Một xu hướng đáng lo ngại khác đã xuất hiện giữa lúc hệ thống y tế Ấn Độ vật lộn với đại dịch, khi không ít bệnh nhân tái nhập viện với nhiều triệu chứng khác nhau, gồm viêm xoang, mắt mờ, nước mũi màu đen có máu, hay vùng da xung quanh mũi bị sậm màu. Thủ phạm là một bệnh nấm chết người được gọi là mucormycosis, hay nấm đen, thường tấn công mạnh nhất ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh nhiễm trùng khác.
Bang phía tây Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai, ghi nhận tới 300 trường hợp bị nấm đen. Khoảng 300 trường hợp khác cũng được báo cáo ở 4 thành phố bang Gujarat, trong đó có Ahmedabad. Chính quyền bang đã lệnh cho các bệnh viện công thành lập khu điều trị bệnh nhân bị nhiễm "nấm đen" trong bối cảnh ca nhiễm tiếp tục tăng.
Dù số ca mắc hiện tại tương đối thấp, nguy cơ gây tử vong và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng của loại nấm đen này đang đẩy hệ thống y tế vào tình trạng báo động cao giữa lúc quá tải vì Covid-19. Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, đã báo cáo hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 254.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
"Tỷ lệ tử vong do mucormycosis là 50%. Trong khi tỷ lệ tử vong vì Covid chỉ là 2,5%", Amarinder Singh Malhi, người làm việc tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ, một bệnh viện công ở thủ đô New Delhi, cho biết.
Malhi cho biết bệnh viện của ông chưa thấy số ca mắc nấm đen gia tăng, nhưng tuần trước, một phụ nữ đã bị mất thị lực một bên mắt và có nguy cơ tương tự với bên mắt còn lại.
"Tôi đã chuyển ca bệnh đó đến phòng cấp cứu", ông nói vì nghi ngờ người phụ nữ mắc bệnh nấm đen. "Cô ấy khi đó cần thuốc chống nấm ngay lập tức".
Trừ khi được điều trị sớm, cách duy nhất để ngăn chặn nấm đen đã phát triển mạnh trong cơ thể là phẫu thuật loại bỏ tất cả mô chết và bị nhiễm trùng. Giáo sư Peter Collignon, thành viên ủy ban chuyên gia về kháng kháng sinh và các bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định mucormycosis "rất nguy hiểm, có khả năng tử vong cao và cần phẫu thuật kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc".
Akshay Nair, một bác sĩ phẫu thuật mắt ở Mumbai cho biết đã ghi nhận 40 ca nhiễm mucormycosis chỉ trong tháng trước và 11 trường hợp phải cắt bỏ mắt.
"Tôi sẽ phải cắt mắt để cứu sống cô ấy", Nair nói ngay trước khi phẫu thuật cho một phụ nữ 25 tuổi nhiễm nấm đen, người vừa phục hồi vì mắc Covid-19 ba tuần trước.
"Tôi đã gặp 24 ca chỉ trong hai tuần. Thật đáng sợ", bác sĩ này đăng trên Twitter.
Nair cho biết giữa tháng 12/2020 và tháng 2 năm nay, 6 đồng nghiệp của anh ở 5 thành phố Ấn Độ đã báo cáo 58 trường hợp, phần lớn bị nhiễm trong khoảng thời gian từ 12-15 ngày sau khi khỏi Covid-19.
P Suresh, trưởng khoa nhãn khoa tại Bệnh viện Fortis ở Mulund, gần thành phố Mumbai, nói bệnh viện của ông đã điều trị ít nhất 10 bệnh nhân mắc nấm đen trong hai tuần qua, gấp đôi so với năm trước đại dịch. Tất cả đều bị nhiễm Covid-19 trước đó và đều bị tiểu đường hoặc từng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, như steroid.
"Các trường hợp nhiễm mucormycosis ở bệnh nhân Covid-19 sau khi hồi phục gần gấp 4 đến 5 lần so với trước đại dịch", Atul Patel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, cho hay.
