"Tôi đã khóc vì chưa bao giờ nghĩ rằng đời mình sẽ được nhìn thấy nó trên đĩa ăn của thực khách", Kaimana Chee, đầu bếp tại công ty khởi nghiệp Eat Just có trụ sở ở Mỹ, cho biết. Eat Just là nơi đã tạo ra nguyên liệu cho món gà kèm bánh quế và bánh bao gà tại nhà hàng Singapore này.
Khi được bày trên đĩa, món gà áp chảo này nhìn rất bắt mắt, các sợi thịt dễ dàng được tách ra bằng dĩa. Ít ai biết rằng nó không được lấy từ gà giết mổ, mà là loại "thịt nhân tạo" được phát triển từ tế bào gốc lấy ở gà trong các lò phản ứng sinh học đặc biệt.
Với "quá nhiều quy định kiểm soát" và cảnh báo trên toàn cầu về thịt nhân tạo được phát triển trong phòng thí nghiệm, Chee từng cho rằng sẽ mất nhiều năm để loại thực phẩm này được cấp phép. Đầu bếp 43 tuổi này gia nhập Eat Just vào năm 2016, với mong muốn chế biến những món ăn đầy cảm hứng, giúp "gieo mầm cho một thế hệ khác".
Do đó, khi Singapore trở thành quốc gia duy nhất cho phép bán loại protein này vào tháng 12/2020, Chee vô cùng kinh ngạc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát trong ngành tỏ ra không quá bất ngờ.
"Không phải ngẫu nhiên Singapore trở thành thị trường bán thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Chính phủ nước này đã đầu tư những nguồn lực cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái hoan nghênh những ý tưởng mới trong ngành thực phẩm", Mirte Gosker, chuyên gia tại tổ chức phi chính phủ Viện Thực phẩm Lành mạnh châu Á - Thái Bình Dương (GFI APAC), cho biết.
Việc Singapore chú ý tới thịt nhân tạo và các nguồn protein thay thế đến từ thực vật, côn trùng, tảo và nấm, là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi nguồn thực phẩm của đất nước, đưa quốc đảo trở thành nơi tiên phong ở châu Á trong cuộc chiến đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là giữa diễn biến phức tạp của Covid-19, theo bình luận viên Sandy Ong của Nikkei.
Các ước tính của Liên Hợp Quốc cho thấy hơn 350 triệu người trên khắp châu Á đang bị thiếu dinh dưỡng, trong khi khoảng 1 tỷ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa hoặc nghiêm trọng vào năm 2019, có nghĩa là họ chưa chắc tiếp cận được nguồn thực phẩm, hoặc thực sự cạn lương thực, đôi khi suốt nhiều ngày.
Thách thức trở nên cấp bách hơn kể từ khi Covid-19 bùng phát, gây trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn tồi tệ tại châu Á, đồng thời cho các chính phủ thấy cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm như thế nào.
Cách tiếp cận mà Singapore đang thực hiện là đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Nước này hiện nhập khẩu thực phẩm từ hơn 170 quốc gia và khu vực, tăng 30 nguồn so với năm 2004. Ngoài ra, quốc đảo cũng phấn đấu để trở nên tự chủ hơn về nguồn cung. Hồi tháng 3/2019, Singapore tuyên bố mục tiêu tự sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng địa phương vào năm 2030, từ mức 10% hiện nay.
"Khả năng phục hồi đồng nghĩa với việc đứng vững trước những xáo trộn đối với nguồn thực phẩm", Paul Teng, chuyên gia an ninh lương thực tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, giải thích.
Dù được xếp hạng thứ 19 toàn cầu về các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực theo đánh giá năm 2020 của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), Singapore được cho là chưa thể yên tâm. Teng chỉ ra rằng kể cả khi GDP của họ tăng trưởng, có tiền để mua thực phẩm, rắc rối vẫn xảy ra nếu xuất hiện tình huống gây gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng, như việc Malaysia ngừng xuất khẩu cá vào năm 2014, hay giá cả tăng vọt trong khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Covid-19 đã gây ra một số gián đoạn trên toàn cầu, khi nhiều quốc gia cấm xuất khẩu những mặt hàng thực phẩm nhất định nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, hoặc do lệnh phong tỏa", Melvin Chow, giám đốc cấp cao tại Phòng Quản lý và Phát triển Hạ tầng Thực phẩm, thuộc Cơ quan Lương thực Singapore, cho biết.
Theo Chow, chiến lược tăng cường tự sản xuất thực phẩm sẽ tạo ra bước đệm để giảm thiểu tác động từ sự gián đoạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là "nói dễ hơn làm", bởi diện tích đất nông nghiệp khiêm tốn của Singapore. Quốc đảo với mật độ dân số cao hàng đầu thế giới cũng chỉ dành 1% diện tích đất cho nông nghiệp.
Bất chấp khó khăn, đầu bếp Chow đánh giá Singapore luôn khéo léo trong việc giải quyết hạn chế về không gian và nguồn lực. "Lần này, họ hướng đến tận dụng năng lực khoa học và công nghệ của chúng tôi để phát triển các giải pháp sáng tạo", Chow nói.
