Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phát động Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu, chiều 18/11 cho biết tình trạng kháng kháng sinh xảy ra khi vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Điều này dẫn đến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Theo ông Thái, tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Covid-19 là do nCoV gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và tăng chi phí điều trị.
"Một số bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, là biện pháp điều trị nhiễm trùng cơ hội hay còn gọi là biến chứng do nhiễm khuẩn bội nhiễm. Các trường hợp này dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi thầy thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng của người bệnh", ông Thái nói. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ dùng kháng sinh và tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân Covid.
Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi sử dụng cho các bệnh do virus như cảm lạnh, cúm, hoặc dùng theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua, thuốc kém chất lượng, kê đơn chưa hợp lý... Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng kháng thuốc. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi người dân sử dụng kháng sinh theo phương châm "5 đúng": Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian, theo ông Thái.
WHO đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh, trong đó tỷ lệ vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.
Lượng tiêu thụ thuốc kháng sinh trên toàn cầu tăng trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là do tình trạng sử dụng ngày càng tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tại Việt Nam, số lượng thuốc kháng sinh bán ra cộng đồng tăng gấp hai lần so với năm 2009. 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.
Năm nay, Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu diễn ra từ ngày 18-24/11, chọn thông điệp là Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, nhằm kêu gọi mọi người hành động phòng chống kháng kháng sinh.
"Tình trạng kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa cơ bản đối với sức khỏe con người và là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt", Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết tại buổi phát động tuần lễ này.
Tiến sĩ Remi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO) tại Việt Nam, khẳng định thuốc kháng sinh là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại, giúp con người sống sót sau những đợt nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng gây ra. "Tuy nhiên, nếu lạm dụng và dùng không đúng cách, chúng ta có thể quay trở lại thời kỳ như một thế kỷ trước, chịu sự tác động của các mầm bệnh và không thể sống sót ngay cả khi bị nhiễm trùng thông thường", ông nói.
WHO dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.