Tôi ở Đức đã nhiều năm nhưng vẫn nhớ như in lần đầu tiên đến làm thuê cho một nhà hàng của người Việt ở thành phố mình sinh sống. Tôi vốn ít giao lưu, nên làm lâu vẫn chưa biết mặt sếp (chủ nhà hàng). Mọi việc thường nhật tôi đều chủ yếu thông qua chị quản lý là người nhà của sếp.
Sếp tôi là một đại gia có tiếng trong cộng đồng người Việt ở Đức nên hầu như ai cũng biết tên. Sếp có một nhà hàng buffet lớn, lúc cao điểm có thể phục vụ tới khoảng 300 khách cùng lúc. Nhưng sếp lại sống ở thành phố khác, mua căn biệt thự to như tòa lâu đài, tầng dưới để nấu ăn và cho nhân viên ở, tầng trên kinh doanh nhà hàng, hai tầng trên cùng dành cho gia đình và khách ở. Thời gian rảnh, sếp thường đánh golf giải trí với bạn bè.
Lần đó, sau khi kết thúc giờ làm việc, tôi chưa về mà ở lại chơi. Tại đây, tôi gặp một vị khách Việt, ăn mặc giản dị như nhân viên chúng tôi. Bác hỏi thăm công việc tôi và thoải mái tâm sự về chuyện trồng trọt, đúng gu tôi. Được một lúc, bác nói tới giờ phải đi dọn kho, trộn hồ vữa để xây bức tường.
Rồi bác dẫn tôi đi xem cái nhà kho nằm phía sau nhà hàng. Đó là một đống bừa bộn, ngổn ngang. Bác nói sắp tới sẽ tự tay sơn sửa lại nhà kho này thành nhiều phòng sạch sẽ để sử dụng. Nghe vậy, tôi cứ tưởng bác là công nhân mới được nhận vào đây làm. Nhưng không, mãi sau này, nghe các đồng nghiệp kể lại, tôi mới biết đó là sếp của tôi (chủ nhà hàng).
>> Tôi sốc nặng khi bị bạn thân giả nghèo vay tiền rồi quỵt nợ
Những ngày sau, tôi còn thấy sếp tự tay trồng hoa vào các bồn, quét sân, hốt rác... Nhân viên, người làm ăn gì, sếp cũng ăn đó, thậm chí ngồi ăn cùng chúng tôi như những người bình thường. Khi đến nhà hàng làm việc, sếp đi chiếc xe rất bình dân, khác hẳn phong cách thường thấy mỗi khi đi chơi golf, gặp gỡ đối tác. Sếp nói "ở đây không là chủ của ai cả, ai cũng phải đi làm như nhau cả nên không cần phân biệt cao thấp.
Thế đó, sếp tôi không cần phải giả dạng nghèo khổ để đỡ gặp phiền phức, cũng chẳng cần lên mặt giàu có với ai để khoe mẽ bản thân. Tùy vào từng hoàn cảnh khác nhau mà sếp sẽ sống cho phù hợp với hoàn cảnh đó. Tấm gương của sếp được tôi ngưỡng mộ và học tập theo suốt tới giờ. Tôi không thích giả dối, che giấu gì hết. Tôi sống bình dị, đơn giản mọi thứ.
Suy cho cùng, nhìn lên tôi không giàu bằng ai, nên không cần thể hiện cái mình có để làm gì cả. Nhưng tôi cũng không giả nghèo để lợi dụng lòng thương của người khác. Cứ sống thật với những gì mình có, ai khổ hoạn nạn thì tôi giúp, có ít giúp ít, nhiều giúp nhiều. Tôi chẳng cần giả nghèo hay thể hiện giàu sang cho mệt người.
- Tôi sống kiểu 'quê mùa' dù có nhà, xe hơi
- Sống khổ để dành tiền mua đất
- Gói xôi mỗi sáng để thực hiện giấc mơ mua nhà
- Con có nhà vì tôi 'hy sinh đời bố để củng cố đời con'
- Tôi hy sinh để con cháu ba đời sống sướng
- Sống tối giản để tiết kiệm 70% thu nhập