Chủ tịch Tập Cận Bình giữa tháng 8 phát động chiến dịch quốc gia "Ăn hết trong đĩa", nhằm giải quyết vấn đề mà ông gọi là lãng phí thực phẩm "gây sốc và đáng buồn". Chiến dịch được tuyên truyền tích cực khiến nhiều người bày tỏ ngạc nhiên trên mạng xã hội, tự hỏi phải chăng nó ẩn chứa nhiều vấn đề sâu xa hơn.
Trung Quốc là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới, với gần 1,4 tỷ miệng ăn. Nhưng lũ lụt năm nay đã tàn phá đồng bằng sông Trường Giang, vựa lúa của Trung Quốc, phá hủy nhiều vùng đất nông nghiệp khổng lồ, trong khi lệnh phong tỏa hạn chế Covid-19 hồi đầu năm làm đảo lộn chuỗi cung ứng.
Ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc còn trong quá trình hồi phục sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi khiến 100 triệu con bị giết hoặc tiêu hủy.
Những khó khăn này làm tăng gánh nặng lên những vấn đề tồn tại lâu nay như thu hẹp diện tích đất canh tác, làn sóng di cư từ nông thôn lên thành phố.
Trung Quốc lấp đầy khoảng trống lương thực bằng gia tăng nhập khẩu, nhưng tranh chấp thương mại và chính trị đang làm xấu đi quan hệ với ba nhà cung cấp lương thực quan trọng nhất của Trung Quốc là Mỹ, Canada và Australia.
"Một số người bắt đầu suy đoán liệu năm nay lương thực trong nước có thiếu không. Thực tế là không cần lo lắng", trích báo cáo công bố hôm 17/8 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan chiến lược hàng đầu của đất nước.
Tuy nhiên, báo cáo nói thêm "tình trạng thiếu lương thực" của Trung Quốc sẽ gia tăng trong những năm tới nếu không tiến hành cải cách lớn về nông nghiệp. Truyền thông nhà nước cũng đưa tin nông dân trồng ngũ cốc cho rằng giá sẽ tăng và đang tích trữ hàng, làm giảm nguồn cung ra thị trường.
Nguồn lực của Trung Quốc "không đủ để hỗ trợ nâng cấp toàn bộ cơ cấu tiêu thụ thực phẩm của đất nước", Li Guoxiang, nghiên cứu viên tại Viện Phát triển Nông thôn Trung Quốc, nói. "Mức sống được cải thiện đã nâng cao yêu cầu và thách thức với toàn bộ bức tranh sản xuất nông nghiệp và thực phẩm của chúng tôi".
Thói quen gọi đồ ăn thừa mứa đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc, thể hiện rõ trong những bữa tiệc nhằm gây ấn tượng với khách khứa hoặc thu hút đối tác kinh doanh.
Mức chi tiêu và mức sống tăng vọt đi kèm giá cả tăng theo. Lạm phát thực phẩm tăng hơn 13% vào tháng 7, 11% vào tháng 6 và 15,5% vào tháng 5. Theo dữ liệu chính phủ, tỷ lệ béo phì, căn bệnh trước đây chưa từng có ở Trung Quốc, đã tăng hơn ba lần trong giai đoạn 2004-2014.
Trung Quốc ước tính số lương thực lãng phí hàng năm đủ nuôi sống một quốc gia có quy mô như Hàn Quốc. Thói quen lãng phí thực phẩm thậm chí còn tạo ra một trào lưu kỳ lạ và phổ biến là xem livestream người khác ăn uống vô độ.
Lời kêu gọi của ông Tập đã tạo động lực cho hàng triệu người. Thực khách được yêu cầu đặt ít món hơn, những người ăn uống vô độ bị chỉ trích, một số nhà hàng tự chọn bắt khách trả thêm tiền nếu bỏ mứa đồ ăn. Người dân cũng được khuyến khích nhắc nhở lẫn nhau.
Phóng viên AFP ở Thượng Hải thậm chí còn chứng kiến cuộc đối đầu gần đây trong quán cà phê, khi một khách hàng mắng người khác vì bỏ nguyên chiếc bánh kẹp.
Để giải quyết những vấn đề trên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều thách thức. Về mặt chính sách, Trung Quốc có ít lựa chọn nếu muốn hỗ trợ nông dân vì có thể vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và khiến các đối tác thương mại như Mỹ phản đối.
Tương tự, động lực chống lãng phí có lẽ "ít tác động hơn người ta tưởng", theo Rosa Wang, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn nông nghiệp JCI Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải. Bà cho rằng Covid-19 đã cắt giảm đáng kể mức tiêu dùng bởi các hộ gia đình lựa chọn nấu ăn tiết kiệm tại nhà vì các quy định phong tỏa hoặc lý do an toàn.
Là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, Trung Quốc dễ bị tổn thương trước áp lực thương mại. Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu ngũ cốc và các mặt hàng khác trong năm nay, một phần nhằm tuân thủ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. Tuy nhiên, việc này có thể làm giảm nguồn cung của thế giới và đẩy giá tăng.
Li, nghiên cứu viên của Viện Phát triển Nông thôn Trung Quốc nhận định về lâu dài, Trung Quốc cần thực hiện những bước đi mạnh mẽ để bảo vệ và phát triển đất đai canh tác, cũng như cải thiện cuộc sống nông dân để họ yên tâm giữ đất.
Nếu không, Trung Quốc sẽ ngày càng dễ bị tổn thương trước các thế lực bên ngoài gây "tác động tiêu cực đến ổn định hàng nhập khẩu của chúng tôi", Li nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)