Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: Cơ thể của trẻ nhỏ vẫn còn rất non yếu, thậm chí các cơ quan như thận đến một tuổi mới tạm thời thích nghi được với cơ thể, gan đến 2 tuổi mới có thể chuyển hóa tốt hơn. Cho nên, thuốc tẩy giun chuyển hóa qua gan cần sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Việc sử dụng thuốc cho trẻ nên rất cẩn thận.
Trẻ nhỏ được cha mẹ bao bọc, chăm bẵm, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, thường trẻ chỉ bị lây bệnh từ những người chăm sóc là chính. Nghiên cứu cho thấy, trong 10 trẻ sốt, khoảng 2 trẻ có nguyên nhân do vi khuẩn, còn lại là virus.
Kháng sinh là thuốc để diệt vi khuẩn, chứ không phải diệt virus. Trẻ bị nhiễm khuẩn nên dùng kháng sinh càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị virus tấn công, sử dụng kháng sinh sẽ sai chỉ định. Nếu lặp lại nhiều lần, vi khuẩn trong ruột sẽ được "tập luyện" dần với các kháng sinh và tạo thành các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Trong ruột liên tục có "chiến tranh" xảy ra, khoảng 80% "lính canh" của cơ thể nằm ở ruột. Nếu chẳng may vi khuẩn đánh thủng "phòng tuyến" này có thể vào trong máu, gây tổn thương ngay tại ruột và bên trong. Một số vi khuẩn vào trong máu có thể được lọc lại qua thận, có những vi khuẩn không thể lọc được, tích tụ lại nhiều gây ra nhiễm trùng đường tiểu.
Dùng kháng sinh không đúng cách sẽ tạo ra vi khuẩn kháng thuốc ở đường ruột, thậm chí ở đường mũi họng. Ngày xưa, ở thế hệ ông bà chúng ta, khoảng 10 trẻ sinh ra có 4 trẻ mất vì viêm phổi (tức nhiễm trùng là chính) do chưa có kháng sinh. Hiện nay, chúng ta đã có kháng sinh, song lại vô tình tập cho vi khuẩn kháng kháng sinh. Một số công ty lớn gần đây không sản xuất được kháng sinh chống kháng vì tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn quá nhanh, nhanh hơn tốc độ nghiên cứu. Thế giới rất lo lắng về vi khuẩn kháng thuốc.
Ở nước ngoài, nếu không có đơn thuốc bác sĩ, người dân sẽ không mua được kháng sinh. Dùng kháng sinh không đúng cách không chỉ gây hại cho chính đứa trẻ đang sử dụng mà những người sống chung với trẻ, ăn chung, uống chung, giọt bắn... cũng có thể bị lây nhiễm theo. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây từ người bệnh sang người lành, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Trong trường hợp cơ thể khỏe mạnh, vi khuẩn kháng thuốc không có điều kiện "trỗi dậy". Song nếu cơ thể yếu đi, mắc cúm, bệnh... chúng có thể bùng phát. Trong trường hợp, vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh sẽ không có thuốc để chữa. Câu chuyện kháng kháng sinh không phải chỉ ở cá thể, mỗi người cần dùng đúng cách để bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng. Tỷ lệ kháng sinh ở Việt Nam cao hơn với thế giới bắt nguồn từ việc dùng kháng sinh không đúng chỉ định.
Ngọc An