Ba tuần qua, hơn 68 chuyến tàu đã chở 4.200 tấn oxy lỏng từ các bang sản xuất như Gujarat, Andhra Pradesh, Odisha, Jharkhand hay Tây Bengal tới những thành phố đang thiếu thốn, như New Delhi, Lucknow và Bangalore.
Số oxy trên tương đương 46% nhu cầu quốc gia, nhưng vì những thành phố này đang phải đối đầu với làn sóng gia tăng khủng khiếp các ca nhiễm Covid-19, chúng không bao giờ là đủ.
Các nhà sản xuất oxy cho biết họ đã tăng sản lượng lên 10 lần, trong khi New Delhi đã yêu cầu tất cả nhà máy sản xuất oxy công nghiệp chuyển sang sản xuất oxy y tế.
Quân đội Ấn Độ cũng cung cấp bồn chứa lạnh, máy tạo oxy, máy phát điện và thuốc được viện trợ từ những quốc gia như Singapore, Australia, Pháp, Anh hay Mỹ đi khắp cả nước.
Dù vậy, 7 tuần sau khi sóng Covid-19 thứ hai tấn công Ấn Độ, các bệnh nhân chết tại bệnh viện vì không được thở oxy vẫn rất phổ biến.
Việc Ấn Độ dường như thất bại trong nỗ lực kiềm chế Covid-19 khiến các nhà phê bình phải đặt câu hỏi vì sao một cường quốc hạt nhân, cường quốc công nghiệp đang lên như họ lại không thể thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn thảm kịch.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang bị kiện tại các tòa án ở nhiều nơi vì hàng loạt lý do, từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy đến những câu hỏi về chính sách vaccine. Cuối tuần qua, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh triển khai một lực lượng đặc biệt có trọng trách cải thiện việc phân phối oxy y tế.
Vikas Bajpai, phó giáo sư tại Trung tâm Y học Xã hội và Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Jawaharlal Nehru, đánh giá chính phủ của Thủ tướng Modi trên thực tế vẫn chưa nỗ lực hết mình.
"Làm sao một đất nước có thể chiến đấu với đại dịch chỉ dựa vào lòng từ thiện của vài ba người tốt mà không có bất kỳ chiến lược rõ ràng nào hay sự sẵn sàng, quyết tâm của chính phủ trong việc thực hiện những biện pháp ngăn chặn hiệu quả?", ông đặt câu hỏi.
Trong một văn bản gửi lên Tòa án Tối cao ngày 11/5, chính quyền Modi cảnh báo rằng "mọi hành động can thiệp tư pháp quá mức, dù mang ý tốt" cũng đều có thể gây ra hậu quả, bao gồm cả việc cản trở các chuyên gia tìm ra "những giải pháp sáng tạo" giúp chống dịch.
K.E. Raghunathan, thành viên Liên hợp các Hiệp hội Ấn Độ, cho rằng nhu cầu về oxy y tế đã bị "đánh giá thấp" trong sóng Covid-19 thứ hai này và việc xây dựng cơ chế cung cấp oxy từ nhà máy sản xuất tới các bệnh viện "thực sự tồi tệ".
Hiện tại, hơn 54,4% bệnh nhân Covid-19 nhập viện cần hỗ trợ oxy, cao hơn so với sóng lây nhiễm đầu tiên đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái.
Theo một quan chức chính phủ, 11 người đã chết tại một bệnh viện công ở Tirupati, thành phố thuộc bang Andhra Pradesh, phía nam Ấn Độ, khuya hôm 10/5 do xe bồn chở oxy đến trễ. Hôm 1/5, 12 bệnh nhân Covid-19, gồm cả một bác sĩ, cũng qua đời tại Delhi sau khi bệnh viện hết oxy.
Nhưng Siddharth Jain, giám đốc điều hành Inox Air Products, công ty tự nhận là đơn vị sản xuất oxy lớn nhất nước, cho biết Ấn Độ đã cố gắng để tăng được sản lượng từ 7.200 tấn lên khoảng 9.200 tấn trong tháng 4.
Jain nhận định nguyên nhân khiến việc gửi oxy đến thủ đô New Delhi bị trì hoãn là do các bang sản xuất ra chúng cần đáp ứng nhu cầu ở địa phương trước. "Không ai tưởng tượng được sóng Covid-19 thứ hai lại dữ dội như vậy", ông nói thêm.
Vậy nên, trong khi Ấn Độ có đủ cơ sở hạ tầng để sản xuất và phân phối oxy ứng phó với sóng lây nhiễm hiện nay, việc phân bổ chúng đúng hướng lại mất quá nhiều thời gian.
Raghunathan đồng tình cho rằng sự gia tăng các ca nhiễm đã khiến các nhà sản xuất trong khu vực tư nhân bị quá tải.
Munjal Mehta, giám đốc Shell-n-Tube, nhà sản xuất thiết bị đông lạnh hàng đầu Ấn Độ, cho biết trong thời điểm bình thường, nếu một nhà sản xuất oxy y tế lỏng muốn cung cấp oxy cho 5 bệnh viện, họ sẽ điều một xe tải vận chuyển oxy mỗi tuần một lần.
