"Người ngoài như tôi thấy cuộc sống theo kiểu 'hy sinh đời bố để củng cố đời con' quá khổ cực. Bạn không dám đi đâu, tiêu gì, chỉ lo tích trữ đất đai, tiền bạc để làm gì? Con cháu mà ăn chơi, phá phách thì có tiền núi cũng bay sạch chứ đừng hy vọng tiền còn đến đời thứ ba.
Quan điểm của tôi thời trẻ là không ăn chơi, cũng rất tiết kiệm, tích lũy để có nhà đất. Nhưng tôi vẫn có quỹ để đi du lịch, đi chơi, thăm thú, để không phải ăn chơi theo kiểu vay mượn. Khi kinh tế đã ổn, tuổi cũng trưởng thành hơn, tôi lại thấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mình hiện tại sẽ tốt hơn: ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi để biết đây biết đó, gặp nhiều người cũng cho tư duy nhìn nhận của mình sáng sủa hơn, chứ chỉ ở nhà thì tư duy cũng quanh quẩn 'lũy tre làng'.
Còn với con cái, tôi chọn đầu tư học hành, tư duy, gắn kết tình cảm gia đình, anh chị em... để con bước ra đời có thể thích nghi được ngay và phấn đấu sự nghiệp riêng. Điều đó tốt hơn là tôi cho con một khối tài sản lớn, tôi để con ỉ lại hay đấu đá, tranh giành nhau. Tất nhiên, con cái có tài sản của bố mẹ để lại cũng là một xuất phát điểm tốt hơn. Nhưng vì thế mà cuộc đời của bố mẹ khổ sở, không dám chi tiêu gì thì cũng không nên chút nào".
Đó là quan điểm phản biện của độc giả Men tran sau bài viết "Tôi hy sinh để con cháu ba đời sống sướng". Khi còn trẻ nên hưởng thụ hết mình hay sống tằn tiện để tiết kiệm cho tương lai luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tiết kiệm tiền với phương châm "khổ trước sướng sau" là cách mà tác giả Thiên Bảo chia sẻ trong bài viết trước. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, mong muốn tạo cho con cái mình một xuất phát điểm tốt nhất trước khi vào đời, để không phải khổ như thế hệ trước. Tuy nhiên, liệu đó có phải lựa chọn đúng đắn?
>> Năm nào tôi cũng đi du lịch hưởng thụ dù gánh nợ
Bạn đọc Namyoku Nguyễn không đồng tình với suy nghĩ "hy sinh đời bố để củng cố đời con": "Nếu cứ đời trước sống khổ để lo cho đời sau như trên thì có lẽ đời nào cũng khổ. Nếu đời nào làm đời đó hưởng thì đời nào cũng thoải mái với thành quả của mình. Nếu muốn hy sinh đời bố để củng cố đời con, cho chúng sống sướng và hưởng thụ thành quả của bố mẹ thì chẳng phải bạn đang biến con mình thành những người chỉ biết hưởng thụ hay sao?
Theo quan điểm cá nhân tôi, hơn hết, cha mẹ phải biết tận hưởng thành quả và công sức của bản thân mình, cân đối sao cho hợp lý với tình hình kinh tế của gia đình. Đời người chỉ được sống một lần, cứ kham khổ cả đời trên đống tài sản thì được gì? Tất nhiên, khi bạn chết đi, con cái sẽ là người được thừa hưởng những di sản mà cha mẹ để lại, nhưng giáo dục tốt mới là nền tảng tốt nhất để lại cho con cháu".
Lấy ví dụ từ chính câu chuyện của bản thân, độc giả Nam Việt bình luận: "Nói chung, mỗi người sẽ có một lối sống khác nhau, không thể phán xét được. Nhưng tôi muốn chia sẻ một ví dụ trong thực tế của bản thân. Tôi là dân tỉnh lẻ lên thành phố ở trọ, học tập, rồi đi làm.