Ấn Độ chưa công bố dữ liệu về số ca mắc nấm đen trên toàn quốc, nhưng các quan chức nói quốc gia này chưa ghi nhận đợt bùng phát lớn. "Nó chưa đến mức phải hoảng sợ, nhưng bạn nên biết khi nào nên tìm kiếm những lời tư vấn", Aparna Mukherjee, một nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, nói.
Các bác sĩ cho biết các bào tử nấm đen có thể tìm thấy trong đất, phân hoặc không khí nhưng thường không ảnh hưởng tới người khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với người bị suy giảm miễn dịch, nó có thể gây tử vong.
"Chúng là họ nấm thường xâm nhập vào xoang và tích tụ ở đó. Chúng cũng có thể xâm nhập vào các không gian khác trong đầu bạn", Collignon nói. "Khi hệ miễn dịch của bạn không thể kiểm soát chúng, chúng sẽ tấn công não. Khi đó nó thực sự trở thành vấn đề và rất nghiêm trọng".
"Trước khi Covid-19 xuất hiện, loại nấm này thường chỉ xuất hiện ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân tiểu đường nặng, bị bệnh bạch cầu, u lympho và các bệnh lý suy giảm miễn dịch khác", Malhi nói.
Ông cho rằng các ca mắc nấm đen gia tăng gần đây là do việc lạm dụng steroid để ngăn chặn đại dịch. "Chúng ta đang thấy số ca nhiễm tăng 100-200% ở một số bang. Chúng tôi chưa từng thấy điều này trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Nhưng trong đợt thứ hai, chúng tôi đã thấy vì đang sử dụng steroid nhiều hơn. Steroid chính là con dao hai lưỡi", ông nói.
Giáo sư Peter Collignon của WHO cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tạo điều kiện lý tưởng cho nấm đen lây lan.
"Hiện tại chúng tôi đang sử dụng steroid liều cao cho những bệnh nhân Covid-19 nếu họ phải chăm sóc đặc biệt, bởi steroid giúp điều trị tình trạng viêm. Nhưng đồng thời, steroid cũng ức chế hệ thống miễn dịch của bạn", ông nói. "Chúng ta đang cố làm giảm nhiễm trùng bằng steroid nhưng điều đó đồng nghĩa khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường như nấm cũng bị suy giảm".
Hệ thống y tế quá tải ở Ấn Độ, cùng môi trường đông đúc và chật chội càng khiến nấm đen có nhiều cơ hội để phát triển và gây bệnh.
Prince Surana, bác sĩ và giám đốc điều hành một hệ thống bệnh viện tư ở Mumbai, nói các báo cáo về số ca nhiễm nấm đen tại một số bệnh viện địa phương đã khiến các cơ sở của ông phải thắt chặt quy định sử dụng thuốc steroid, nhằm ngăn nguy cơ bùng phát của mucormycosis.
"Chúng tôi không sử dụng steroid cho tất cả bệnh nhân Covid-19, đặc biệt nếu bệnh nhân đó dễ bị lây nhiễm chéo hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường", ông cho hay.
Surana thêm rằng các bác sĩ cần lưu ý với bệnh nhân Covid-19 nên theo dõi các triệu chứng nhiễm nấm đen, như viêm xoang, sưng tê hoặc mất thị lực, sau khi xuất viện.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc xử lý số ca Covid-19 quá lớn ở Ấn Độ hiện tại cũng khiến nhiều bệnh viện khó theo dõi sát sao các bệnh nhân đã xuất viện, đồng thời việc khử trùng bệnh viện hiện tại cũng rất phức tạp.
"Trong lúc bình thường, chúng tôi sẽ khử trùng phòng chăm sóc đặc biệt sau mỗi 14 ngày. Nhưng giờ, trong giai đoạn Covid-19 tấn công, việc khử trùng hoàn toàn là không thể", Surana nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Guardian)