Tối hôm đó, nồng độ oxy trong máu của cha cô giảm mạnh, các bác sĩ nói ông cần nhập viện ngay lập tức. Sujata đã tới 7 bệnh viện trên khắp thủ đô New Delhi, cập nhật tình hình cho em gái Supriya Das đang ở nhà chờ đợi bên xe cứu thương.
"Viện chấn thương chỉnh hình đầy rồi, chị sẽ tới Viện Fortis", Sujata nhắn cho em gái lúc 0h09 sáng 16/4. Gần 10 phút sau, cô nhắn tiếp: "Fortis cũng hết chỗ rồi".
Cuối cùng, vào 5h sáng, cô cũng tìm thấy một giường bệnh trống tại bệnh viện công lập Lok Nayak Jai Prakash Narayan ở trung tâm thành phố. Nhân viên ở đây cho cha cô, ông Malay Kumar Chatterjee, 82 tuổi, xét nghiệm nhanh Covid-19. Kết quả dương tính.
"Họ mất hàng giờ liền để chuẩn bị thủ tục nhập viện", cô kể lại trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Washington Post.
"Cha tôi được đưa đến một cơ sở 'cách ly Covid', nơi người thân không thể tiếp cận bệnh nhân. Có lúc, họ đưa 5 bệnh nhân tới cùng lúc trên một chiếc cáng", Sujata về sau chia sẻ trên Twitter.
Khoảng ba tuần trước đó, cha và mẹ Sujata được tiêm mũi đầu tiên của vaccine Covid-19 Oxford-AstraZeneca, được biết đến ở Ấn Độ với tên gọi Covishield.
Thử thách của Sujata và Supriya đã trở thành một thực tế bình thường tại Ấn Độ giữa đại dịch. Nước này đã ghi nhận hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 250.000 ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng số người tử vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần.
Nhiều bệnh viện hiện không còn chỗ trống, các lò hỏa táng hay nghĩa trang dù đã hoạt động hết công suất vẫn không thể xử lý hết số thi thể tồn đọng. Tìm kiếm một dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ tại thành phố 21 triệu dân New Delhi giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 trở thành điều gần như không thể.
Một ngày sau khi ông Chatterjee nhập viện, Sujata đã trò chuyện qua điện thoại với cha. "Ông ấy nói rằng bầu không khí ở đó rất u buồn... và cha tôi phải tự mình đi vệ sinh rất nhiều lần", cô kể. Sujata không ngờ được rằng đấy là lần cuối cùng cô có thể nghe thấy tiếng cha.
Ngày 18/4, gia đình cố gắng gọi vào điện ông nhiều lần nhưng không nhận được tín hiệu trả lời. Đến khoảng 14h15, một bệnh nhân nằm gần đó bắt máy. "Người này nói rằng cha tôi đã qua đời hai tiếng rồi và chưa có bác sĩ nào đến kiểm tra", cô nhớ lại.
Sự ra đi của cha khiến cô Sujata cảm thấy bất lực và giận dữ. "Tôi cảm thấy có lỗi vì không thể đưa cha đến một bệnh viện tốt hơn... nơi ông được chăm sóc tận tình hơn", cô nói. "Nhưng quả thực là tôi không còn lựa chọn nào khác".
Tối đó, cô đến bệnh viện để nhận thi thể cha, nhưng phải chờ sang hôm sau vì nhà xác đã đóng cửa.
Trước khi bị ốm, ông Chatterjee thường điện thoại cho Sujata vào mỗi buổi chiều, gọi cô bằng những biệt danh mà giờ đây cô dùng để gọi các con mình. "Tôi là đứa con gái bé bỏng của cha. Tôi nhớ da diết những lần trò chuyện buổi chiều ấy", Sujata chia sẻ.
Supriya, em gái Sujata, là người báo tin về cái chết của cha cho mẹ. Bà rất sốc. "Mới sáng đây thôi tôi còn nói chuyện với ông ấy. Ông ấy bảo tôi chuyển một ít đồ đến bệnh viện. Chuyện gì đã xảy ra?", bà bàng hoàng.
Sáng 19/4, Sujata quay trở lại nhà xác và phải chờ nhiều giờ liền. Đến tận buổi chiều, cô mới có thể đưa thi thể cha tới lò hỏa táng Nigambodh.