Nhưng nay nhà sản xuất cần vận chuyển oxy tới cả 5 bệnh viện mỗi ngày, trong khi họ không có đủ xe tải chuyên dụng. Theo Mehta, phải mất từ 6 đến 8 tuần để chế tạo một chiếc xe bồn chuyên vận chuyển oxy.
Nhu cầu xe bồn đông lạnh chở oxy đã tăng 5 lần, nhưng các nhà sản xuất không thể đầu tư để sản xuất lượng xe nhiều gấp 5 lần, Mehta cho hay.
Hiện cũng chưa rõ liệu kế hoạch xây dựng 100 nhà máy oxy do chính phủ công bố hồi tháng 4 có thành hiện thực hay không.
Theo Sanjay Jaiswal từ Airox Technologies, một trong những công ty đã trúng thầu xây dựng 42 nhà máy hồi năm ngoái, ông đã chuyển giao 35 nhà máy cho chính quyền nhưng địa điểm xây dựng 7 cơ sở còn lại vẫn chưa sẵn sàng.
Raghunathan nhấn mạnh câu hỏi lớn nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân khi cân nhắc tăng năng lực sản xuất hay thiết lập cơ sở mới là "ai sẽ hỗ trợ chi phí trong dài hạn khi cuộc khủng hoảng kết thúc?".
"Khu vực công cần đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất oxy phục vụ chăm sóc sức khỏe", ông nói.
Số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng từ tháng hai khi Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah tổ chức các buổi mít tinh vận động chính trị ở nhiều bang. Cả hai đều không đeo khẩu trang ở hầu hết sự kiện.
Lễ hội tôn giáo Kumbh Mela, diễn ra trong tháng ba và tháng 4, chứng kiến 3,5 triệu người đổ về từ khắp nơi trên Ấn Độ, rất nhiều người trong số đó không đeo khẩu trang.
Chủ tịch Liên đoàn Y tế Ấn Độ Harsh Mahajan gọi đây là "các sự kiện siêu lây nhiễm", thêm rằng chúng còn tạo ra một cảm giác tự mãn sai lầm trong công chúng, khiến nhiều người nghĩ có thể lơ là cảnh giác.
Chính phủ Ấn Độ cũng phớt lờ một báo cáo 190 trang từ Ủy ban Quốc hội cảnh báo từ hồi tháng 11 năm ngoái về sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời nêu lên thực trạng "thiếu giường bệnh" và "không đủ máy thở", Vikas Bajpai, phó giáo sư từ Đại học Jawaharlal Nehru, lưu ý.
Và khi viện trợ quốc tế đến Ấn Độ hồi tháng trước, các chuyến hàng bị mắc kẹt suốt hơn một tuần tại các sân bay do cơ chế quan liêu. Một số lô hàng mới đến tay các bệnh viện từ giữa tuần trước, theo truyền thông địa phương.
Giới phê bình cũng đặt câu hỏi vì sao chính quyền Modi không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, áp đặt phong tỏa hay điều động quân đội hỗ trợ vận hành các cơ sở y tế.
T Sundararaman, cựu giám đốc Trung tâm Hệ thống Nguồn lực Y tế Quốc gia, một cơ quan cố vấn cho Bộ Y tế Ấn Độ, tin rằng chính phủ hiện vẫn phải "vật lộn" với số ca nhiễm tăng đột biến và "không biết" cuộc khủng hoảng sẽ diễn tiến như thế nào tiếp theo.
Làm phức tạp thêm tình hình là việc một loại nấm đen chết người hay mucormycosis, đang âm thầm tấn công người dân Ấn Độ, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19, khiến cuộc khủng hoảng hiện tại càng thêm tồi tệ.
"Tỷ lệ tử vong do mucormycosis là 50%, trong khi tỷ lệ tử vong vì Covid-19 chỉ là 2,5%", Amarinder Singh Malhi, người làm việc tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ, một bệnh viện công ở thủ đô New Delhi, cho biết.
Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ cũng gặp nhiều vấn đề. Chỉ 1,97% trong 1,3 tỷ dân nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ và nguồn cung hiện tại khá hạn chế.
Reuters dự đoán với tốc độ như hiện nay, Ấn Độ phải mất 2,8 năm mới có thể tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 cho 75% dân số.
Phó giáo sư Bajpai kêu gọi chính phủ nhanh chóng ngăn chặn nạn tích trữ hay buôn bán trên thị trường chợ đen oxy cùng các loại thuốc điều trị Covid-19 như remdesivir, đồng thời đảm bảo những mặt hàng này luôn có sẵn với giá gốc.
Các quan chức chính phủ cũng bị chỉ trích vì đề xuất những phương pháp không khoa học để chống lại virus. Một bộ trưởng Ấn Độ từng viết trên Twitter rằng thuốc Ưu Dưỡng sinh (Ayurveda) cổ truyền của nước này đã "mang tới tia hy vọng" cho bệnh nhân Covid-19.
Trong một tuyên bố mới đây, Jan Swasthya Abhiyan, một phong trào của những người hoạt động vì quyền lợi sức khỏe người dân, đã yêu cầu Thủ tướng Modi tổ chức tốt hơn việc cung cấp và phân phối oxy không gián đoạn tới các bệnh viện, tăng cường sản xuất vaccine và nâng cao năng lực chăm sóc tích cực tại những bệnh viện của chính phủ.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)