Đọc loạt bài về tuyển dụng nhân sự, tôi có nhận xét, nhiều nhà tuyển dụng tuyển chuyên gia cho công việc lương thấp, còn người ứng tuyển mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì đòi mức lương của chuyên gia.
Trước hết, ta nói về bằng đại học. Ở Việt Nam còn phân chia "thầy - thợ" chứ nước ngoài hiện nay có bằng đại học vẫn đi làm công việc tay chân là chuyện bình thường. Hệ thống giáo dục của họ là trung học hướng nghiệp - cao đẳng - đại học. Bằng đại học của họ là tương đương với thạc sĩ, kỹ sư, luật sư, .... Những người này chẳng những có thể làm việc tốt mà còn có thể hướng dẫn, chỉ bảo cho người khác (có trình độ thấp hơn) cũng làm việc tốt như vậy.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tốt nghiệp đại học ra mới chỉ có bằng cử nhân, cái gì cũng biết nhưng không sâu, diễn giải công việc còn làm không được nói chi trực tiếp thực hành. Nói cách khác, đại học Việt Nam mới chỉ dạy lý thuyết, gần như mất đứt khâu thực hành. Nội thực hành thôi cũng có vấn đề. Ví dụ như sửa cái máy, ở ta chỉ sửa làm sao cho cái máy chạy được là đạt yêu cầu, trong khi nước ngoài họ còn giới hạn thời gian sửa và đánh giá chất lượng công việc. Từ đây, chúng ta có một lớp người có tư duy làm việc miễn sao xong thì thôi, không quan tâm thời gian tiến độ, không quan tâm thời gian bảo hành. Đa phần ứng viên "gãy" ở khâu này.
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Thứ hai là kỹ năng mềm. Tương tự, chỉ có lý thuyết, mất đứt thực hành. Nhà trường không dạy thực hành vì mỗi công việc, mỗi công ty có cách ứng dụng kỹ năng mềm khác nhau, cụ thể, muôn hình vạn trạng, còn lý thuyết thì chung chung nhưng bao trùm lên tất cả. Sinh viên nào muốn đào sâu phải tự tìm tòi học thêm. Chúng tôi tuyển nhân sự cũng không đòi hỏi ứng viên phải thành thạo kỹ năng mềm, tạo điều kiện cho họ thực hành, vài năm thì ai cũng giỏi cả thôi. Ví dụ: làm công việc mà người ta chưa biết thì đưa mẫu cho họ xem, tự nhiên ai biết chữ cũng sẽ biết làm, mới đầu theo khuôn mẫu, sau có thể tự "sáng tạo". Hướng dẫn làm công việc mất không đến năm phút, cần gì phải đánh đố nhau.
Thứ ba là tiếng Anh. Mới vào làm, họ chỉ tiếp xúc với cấp trên và khách hàng. Nhưng khi cả sếp lẫn khách hàng đều là người Việt, thì đòi hỏi họ phải lưu loát tiếng Anh để làm gì? Miễn sao làm được việc là tốt rồi. Muốn nghe - nói tiếng Anh tốt, bạn cần có môi trường tiếp xúc thường xuyên. Tự học cùng lắm chỉ giỏi đọc, viết. Tiếng Anh giao tiếp chỉ cần học thuộc mẫu câu rồi ráp từ vào còn tiếng Anh viết phải phân biệt từ loại rất phức tạp.
Tiếng Anh trong công sở hàng ngày quanh đi quẩn lại chỉ có ngần ấy mẫu câu và từ vựng, biết chừng 20 mẫu câu và 1.000 từ vựng là đủ xài. Việc lưu loát tiếng Anh trong công sở là do "quen" chứ không hẳn là trình độ tiếng Anh khá. Mấy người này bảo đi liên hệ công việc ở tòa án, cơ quan hành chính của nước ngoài đảm bảo "gãy". Chỉ cần biết tiếng Anh cơ bản, ở nước ngoài chừng ba tháng là có thể nghe - nói lưu loát như người phương Tây ngay. Còn với môi trường Việt Nam, tới ba năm cũng vẫn bập bẹ.