"Dây chuyền hỏa táng đang hoạt động hết công suất", Sujata cho hay. Cô cho biết mỗi thi thể cần dùng khoảng 4 tạ gỗ. "Tôi làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình. Tất cả đều mới mẻ đối với tôi", cô nói.
Sujata hỏa táng cha mà không có bất kỳ thành viên gia đình nào bên cạnh trong một buổi lễ chóng vánh lúc trời nhập nhoạng tối. Nhưng cô không có thời gian để than khóc. Trong lúc Sujata ở lò hỏa táng, nồng độ oxy huyết của mẹ cô lại giảm.
Sujata thường xuyên liên lạc với em gái Supriya để kiểm tra tình hình của mẹ, bà Indira Chatterjee, tại bệnh viện VIMHANS. Gia đình lúc này muốn đưa bà đến chữa trị tại một bệnh viện tư nhân sau những trải nghiệm tồi tệ tại bệnh viện công trước đó.
Bà Indira, 72 tuổi, dương tính với Covid-19 và kết quả chụp cắt lớp ngực cho thấy bà bị viêm phổi nhẹ.
Ngày 20/4, nồng độ oxy máu của bà liên tục dao động. Một bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng virus remdesivir, vốn được sử dụng rộng rãi tại Ấn Độ và nhiều nơi khác để điều trị Covid-19. Nhưng thuốc này không dễ mua. Nó không có sẵn tại bệnh viện hay những hiệu thuốc gần đó.
Sujata tìm thấy một cửa hàng duy nhất ở phía nam thành phố bán remdesivir với giá hợp lý. Nhưng để mua được nó, cô cần đơn thuốc có dấu đỏ, thứ mà cô không có.
"Một số người bắt đầu tích trữ thuốc và bán lại với giá hơn 270 USD mỗi liều", cô cho hay. "Nó giống như việc tạo ra tình trạng khan hiếm ảo để thu lời từ nó".
Cuối cùng, với sự giúp đỡ của người thân, họ cũng mua được 6 liều remdesivir. Nhưng có những lúc cô không thể tìm thấy ai giúp truyền thuốc cho mẹ mình. Suốt nhiều ngày, bệnh viện hứa sẽ chuyển mẹ cô tới phòng chăm sóc đặc biệt để thở oxy, nhưng bà Indira vẫn chỉ nằm tại phòng cấp cứu.
Ngày 25/4, gia đình tìm cách để bà Indira được truyền huyết tương từ một người đã bình phục sau khi mắc Covid-19, dù phương pháp này chưa được kiểm chứng về tính hiệu quả. Cuộc truy tìm người hiến huyết tương bắt đầu. Trong hai ngày liên tiếp, họ đăng lời cầu xin lên ứng dụng nhắn tin WhatsApp và tìm được một người tình nguyện hiến tặng huyết tương, nhưng bị bệnh viện từ chối vì có nồng độ hemoglobin thấp.
Ngày 26/4, họ tìm được người hiến tặng khác và đến một ngân hàng huyết tương để xét nghiệm. Kết quả phù hợp nhưng phải chờ đến ngày hôm sau huyết tương mới sẵn sàng.
"Đó là một chuyến đi tàu lượn siêu tốc", Sujata cho hay. "Chúng tôi tới bệnh viện cả buổi sáng, buổi chiều lẫn buổi tối".
Đến trưa 27/4, Sujata lấy được huyết tương, vội vã đến chỗ mẹ, nhưng đã quá muộn. "Ngày hôm đó, lần đầu tiên mẹ tôi rơi vào trạng thái hôn mê", Sujata nói. "Các ngón tay của mẹ tôi trở nên tím tái".
Bà Indira qua đời vào buổi chiều, trong lúc các nhân viên đang cố gắng đặt nội khí quản cho bà. "Mẹ tôi chắc chắn sẽ vượt qua nếu bà được cung cấp đủ oxy", Sujata nói.
Ngày 28/4, gia đình tổ chức hỏa táng cho bà Indira. Họ lại đối mặt với quãng thời gian chờ đợi đầy mệt mỏi như những gì đã trải qua trong đám tang người cha cách đây 9 ngày.
"Tôi vô cùng cảm phục trước sự dũng cảm của mẹ. Nhưng tôi cuối cùng chỉ có thể bất lực đứng nhìn trong khi mẹ tự chiến đấu một mình", Sujata sau này viết về mẹ trên Facebook.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)