Có một thực tế ở Việt Nam đó là đi đâu, ngồi đâu, tôi cũng thấy người ta nói chuyện buôn đất. Người có tiền bỏ vào đất, không có thì vay mượn rồi cũng đổ vào đất. Có người dư được đồng nào là ném vào đất đồng đó, thậm chí chấp nhận sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, chẳng dám ăn, dám mặc, chẳng dám chữa bệnh khi đau ốm, để dồn hết tiền vào đất. Họ mong kiếm lời từ bất động sản, nhưng cứ khi bán được miếng đất nào để có lời thì họ lại đầu tư vào miếng đất to hơn...
Nhiều người dồn hết tiền mua đất, nhưng cuộc sống không khác gì nhà nghèo. Có người suốt ngày khoe buôn bán lãi vài chục tỷ, nhưng hỏi ra thì họ mua mảnh đất, sau đó bán đi thu lời so với ban đầu vài trăm triệu đồng, rồi lại bù thêm ít tiền nữa để mua mảnh lớn hơn chút, rồi lại tiếp tục bán và đầu tư quay vòng. Cứ thế, tính các đợt mua và bán, họ nghĩ rằng mình lãi nhiều, nhưng đến khi quay lại, mua chính mảnh đất ban đầu mình bán đi thì có khi cũng không đủ tiền nữa.
Cứ thế, cả xã hội, hễ ai có khả năng xoay được tiền cũng đưa vào đất, để rồi đất bỏ hoang; đầu tư cho các lĩnh vực khác giảm; nguồn tài lực bỏ vào đất mất cân bằng; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hạn chế, đời sống khốn khổ và cuối cùng người có nhiều đất cũng khổ vì nợ nần, còn ngân hàng thì nợ xấu tăng cao... Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp cũng giảm mảng kinh doanh khác để đầu tư vào đất, phát hành cổ phiếu bất động sản.
Tôi thì không có mảnh đất nào ngoài nơi đang ở, tôi mua cách đấy 19 năm (năm 2003) và không mua đi, bán lại gì. Tới giờ, giá trị mảnh đấy đã tăng gấp cả nghìn lần. Khi có thu nhập cao hơn thì tôi mua sắm nhiều thứ tốt hơn để vợ con có cuộc sống ngày một tốt hơn. Tôi cũng góp một phần giúp cha mẹ hai bên để các cụ có cuộc sống không quá xa xỉ, nhưng cũng gọi là không thiếu gì.
>> Miếng đất tôi mua 200 triệu nay giá 8 tỷ đồng
Nói đến giá trị thật của bất động sản, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: vị trí, khu vực, hạ tầng giao thông, tương lai phát triển, khả năng giao dịch, tạo gia lợi ích kinh tế... và không thể bỏ qua yếu tố nhu cầu xây dựng, khả năng tài chính của người dân. Một người lao động ở Mỹ, nếu mua một mảnh đất cỡ trung bình, chắc không hết quá vài năm lương. Một người mua biệt thự ở Hà Lan, Australia trung bình cũng chỉ vài năm lương là trả hết.
Còn ở Việt Nam thì sao? Một mảnh đất ở vùng quê giờ cũng có giá tiền tỷ, thử hỏi với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng một tháng ở ta, thì họ lấy tiền đâu để mua nhà đất? Năm 2003, lương của tôi là 700.000 đồng một tháng, tôi mua đất hết 1,25 triệu đồng (tức chưa đầy hai tháng lương). Nhưng cũng mảnh đất đó bây giờ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, trong khi lương của tôi chỉ có 30 triệu đồng một tháng (tức là 50 tháng lương mới đủ tiền mua đất). Rõ ràng, giá nhà đất ở Việt Nam đã vượt quá xa so với thu nhập của người dân.
Đời người như một giấc mộng. Tôi nghĩ rằng, phải cân đối giữa kiếm tiền và hưởng thụ. Nếu cứ quá tiết kiệm, không dám ăn, không dám tiêu, để dành tiền mua đất, thì khi chết đi cũng chẳng mang đi được, mà để lại cho con cái cũng chắc gì chúng giữ được. Ngày trước, tôi thấy nhiều gia đình xung quanh, cha mẹ để lại cho con cái kha khá tài sản; trái ngược hẳn với chúng tôi, cha mẹ nghèo nên không có gì cho con. Ấy thế mà bây giờ, nhìn họ cũng không thấy khá hơn gì chúng tôi.
Đó là tôi chưa nói đến những trường hợp quá keo kiệt, nhịn ăn, nhịn tiêu, thậm chí bắt cả con nhỏ chịu khổ. Đến khi cha mẹ già yếu, họ lại không được con cái chăm lo, phụng dưỡng, vì thói quen tiếc tiền. Đến bản thân họ còn không dám tiêu thì lấy đâu cho cha mẹ? Đến khi cha mẹ qua đời, có ngồi hối hận cũng chẳng thể làm được gì. Sống như vậy, nhà đất nhiều đấy, nhưng liệu có đáng không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.