>> 'Doanh nghiệp ưu tiên quan hệ, sinh viên giỏi cũng thất nghiệp'
Công ty tôi tuyển nhân sự chia làm ba vòng. Vòng một là tán gẫu đủ kiểu. Ví dụ như, bạn có vợ con gì chưa, cha mẹ còn hay mất, có khỏe không, còn làm việc hay đã về hưu...? Sau đó nhà tuyển dụng hỏi đến kinh nghiệm: đã từng làm việc gì ở đâu, mức lương bao nhiêu, vì sao nghỉ việc, tại sao lại nộp đơn xin việc ở đây...? Tiếp nữa là một loạt vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới công việc, đề nghị ứng viên cho biết quan điểm góc nhìn riêng. Vòng một này, tôi loại bỏ được hầu hết người có ý định làm việc nhất thời, tạo "bàn đạp" để nhảy việc.
Vòng hai là phỏng vấn chuyên môn. Tôi đưa ra danh sách trình tự thao tác làm việc hàng ngày của vị trí công việc và hỏi những vấn đề lý thuyết: vì sao ưu tiên thao tác này trước, thao tác kia sau, ý nghĩa của nó trong chuỗi thao tác...? Nếu ứng viên trả lời thông suốt hết thì đến phần thực hành một thao tác bất kỳ do tôi chỉ định, có thời hạn, có đánh giá chất lượng. Người nào học "thật" trong quá trình học chắc chắn vượt qua vòng này, dù quá trình thực hành có khiếm khuyết nhưng theo thời gian nhất định sẽ "quen tay".
Vòng ba là đàm phán mức lương. Ở vòng này chỉ còn những ứng viên sẵn sàng vào làm việc ngay. Bạn có thể hét giá trên trời. Tôi đưa ra hàng loạt kỹ năng yêu cầu (làm báo cáo công tác, làm việc nhóm, giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống phát sinh,....). Nếu thông qua được hết thì chứng tỏ họ là người có kinh nghiệm lâu năm, tôi sẽ đồng ý với họ mức lương cao nhất mà công ty có thể trả ở vị trí công việc này và hứa hẹn cơ hội thăng chức trong tương lai gần. Nếu không thông qua, họ hoặc là chấp nhận mức lương mà tôi đề nghị, hoặc tìm việc nơi khác. Mỗi người tự có suy nghĩ của mình.
Họ mới vào làm, làm sao đòi hỏi phải "chuyên nghiệp" được? Người nào muốn làm việc lâu dài, họ sẽ hỏi cơ hội thăng chức, mức lương gắn với chức vụ tại thời điểm này (mức lương dịch chuyển theo doanh thu, chỉ có tính chất cố định trong một quãng thời gian nào đó). Công việc thấp, lương thấp thì không nói, nhưng họ cố gắng phấn đấu để thăng chức, lại nhận được mức lương không mong muốn đương nhiên sẽ nảy sinh tâm lý làm việc tạm thời cho có thu nhập rồi tính sau.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tôi không học môn Công nghệ vẫn vẽ kỹ thuật tốt
>> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa không xuyên suốt'
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Tuyển dụng như thế nên rất ít khi tôi phải tìm thêm người mới. Mọi người làm việc vì đồng lương, thay đổi nhân sự là chuyện bất đắc dĩ (nhân sự hiện có không đáp ứng nổi khối lượng công việc ngày càng lớn). Chê bai người khác chỉ chứng tỏ bạn tuyển dụng nhân sự hời hợt, chỉ muốn họ đáp ứng được công việc với chất lượng cao nhất, không muốn bỏ công ra đào tạo. Đào tạo kỹ năng mềm chỉ là hướng dẫn và tạo điều kiện chứ không có gì to tát. Giỏi hay dở, nhanh hay chậm là do khả năng thích nghi của họ, cần gì phải đánh đố nhau. Vị trí lãnh đạo chỉ có một, họ muốn ngồi vào cái ghế ấy thì phải chứng tỏ được sự cố gắng hơn người khác như thế nào? Đó là một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.