Uỷ ban phụ trách các vấn đề lập pháp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, đang thúc đẩy dự luật chống lãng phí thực phẩm và đã tổ chức hội nghị chuyên đề với các chuyên gia, quan chức địa phương tuần này để thảo luận về các điều khoản sơ bộ, cơ quan lập pháp tỉnh Hà Bắc cho biết hôm 16/10.
Hà Bắc là tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc ban hành luật địa phương về chống lãng phí thực phẩm. Quy định, có hiệu lực từ tháng trước, cấm phát trực tiếp quá trình ăn uống thực phẩm xa xỉ và cấm các nhà hàng đặt quy định tối thiểu cho thực phẩm.
Zang Tiewei, phát ngôn viên của uỷ ban phụ trách các vấn đề lập pháp, cho biết các quan chức đang xem xét những quy định trong nước và tham khảo luật lãng phí ở các nước như Pháp, Italy.
Năm 2016, Pháp cấm các cửa hàng tạp hóa vứt bỏ thực phẩm còn ăn được và Italy cũng thông qua luật tương tự để trừng phạt rác thải thực phẩm.
Lãng phí thực phẩm đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt ở Trung Quốc, đất nước có khoảng 1,4 tỷ dân. Thói quen gọi đồ ăn thừa thãi đã ăn sâu vào văn hóa nước này, thể hiện rõ trong những bữa tiệc nhằm gây ấn tượng với khách hoặc thu hút đối tác kinh doanh và còn được coi là biểu hiện của lòng hiếu khách.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cùng Viện Nghiên cứu Địa lý và Tài nguyên Quốc gia Trung Quốc cho biết người dân nước này đã lãng phí khoảng 17-18 triệu tấn thực phẩm ở 4 thành phố lớn năm 2015. Đây là số thực phẩm có thể đủ để nuôi 30-50 triệu người trong vòng một năm.
Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị luật an ninh ngũ cốc trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng do căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh ngũ cốc làm dấy lên suy đoán liệu Trung Quốc có đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân hay không.
Ông Tập hồi tháng 8 cũng kêu gọi người dân ngừng lãng phí thực phẩm và cảnh giác trước nguy cơ khủng hoảng lương thực giữa lúc Covid-19 và lũ lụt hoành hành.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)