Khi tay súng 18 tuổi Salvador Ramos đột nhập vào trong lớp học ở trường Robb, thành phố Uvalde, bang Texas hôm 24/5, một nhóm 19 cảnh sát đã đứng bên ngoài hành lang, chờ đợi đội đặc nhiệm cũng như chìa khóa để mở cửa trong khoảng 50 phút. Trong lúc đó, các học sinh trong lớp liên tục gọi đường dây 911 và cầu xin giúp đỡ.
Đại tá Steven McCraw, giám đốc Sở An toàn Công cộng Texas, thừa nhận cảnh sát đã có cách ứng phó sai lầm trong vụ xả súng. Pedro "Pete" Arredondo, cảnh sát trưởng học khu Uvalde, đồng thời là chỉ huy hiện trường, "khi đó cho rằng tình huống đã thay đổi, từ một vụ xả súng thành nghi phạm cố thủ trong lớp". Với nhận định này, Arredondo đã không ra lệnh cho các sĩ quan lập tức xông vào bên trong để đối mặt nghi phạm.
"Đó là một quyết định sai lầm. Không có gì để bào chữa cho điều đó", McCraw thừa nhận.
Thor Eells, giám đốc điều hành Hiệp hội Sĩ quan Chiến thuật Quốc gia (NTAO), cho biết nhận định của chỉ huy đội phản ứng tại hiện trường là "hoàn toàn sai lầm".
"Nếu nghi phạm đang ở trong lớp học với các nạn nhân và súng đã nổ, cảnh sát cần đối đầu với tay súng ngay lập tức. Ngay cả khi nghi phạm đã ngừng bắn, cảnh sát vẫn cần tiến vào phòng để hỗ trợ và cứu mạng các nạn nhân", Eells nói.
Chuyên gia này cho rằng hành động chờ đợi bên ngoài lớp học của cảnh sát Texas đi ngược với quy trình ứng phó xả súng đã được phổ biến và huấn luyện cho lực lượng hành pháp sau vụ xả súng trường học Columbine năm 1999.
"Ngay cả khi bị nghi phạm nhắm bắn, quy trình huấn luyện đòi hỏi các sĩ quan phải đối đầu trực tiếp với tay súng để vô hiệu hóa mối đe dọa, bởi lúc này mỗi giây đều đáng quý. Những gì chúng ta đã thấy ở đây là sự chần chừ trong hành động, và điều đó đã khiến đám trẻ phải trả giá bằng tính mạng", Jonathan Wackrow, nhà phân tích về lĩnh vực hành pháp của CNN, nói.
Trong vụ xả súng trường trung học Columbine năm 1999, cảnh sát bang Colorado đã án binh bất động gần một tiếng sau khi tiếng súng nổ để chờ đội đặc nhiệm SWAT, trong khi hai nghi phạm tàn sát 13 người bên trong.
Trước vụ xả súng ở Columbine, lực lượng hành pháp Mỹ thường được đào tạo theo quy trình chiến thuật ICE, gồm cô lập, khống chế nghi phạm và sơ tán hiện trường. Theo quy trình này, cảnh sát sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ đội SWAT để ứng phó với tay súng, theo Eells.
Mức độ thảm khốc của vụ xả súng Columbine buộc cơ quan thực thi pháp luật điều chỉnh quy trình, chú trọng ứng phó lập tức với kẻ xả súng thay vì chờ đợi lực lượng đặc nhiệm. Kể từ đó, cảnh sát hành động để bảo vệ những người đang gặp nguy hiểm hơn là bảo vệ bản thân.
Những người phản ứng đầu tiên ở hiện trường cũng bắt đầu được huấn luyện về chiến thuật để sẵn sàng ứng phó với các vụ xả súng, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào đội SWAT.
Hiện lực lượng cảnh sát Mỹ không có một hướng dẫn chung trên toàn quốc về cách huấn luyện và phản ứng với các tình huống xả súng. NTAO là đơn vị đầu tiên phát triển chương trình huấn luyện chuyên đối phó với những kẻ xả súng.