"Protein phát triển từ tế bào và thực vật đòi hỏi ít không gian và tài nguyên hơn rất nhiều để sản xuất ra lượng thực phẩm bằng với các biện pháp truyền thống", theo Bernice Tay, giám đốc sản xuất thực phẩm tại Enterprise Singapore, một cơ quan chính phủ chuyên trách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với khát vọng thúc đẩy công nghệ thực phẩm, chính phủ đã phân bổ tới 144 triệu đô la Singapore (107 triệu USD) cho các chương trình nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực này tới năm 2025. Hồi tháng 4, Singapore ra mắt một trung tâm nhằm nghiên cứu tính an toàn của các loại thực phẩm mới, đồng thời hỗ trợ các công ty nghiên cứu.
"Singapore đang bắt đầu tạo dựng vị thế của mình như Thung lũng Silicon về công nghệ thực phẩm", Andre Menezes, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Next Gen tại quốc đảo, đánh giá. Next Gen từng giới thiệu đùi gà làm từ đậu nành hồi tháng 3 và sản phẩm hiện được sử dụng ở hơn 45 nhà hàng địa phương.
Hồi tháng 2, Next Gen huy động được 10 triệu USD tài trợ từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm tập đoàn nhà nước Temasek, khoản tiền lớn nhất từ trước đến nay mà một liên doanh công nghệ thực phẩm từ thực vật kêu gọi được. Hồi tháng 6, công ty đã mở rộng hoạt động sang Hong Kong, Macao và Kuala Lumpur.
Hơn 15 công ty phát triển protein thay thế đã mở được cửa hàng ở Singapore trong vòng hai năm qua. Ngoài Eat Just và Next Gen, các công ty quốc tế cũng gia nhập thị trường với những mặt hàng đa dạng như sản phẩm thay thế sữa, hải sản và thịt đỏ nhân tạo.
Một trụ cột khác trong chiến lược tăng cường tự sản xuất thực phẩm của Singapore là nông nghiệp đô thị trong nhà công nghệ cao. 31 trang trại theo mô hình này đã được thành lập, bao gồm 28 cơ sở trồng rau và ba nơi nuôi cá. Chow cho biết những trang trại trong nhà giúp chống lại một số tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời công nghệ thông minh giúp tăng năng suất gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống.
Trang trại Commonwealth Greens có thể thu hoạch tới 100 tấn rau hàng năm, chiếm gần 1% toàn bộ sản lượng rau xanh địa phương. Trong những căn phòng trần cao của một tòa nhà lớn, họ trồng mù tạt, rau cải và nhiều loại cây khác trong các thùng nhựa. Mỗi máng trồng dài khoảng 1 mét, được gắn đèn led.
"Bộ não" của hệ thống là hai cảm biến nằm ở phía trước mỗi căn phòng. Một cảm biến giúp kiểm soát nhiệt độ không khí, độ ẩm, CO2 và nồng độ axit. Chiếc còn lại giúp đo số lượng và thành phần các chất dinh dưỡng dạng lỏng cung cấp cho cây trồng.
Sven Yeo, đồng sáng lập Archisen, công ty công nghệ nông nghiệp giúp điều hành trang trại này, cho biết họ có những "công thức" tập hợp thông số về ánh sáng, độ pH, nhiệt độ và nhiều yếu tố tác động khác để cây trồng phát triển tối ưu, đồng thời "tối đa hóa dinh dưỡng và hương vị". Hệ thống thủy canh còn giúp tiết kiệm 95% lượng nước và 85% phân bón so với phương pháp trồng truyền thống trên đất.
Những người ủng hộ mô hình này cho biết các trang trại trong nhà và nguồn protein thay thế mang lại sản lượng cao hơn, thịt sạch hơn, giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu, kháng sinh hoặc hormone thường được tìm thấy trong thực phẩm hiện nay. Ngoài Singapore, một số chuyên gia tin rằng đây có thể là hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai cho những quốc gia châu Á khác.
"Người tiêu dùng ngày càng không hài lòng với nguồn thực phẩm họ đang ăn. Đặc biệt với việc Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, người tiêu dùng càng thêm lo ngại về an toàn thực phẩm", Aileen Supriyadi, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, cho hay.
Tuy nhiên, thịt nhân tạo vẫn đối mặt với những hoài nghi. Theo khảo sát của YouGov đối với 1.068 người Singapore hồi tháng 12/2020, 42% cho biết họ sẽ không ăn loại thịt này. Khảo sát năm ngoái của Euromonitor cũng cho thấy 36,5% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương thích các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên hơn, trong khi con số này ở châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là 33,3% và 28,4%.
Thêm vào đó, Yeo cho biết "thách thức lớn" đối với trang trại trong nhà là chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất và các thiết bị phức tạp. Singapore đã cung cấp các khoản tài trợ hào phóng trong vài năm tới, nhưng ít quốc gia Đông Nam Á nào có ngân sách lớn như nước này. Giá sản phẩm đắt đỏ cũng là một rào cản đáng kể.
Bất chấp điều đó, chuyên gia Gosker vẫn đánh giá châu Á là nơi phù hợp nhất để chuyển đổi nguồn thực phẩm hiện nay sang các protein thay thế, nhờ nền nông nghiệp phong phú, cơ sở hạ tầng và sức sản xuất mở rộng, các trung tâm đổi mới danh tiếng và quy mô thị trường không nơi nào sánh bằng.
"Các nhà sản xuất địa phương hiện nay có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu gần như không giới hạn, chế biến chúng theo những cách mới và sáng tạo, sản xuất thịt từ thực vật. Tất cả đều tập trung ở một góc của thế giới", Gosker nói.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)