Chủ nhà trọ của tôi là hai ông bà cao tuổi. Họ sống hết sức tiết kiệm, chỉ lo làm lụng, tích góp từng đồng. Hiện tại, họ có nhà ba tầng, một dãy trọ sinh viên gồm 20 phòng, và hai căn nhà cho thuê. Nhưng 'người tính không bằng trời tính', ông bà có hai đứa con trai, thì một người nghiện ma túy, một người nghiện rượu... Vậy là tài sản ông bà tích góp được cứ thế mà mai một dần.
Tôi đồng ý với quan điểm xây dựng một nền tảng tốt cho con cái, không để bản thân trở thành gánh nặng cho con sau này. Nhưng, hãy sống cho mình nữa, hãy tận hưởng cuộc sống, trải nghiệm để mở mang tầm nhìn, hiểu biết, để truyền lại cho con cháu sau đời sau những kiến thức, tinh thần, danh dự. Điều đó sẽ tốt hơn là một khối tài sản kếch xù nhưng sống một đời lãng xẹt".
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại ủng hộ tư tưởng sống tiết kiệm để con cái có thể vào đời dễ dàng hơn. Bạn đọc Hổ Giấy cho rằng: "Tôi đồng ý với quan điểm hy sinh đời mình để con cái sống sướng hơn. Và tôi cũng đã làm được như vậy. Ít nhất, cháu nội, cháu ngoại tôi không còn phải đi thuê nhà ở như đời trước. Các con tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, cao học đều có nghề nghiệp ổn định. Khi chúng lập gia đình, tôi đã cho mỗi đứa một ngôi nhà để ở (thành quả sau cả đời tích góp của vợ chồng tôi). Còn tôi và vợ ở nhà riêng, ngoài lương hưu còn có một số tiền đủ để an tâm sống đến hết đời mà không cần con cái lo cho mình".
Đó cũng là quan điểm sống mà độc giả Lalan lựa chọn: "Người tiết kiệm cũng vẫn có thể tận hưởng cuộc sống chứ không phải khổ sở như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vì ở resort cao cấp thì chúng tôi chơi thể thao để 'chữa lành' với bạn bè, vẫn vui. Thay vì chọn món ăn đắt tiền trong menu nhà hàng sang chảnh thì chúng tôi vào quán bình dân gọi một tô đồ ăn ưa thích, vẫn ngon lành, lại khỏi thay dao dĩa liên tục, cầu kỳ. Khi bạn bè bàn tán các trải nghiệm du lịch Tây ta, mua sắm hàng hiệu... mà tôi chẳng biết nói gì, thì cũng chẳng sao. Tôi sẽ nghe mà học hỏi, và vui cùng bạn. Cuộc sống tiết kiệm đơn giản vậy thôi".
"Nhiều người cứ nói 'để lại cho con cần câu hơn là con cá', nhưng tài sản thừa kế cũng có thể giúp con cháu của bạn có thể đào thêm hồ, mua thêm cá để phát triển tương lai đó thôi. Nói gì đâu xa, các thế hệ tài phiệt trên thế giới cũng duy trì sức mạnh như vậy mà. Họ để lại tài sản hữu hình (tiền bạc, tài sản, của cải) cho con, và dùng thứ đó để con cái cái vận dụng, cộng thêm những 'tài sản vô hình' để làm cho sức mạnh được gia tăng sau mỗi đời. Nói chung, tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thực tế tiết kiệm và để lại tài sản cho con chẳng hề sai", bạn đọc Sanyfuli kết lại.
Bạn ưu tiên tận hưởng cuộc sống hiện tại hay sẽ nhịn ăn, nhịn tiêu để dành cho con cái? Bình chọn và chia sẻ quan điểm của bạn tại đây.
- 'Thu nhập 60 triệu mỗi tháng vẫn phải sống khổ để mua nhà'
- Đồng nghiệp mất hai căn nhà khiến tôi nhận ra mình tiêu tiền vô tội vạ
- 'Chuyển nhà ra vùng ven Sài Gòn để tiết kiệm 80 % thu nhập'
- Hưởng thụ 10% giúp tôi 'sống sót' qua thời kỳ bão giá
- Kiếm 100 triệu đồng, gửi tiết kiệm ngay 50 triệu
- Gen Z không muốn 'khổ trước sướng sau' như thời cha mẹ