Chương trình đào tạo bao gồm các ưu tiên an toàn để ra quyết định khi sĩ quan đối mặt với các vụ xả súng, dựa trên mức độ thương vong ở hiện trường. Nó đã được sử dụng ở các cơ sở huấn luyện cảnh sát trên tất cả 50 bang của Mỹ, theo Eells.
Tất cả các khóa đào tạo đều ưu tiên đối phó với kẻ xả súng trước. Cảnh sát cũng được yêu cầu coi an toàn của con tin và dân thường là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến an toàn của lực lượng hành pháp và nghi phạm.
Trong quá trình áp dụng và cải tiến chiến thuật ứng phó xả súng, các cơ quan thực thi pháp luật đều hiểu rằng chần chừ phản ứng dù chỉ vài giây trong một vụ xả súng đều có thể gây ra thảm họa. Điều này thúc đẩy các cơ sở đào tạo cảnh sát xây dựng chiến lược phản ứng nhanh hơn. Các sĩ quan hiện được hướng dẫn làm mọi thứ để vô hiệu hóa kẻ xả súng càng nhanh càng tốt, thậm chí bỏ qua lời cầu cứu của người bị thương.
"Đây là một quá trình học hỏi liên tục", Eells nói. "Vụ xả súng Uvalde có thể là cơ hội tốt để rút ra một số bài học mà sau đó dẫn tới các khuyến nghị của chúng tôi về cách bạn có thể thay đổi phản ứng".
Eells chỉ ra một vụ xả súng tại tại trường trung học Colorado năm 2013 cho thấy phản ứng nhanh của cảnh sát có thể dẫn tới kết quả khác biệt như thế nào. Vụ xả súng bắt đầu khi một nam sinh ném bom xăng và khai hỏa khẩu súng săn trong trường, khiến một nữ sinh 17 tuổi thiệt mạng.
Chỉ 2 phút sau đó, một cảnh sát bảo vệ trường học đã tiếp cận hiện trường, hô lớn mình là cảnh sát và yêu cầu mọi người nằm xuống đất. Nhận ra sự hiện diện của cảnh sát, tay súng đã tự sát. Giới quan sát cho rằng nếu không có phản ứng nhanh chóng của cảnh sát này, thương vong trong sự việc có thể cao hơn nhiều.
Trong khi quy trình ứng phó xả súng đã được công nhận rộng rãi ở 18.000 cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ, vấn đề còn tồn tại là tính độc lập của các cơ quan cảnh sát cấp hạt, cấp bang và liên bang ở Mỹ, theo Maria Haberfeld, giáo sư về khoa học cảnh sát tại Đại học John Jay. Mỗi cơ quan cảnh sát lại có những tiêu chuẩn và quy trình hành động khác nhau.
"Cách sĩ quan Uvalde phản ứng như vậy có thể là vì họ đã không được huấn luyện đúng cách", Haberfeld nói, thêm rằng các cơ quan cảnh sát địa phương thường phụ thuộc nhiều vào các đơn vị đặc nhiệm trong những tình huống phức tạp.
Hồi tháng 3, học khu Uvalde đã tổ chức diễn tập đối phó xả súng cho các sĩ quan. Nội dung diễn tập nêu rõ "ưu tiên hàng đầu của sĩ quan là xông vào và đối đầu với kẻ tấn công, có thể bỏ qua những người bị thương hoặc lời kêu cứu của đứa trẻ".
Theo Eells, khi tập trung chờ đợi bên ngoài hành lang lớp học thay vì phá cửa xông vào, 19 sĩ quan cảnh sát Texas có thể đã chú trọng vào vấn đề an toàn. Nhưng điều này đã khiến các học sinh đối mặt nguy hiểm và tạo điều kiện gây tội ác cho kẻ xả súng.
"Tất cả thời gian họ đứng chờ ở hành lang nên được thay bằng đối đầu trực tiếp với nghi phạm, trong khi vẫn sơ tán những đứa trẻ ra ngoài", Eells nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)