được đưa ra hồi tháng ba nêu rõ rằng Mỹ "sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác để thúc đẩy các mục tiêu chung".
Tuy nhiên, nỗ lực làm việc của Mỹ với ASEAN đã có khởi đầu không tốt khi cuộc họp vào ngày 25/5 giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bị hủy vài phút sau khi bắt đầu vì vấn đề kỹ thuật. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vốn có kế hoạch dừng chân ở Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore ngày 4-5/6 nhưng chuyến đi này bị hủy do Covid-19.
"Nỗ lực của Mỹ làm việc với Đông Nam Á của Mỹ đã được tái khởi động với các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam vào tháng 8 sẽ đánh dấu một giai đoạn mới của nỗ lực này", ông bình luận.
Dự đoán về chương trình nghị sự của Harris, Thayer cho rằng Phó tổng thống Mỹ sẽ tập trung vào chống Covid-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch và biến đổi khí hậu. Hai vấn đề này là mối quan tâm toàn cầu và là các lĩnh vực mà chính quyền Biden muốn tạo ra quan hệ đối tác toàn cầu bằng cách làm việc với các đối tác trong khu vực cũng như Trung Quốc.
Phó Tổng thống Harris cũng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế để xử lý vấn đề an ninh mạng và thương mại kỹ thuật số, thúc đẩy nỗ lực chung để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân văn hóa bền chặt giữa Mỹ và Đông Nam Á.
"Tóm lại, Phó Tổng thống Harris sẽ mở rộng nỗ lực làm việc của Mỹ với Đông Nam Á vượt xa hơn lĩnh vực quốc phòng và an ninh, sang một chương trình hợp tác lớn hơn để đối phó với những thách thức xuyên quốc gia toàn cầu", Thayer nhận định.
Poling cho rằng quan hệ đối tác Việt - Mỹ tiếp tục đạt được tiến bộ ổn định và khá đáng chú ý. Việc tập trung giải quyết các hậu quả chiến tranh sẽ giúp củng cố tiến bộ đó.
"Chính quyền Biden coi Việt Nam là đối tác tiềm năng trong việc đạt được các mục tiêu của Mỹ như tự do hàng hải và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Thayer nói. "Chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Harris sẽ tái khẳng định Mỹ tiếp tục làm việc với Việt Nam trong một loạt vấn đề chung, đặc biệt là chống Covid-19 và khắc phục hậu quả sau đại dịch".
Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine. Chính phủ Mỹ hôm 4/8 thông báo viện trợ Việt Nam 4,5 triệu USD nhằm hỗ trợ thực hiện tiêm chủng và nâng cao năng lực hệ thống y tế. Dự kiến đầu tháng 9, 77 tủ cấp đông âm sâu (-75 độ C) để bảo quản vaccine do Mỹ viện trợ sẽ về Việt Nam. Đây là số tủ cấp đông âm sâu được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo viện trợ trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7.
Một điểm đáng chú ý là Harris là phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Việt Nam. "Điều này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, cho thấy mức độ cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ", Poling nói.
Phương Vũ